13/09/2022 3:00:08

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU): Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trên môi trường số

Trong quá trình chuyển đổi số và triển khai mô hình “đại học số”, robot và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hoá số được xác định sẽ là chìa khóa giúp PVU tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá, tạo ra các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt cao.

Trong những năm qua, công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN) luôn được quan tâm trong hoạt động của PVU và tất cả tổ chức đoàn thể, chính trị trong Nhà trường. Thực hiện Nghị quyết số 281-NQ/ĐU ngày 15/5/2019 của Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, PVU tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tập đoàn để tổ chức thực hiện theo trọng tâm trong từng thời điểm, gắn VHDN với mọi mặt hoạt động.

PVU đã thành lập Tổ công tác triển khai VHDN, đứng đầu là Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng, với sự phối hợp thực hiện của các đồng chí đảng ủy viên phụ trách tuyên giáo – đoàn thể, phòng Tổ chức hành chính, phòng Đối ngoại & Khoa học Công nghệ, bộ phận truyền thông cùng các bộ phận liên quan khác. Công tác TT&VHDN cũng là một trong những nội dung chính được Ban lãnh đạo Nhà trường thảo luận/đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện cũng như định hướng tiếp theo trong các cuộc họp giao ban định kỳ.

Xây dựng bản sắc riêng dựa trên nền tảng Văn hóa dầu khí

Với nguyên tắc xây dựng VHDN bằng cách thiết lập các chuẩn mực và tạo dựng thói quen, trên cơ sở nền tảng Văn hóa dầu khí, Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi và Triết lý giáo dục của mình, PVU đã rà soát, đánh giá, lựa chọn, đồng thời đưa các yếu tố cấu thành “Văn hóa PVU” vào thực tiễn mọi hoạt động, từ Nhà trường đến các đơn vị, khoa, phòng ban và tổ chức đoàn thể trong cả hệ thống chính trị.

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU)

Trong đó, nền tảng Văn hóa dầu khí bao gồm Hệ giá trị cốt lõi, các Quy tắc đạo đức, Quy tắc ứng xử chuẩn mực của Văn hóa Petrovietnam. Tầm nhìn của PVU là trở thành một trong những Trường đại học đào tạo chuyên ngành dầu khí và năng lượng có uy tín của khu vực Đông Nam Á và Châu Á vào năm 2035; thực hiện sứ mệnh là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất kinh doanh của nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và của đất nước, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng. Cùng giá trị cốt lõi Đức – Tài – Chuyên nghiệp, triết lý giáo dục của PVU xác định: mọi hoạt động đào tạo và giáo dục phải tạo ra được những người lao động mới – nhân tài cho phát triển của đất nước và thế giới; nhân lực PVU đào tạo vừa có tài vừa có những phẩm chất cách mạng, lòng yêu nước, có đạo đức trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, giản dị, và sức khỏe để sẵn sàng đi xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

“Văn hóa PVU” được xây dựng và vào thực tiễn mọi hoạt động trong Nhà trường.

Với những nền tảng đã được thiết lập, PVU đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến đến toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên; song song đó là cập nhật, ban hành các chính sách, quy chế, quy định, hệ thống trao đổi thông tin… nhằm thể chế hóa việc triển khai tái tạo VHDN và tích hợp các giá trị vào hoạt động hàng ngày. Việc triển khai VHDN được thống nhất và xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị: Đảng bộ, Nhà trường, các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên); đẩy mạnh truyền thông nội bộ, xây dựng môi trường làm việc cởi mở, hợp tác, linh hoạt, sáng tạo và hướng đến hiệu quả cao.

Kết quả đạt được trong công tác truyền thông

Công tác truyền thông là một trong các nhiệm vụ quan trọng được PVU giao cho Phòng Đối ngoại và KHCN phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện và các tổ chức đoàn thể triển khai một cách thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm theo từng thời điểm dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu; tổ chức tuyên truyền các thông tin trong ngành theo chỉ đạo của Ban TT&VHDN Tập đoàn bằng các công cụ truyền thông trực quan về những quy định và các giá trị văn hóa của Trường đến CBNV và sinh viên qua nhiều kênh thông tin đa dạng như email, website, fanpage, Office 365, các bảng điện tử ở văn phòng…; tình hình thực hiện được báo cáo và theo dõi trực tuyến qua hệ thống quản trị Office 365.

PVU cũng đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan đài truyền hình, báo chí trung ương và địa phương, tạp chí chuyên ngành, liên tục cập nhật, tuyên truyền về các hoạt động của Nhà trường, của Tập đoàn, ngành Dầu khí, trong đó nhấn mạnh 03 chương trình đào tạo của PVU (Kỹ thuật Địa chất, Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật hóa học) đã được tổ chức kiểm định ABET (Hoa Kỳ) kiểm tra và xác nhận đạt chuẩn.

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Ban lãnh đạo ABET của PVU tại buổi kiểm định.

Đảng ủy Trường cũng kịp thời ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tuyên truyền rộng rãi và quán triệt trong toàn Đảng bộ, các tổ chức chính trị xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) xem như các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, Chi bộ, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Người lao động trong toàn Trường, thực hiện tốt Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam, văn hóa PVU.

