Ấn tượng của người Dầu khí với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là sự thực tế, sâu sát trong công việc, từ đó khi phát hiện những bất cập về cơ chế, dựa trên thực trạng để chủ động đề xuất giải quyết thấu đáo, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.
Tháng 8, mấy hôm nay trời Thái Bình đổ mưa không ngớt. Tôi giật mình khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu ra đi. Người về cõi vĩnh hằng, để lại những tiếc thương cho những người con Việt. Đối với tôi, trong những lần gặp gỡ không nhiều, tôi vẫn nhớ mãi những dặn dò của bác trên các công trường dự án của ngành Dầu khí.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thị sát tại Lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. |
Lần thứ nhất, vào năm 2008, khi bác Lê Khả Phiêu về tham dự Lễ khởi công Dự án nhà máy Đạm Cà Mau. Lúc này đã khánh thành dự án Đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau và các Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2. Sau buổi lễ, tôi được vinh dự gặp, báo cáo thêm công việc với bác. Nhân tiện, tôi xin bác ghi sổ vàng lưu niệm để lại cho cán bộ công nhân viên, người lao động tại cụm dự án về sau.
Trong lúc nói chuyện, bác hỏi han về tình hình công việc tại dự án, động viên người lao động. Bác căn dặn, với quy mô và tính chất cụm dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau, có thể nói ngoài vai trò, ý nghĩa to lớn đối với đất nước, địa phương, ngành Dầu khí thì một việc nữa phải luôn nhớ, đây là môi trường để đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ kinh tế kỹ thuật cả về chuyên môn lẫn phẩm chất.
Đặc biệt, cần tổng kết mặt được để phát huy, mặt chưa được để rút kinh nghiệm. Riêng dự án nhà máy sản xuất phân đạm chưa hoàn thành, cần làm rõ các khó khăn vướng mắc để báo cáo, xử lý. Những nội dung nào liên quan đến cấp nào thì cơ sở cần căn cứ vào thực tiễn để đề xuất, tháo gỡ. Trong xử lý nhớ phải khách quan, tất cả vì công việc.
Tôi mạnh dạn báo cáo bác, trong những khó khăn chính, quan trọng nhất vẫn là hệ thống cơ sở pháp lý; anh em rất trăn trở khi nghiên cứu các giải pháp để đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, đâu đó đã có ý kiến cho rằng tại sao một dự án lại tách ra các dự án độc lập, có phải để “né” phê duyệt? Rồi ý kiến tại sao tuyến ống dẫn khí PM3 – Cà Mau mới phê duyệt “chưa ráo mực” theo tuyến sông Ông Đốc đã lại điều chỉnh sang tuyến mới? Ban Chuẩn bị đầu tư lúc đó (sau này là Ban Quản lý Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau) đã báo cáo với Tập đoàn (lúc đó là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) về mặt thuận lợi, mặt khó khăn giữa các mô hình.
Cuối cùng thống nhất đề xuất để Tập đoàn quyết định mô hình một Ban Quản lý dự án thực hiện các dự án độc lập trong cụm dự án để vừa dễ dàng điều phối, quản lý giao diện, xử lý các phát sinh, vừa tiết giảm chi phí, nguồn lực trong quá trình thực hiện; nhất là tiết kiệm được thời gian của các thủ tục trong lúc tiến độ của từng dự án là khác nhau. Về điều chỉnh tuyến ống, mặc dù đã được phê duyệt nhưng sau khi kiểm tra, đánh giá lại thực địa có xét đến đặc điểm địa hình và ngành nghề của bà con dọc tuyến sông, chiều dài tuyến, kể cả khả năng bảo đảm an toàn… Chính vì vậy, Ban Quản lý dự án đã mạnh dạn đề xuất đổi tuyến. Lúc đó, tôi mạnh dạn báo cáo bác Lê Khả Phiêu rằng chính những điều này sẽ góp phần xử lý các vướng mắc cho dự án.
Đến nay, hiệu quả trong quản lý và thực hiện đã được chứng minh, nhất là việc bổ sung thêm Dự án Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 2 theo cơ chế nhân đôi và áp dụng chính sách đặc thù theo Quyết định 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Lần nữa, mấy năm sau tôi lại được đón bác Phiêu về thăm Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vào năm 2011. Sau khi đi kiểm tra và nghe báo cáo tại công trường, bác đề nghị đi đến khu tái định cư của tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch, triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động cho các hộ gia đình và nhân dân bị ảnh hưởng bởi việc phát triển các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư. Trong quá trình tiếp xúc, tôi tiếp tục ấn tượng bất ngờ đối với cách xử lý công việc của bác.
Thứ nhất là ngoài việc nghe báo cáo thì phải kiểm tra thực tế, càng sâu sát càng tốt. Thứ hai là cần phát hiện những bất cập về cơ chế, dựa trên thực trạng để chủ động đề xuất. Thứ ba là tính đồng bộ và toàn diện của chuỗi các công trình cũng như tác động đối với các chủ thể, các tầng lớp, bộ phận nhân dân có liên quan.
Ngày nay, cụm từ “kinh tế bao trùm” đang hình thành và tạo cơ sở khoa học trong xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Thật ngạc nhiên, lúc đó, chúng tôi đã nghe, đã thấy và chứng kiến những căn dặn của Bác về những nội dung của lý thuyết này. Đó là, để phát triển tất yếu cần đầu tư xây dựng, nhưng phải đánh giá hết các mặt tác động về cả thiên nhiên và xã hội, về tất cả các bộ phận dân cư để đảm bảo nền tảng lợi ích chung, chính đáng, không bỏ sót ai. Không để một số chủ thể, một số nhân dân có lợi ích bị ảnh hưởng, phải “trả giá” cho phát triển, dù là phát triển chung.
Bút tích của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại dự án cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau |
Tôi hiểu vì sao nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn dứt khoát đề nghị đi đến khu tái định cư, vào từng hộ dân để xem tận nơi, hỏi han trực tiếp. Bởi chẳng ai bị ảnh hưởng lớn hơn những người đã phải di dời nhà cửa, mồ mả, quê hương bản quán để nhường đất cho các dự án.
Còn một ấn tượng hôm đi khu tái định cư mà tôi muốn kể, là lúc đã giữa trưa, trời Vũng Áng nóng như đổ lửa, có người nhanh nhẹn lấy một chiếc ô chạy đến che cho bác. Tôi nghe bác nói nhỏ, vừa đủ nghe: “Đưa cho tớ cái mũ được rồi, che ô thế này tớ nói chuyện với ai?”. Tôi hiểu bác không muốn, dù trời đang nắng và rất nóng, có khoảng cách với mọi người, nhất là lúc đó đang nói chuyện với người dân trong khu tái định cư.
Bác Phiêu đã rời cõi trần, bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với bác đối với công tác triển khai các dự án công nghiệp có quy mô lớn, chúng tôi ghi những dòng này như nén nhang thơm để tiễn đưa bác. Những lời dặn dò của nguyên Tổng Bí thư là kim chỉ nam để những người Dầu khí chân chính tiếp tục kiên định, vững bước vượt qua khó khăn.
NTH