30/04/2022 8:48:14

Người dầu khí với tháng 5 lịch sử

Đối với các thế hệ người lao động ngành Dầu khí, ngày 30-4 luôn mang một ý nghĩa đặc biệt bởi đây không chỉ là ngày lễ lớn của dân tộc mà còn là thời khắc lịch sử gắn bó với những bước chuyển mình quan trọng của ngành Dầu khí.

Người dầu khí với tháng 5 lịch sử

Lễ chào cờ trên cụm giàn khai thác Hải Thạch – Mộc Tinh

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thời điểm đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã ngay lập tức bắt nhịp cùng đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Bước khởi đầu của chiến lược dài hạn

Thực tế, từ trước đó, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng do Liên đoàn Địa chất 36 (Tổng cục Địa chất) triển khai từ năm 1961 đến năm 1975 đã cho các kết quả khích lệ. Thông tin về các công ty dầu khí phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam đã được biết ngay trong thời gian còn chiến tranh.

Ngày 30-4-1975, khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Tổng cục Địa chất đã ngay lập tức cử đoàn công tác vào miền Nam tiếp quản (về hành chính) Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn. Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn toàn bộ tài liệu của các công ty dầu khí thực hiện trước ngày giải phóng Sài Gòn, kịp thời báo cáo Chính phủ. Việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X… đã khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam chắc chắn có dầu khí. Những đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng dầu khí ở đây rất lớn.

Ngày 20-7-1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, trong đó đã đưa ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác, địa bàn hợp tác). Nội dung hội nghị đã được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước (ban hành ngày 9-8-1975). Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu ngành Dầu khí Việt Nam bước sang một trang sử mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.

Nhờ vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã được triển khai tích cực ở thềm lục địa phía Nam. Chúng ta đã xác định 3 bể trầm tích chủ yếu: Sài Gòn – Brunei (Bể Nam Côn Sơn), Mekong (Bể Cửu Long) và vịnh Thái Lan (Bể Malay – Thổ Chu). Việc phát hiện dầu khí trong các giếng khoan ở các Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn là căn cứ vững chắc để Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, Đảng và Nhà nước đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, đồng thời vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể như một “tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc lớn quyết định sự hưng thịnh của đất nước.

Đến hôm nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trở thành một tập đoàn kinh tế hiện đại, đồng bộ, bền vững, có vị thế và uy tín cao ở trong và ngoài nước, giữ vị trí quan trọng, nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

47 năm qua, niềm tin và khát vọng của các thế hệ “những người đi tìm lửa” vẫn luôn được lan truyền và rực sáng. Họ đã và đang tiếp tục sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi sóng gió, hoàn thành tốt trọng trách được giao; không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả hoạt động, trình độ chuyên môn, trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh và năng lực khoa học công nghệ, xây dựng văn hóa dầu khí, xây dựng Petrovietnam ngày càng vững mạnh.

Người dầu khí với tháng 5 lịch sử

Người lao động dầu khí làm việc trên giàn khoan

Lá cờ đầu của phong trào công nhân lao động

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 cũng luôn là sự kiện đặc biệt đối với người lao động dầu khí. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ người lao động là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt được Petrovietnam duy trì trong gần nửa thế kỷ qua. Đặc biệt, kể từ khi Công đoàn Dầu khí Việt Nam ra đời (16-12-1991), hệ thống tổ chức công đoàn của ngành Dầu khí đã phát triển, trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp tích cực, giữ vai trò quan trọng trong tổ chức Công đoàn Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong phong trào công nhân lao động cả nước, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của Petrovietnam.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, trở thành chỗ dựa tin cậy cho mỗi công đoàn viên; góp phần xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, giữ ngọn lửa truyền thống ngành Dầu khí luôn sáng mãi; giữ vững và phát huy vai trò, vị trí của Petrovietnam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người lao động dầu khí kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 hằng năm đều gắn với những hoạt động ý nghĩa của Tháng Công nhân và các phong trào thi đua yêu nước như thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động giỏi, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động.

Những thành tựu của Petrovietnam đạt được trong 47 năm qua đã khẳng định nền tảng vững chắc, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ và khát vọng của những người lao động dầu khí anh hùng.

Ngân Hà