Triển khai đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam

Đến nay, ban lãnh đạo PVU đã đưa nội dung thực hiện VHDN vào Thỏa ước lao động tập thể và các quy định của Trường, có sự cam kết song phương giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về thực hiện VHDN tại Hội nghị NLĐ hàng năm; ban hành các chính sách phúc lợi thể hiện sự ghi nhận, đánh giá năng lực thực thi nhiệm vụ được giao; khen thưởng đột xuất với CBNV thường xuyên đổi mới giải pháp, có nhiều sáng kiến, cách thức giải quyết công việc để hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ, đạt chất lượng. Ngoài ra, PVU cũng đã tổng hợp, rà soát hoàn thiện bộ Quy chế quản trị làm căn cứ xây dựng văn hóa thực thi công việc, tính tuân thủ và hiệu quả, cụ thể các Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban Giám hiệu; giữa Ban Giám hiệu – BCH Công đoàn trường; giữa BCH Công đoàn – BCH Đoàn Thanh niên.

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Triển khai phong trào “PVU – 5S trên từng milimet” tại các tổ công đoàn.

PVU cũng đã đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành về hoạt động đào tạo, tuyển sinh, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; phối hợp với các đơn vị đào tạo về VHDN như chuỗi chương trình kiến tạo VHDN – hành động để thực thi (PVGAS); văn hóa trên môi trường số (Vietsovpetro, PVFCCo, BIENDONG POC, Phu Quoc POC,…), Chuyển đổi số và năng lực số (với Trung tâm ICI/Bộ Thông tin và Truyền thông).

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Đại diện các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng sinh viên PVU tại Ngày hội hướng nghiệp “Company Day 2022”.

Phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể nhằm gắn kết, chia sẻ thông qua các hình thức Teambuilding, Ngày hội Gia đình, Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11, ngày hội việc làm Company Day, hoạt động an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn, phục vụ cộng đồng của tập thể CBGV và sinh viên PVU (chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, hãy làm sạch biển, trồng cây xanh, hiến máu nhân đạo,…), các chương trình đối thoại, tọa đàm giữa lãnh đạo và CBCNV, tổ chức các cuộc thi, thành lập các câu lạc bộ để đẩy mạnh hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ, học thuật…

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Một chương trình hướng nghiệp cho các em học sinh THPT được tổ chức tại PVU.

Các điểm mới, sáng tạo trong triển khai công tác TT&VHDN tại PVU là đã tạo được môi trường công tác linh hoạt gắn với công tác xây dựng văn hóa trên môi trường số (văn hóa số), làm điểm tựa vững chắc trong việc phối hợp triển khai công việc trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn vừa qua. Bên cạnh đó, PVU cũng đã thực hiện tốt việc xây dựng VHDN gắn với đặc điểm của một tổ chức học tập, nâng cao trách nhiệm tự học hỏi – tự hoàn thiện của cá nhân, khuyến khích tự khám phá, đổi mới; đồng thời, ứng dụng tốt các nền tảng công nghệ, đa dạng các kênh truyền thông, đặc biệt là truyền thông nội bộ, từ đó đồng nhất và lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp cần truyền tải. Các giá trị văn hóa được truyền thông theo nhóm đối tượng (CBNV, sinh viên) thông qua các tổ chức chính trị xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) dưới sự chủ trì của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường, đảm bảo sự hiểu đúng – thực thi đúng.

Với những nỗ lực và thành quả đạt được, vừa qua, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam vinh dự là một trong 5 tập thể được nhận Bằng khen từ Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì có những chuyển biến tích cực trong công tác TT&VHDN.

Định hướng cho sự phát triển trong tương lai

Xác định “VHDN không chỉ là những thứ bên ngoài tô điểm hình ảnh một tổ chức mà còn được sử dụng như một công cụ cho quản trị hoạt động của Nhà trường, nhất là trong bối cảnh VUCA và kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ”, PVU đã và đang hướng đến việc xây dựng thang đo lường sự trưởng thành của VHDN ở các đơn vị trực thuộc nhằm từng bước điều chỉnh và nâng từ cấp độ “văn hóa khung” sang “văn hóa thực thi” và “văn hóa hiển thị”, từ đó tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, đổi mới không ngừng và đầy bản sắc của một đơn vị đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng.

PVU: Văn hoá số - Chìa khóa hình thành nguồn nhân lực với tư duy đột phá

Thầy trò PVU Nỗ lực khẳng định mình vượt thách thức đại dịch Covid-19 tại Lễ Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khóa 6 năm 2021.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi số và triển khai mô hình “đại học số”, robot và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hoá số sẽ là chìa khóa giúp PVU tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá, tạo ra các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt cao trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, PVU đã và đang từng bước tiếp cận và thực hiện các trụ cột của Văn hóa số theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 6/2021), đó là Sự cộng tác (1), Dữ liệu dẫn dắt (2), Hướng đến khách hàng (3) và Đổi mới sáng tạo (4). Việc xây dựng VHDN trong môi trường làm việc hybrid (vừa trực tiếp vừa trực tuyến) và văn hóa số sẽ là những nội dung quan trọng được PVU tiếp tục quan tâm nghiên cứu, triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Trúc Lâm – Hồng Thắm