Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sau 48 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 – 3/9/2023), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, ngân sách quốc gia. Ngay cả tại những thời điểm bất ổn, khó khăn trong nước và quốc tế, Petrovietnam vẫn minh chứng được việc thực hiện tốt sứ mệnh của mình, vững vàng trong vai trò đầu tàu xây dựng và phát triển đất nước.
Vị thế tập đoàn kinh tế chủ lực
Năm 1975, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chỉ trong vòng 43 ngày kể từ khi Bộ Chính trị họp quyết định chủ trương, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Petrovietnam ngày nay đã được thành lập. Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về ngành Dầu khí (Nghị quyết 244/NQ-TW) đã nêu quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đúng đắn: “Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…”. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành Dầu khí bước sang một trang mới, mở đầu cho công cuộc xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Công nghiệp Dầu khí Baku – Azerbaijan năm 1959. |
Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm ngành Dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này không chỉ ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới mà quan trọng hơn, đây được xem như “trụ đỡ” cả về tinh thần và vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế – xã hội.
Từ những tấn dầu đầu tiên cho đến những giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và của Petrovietnam nói riêng, cho tới khi giá dầu ở mức thấp kéo dài từ năm 2014, Petrovietnam vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giữ vững vị trí là một trong các trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Vai trò Petrovietnam trong hệ thống năng lượng quốc gia được thể hiện rõ trong giai đoạn 2010-2020, với đóng góp trung bình hàng năm chiếm 25-27% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp và 18-27% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ |
Trong lĩnh vực sản xuất điện, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam lên tới 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia, khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100-110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Người lao động dầu khí tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Petrovietnam cũng sở hữu 2 nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất nước hiện nay gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau. Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm (urê) của cả nước.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2016-2020 có nhiều khó khăn thách thức, biến động mạnh của giá dầu, dịch bệnh Covid-19…, Petrovietnam với nhưng nỗ lực vượt bậc đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ phê duyệt: Tổng sản lượng khai thác dầu khí 5 năm 2016-2020 đạt 121,14 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó khai thác dầu đạt 71,27 triệu tấn và khai thác khí đạt 49,87 tỷ m3; sản xuất điện đạt 104,4 tỷ kWh; sản phẩm lọc dầu đạt 50,23 triệu tấn; sản xuất đạm đạt 8,28 triệu tấn; nộp NSNN hàng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách của Nhà nước và đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.
Bản lĩnh trong gian khó
Năm 2020-2021 là khoảng thời gian có thể nói là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành dầu khí thế giới, vừa phải tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có (-37 USD/thùng). Cũng giống như ngành Dầu khí trên thế giới, Petrovietnam chưa bao giờ phát triển chỉ bằng những thuận lợi và người dầu khí cũng chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Xuất bán sản phẩm Phân bón Dầu khí Cà Mau |
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Petrovietnam đã chủ động, thích ứng, vượt qua muôn vàn khó khăn của dịch bệnh, của tình hình phức tạp trên Biển Đông, của sự giãn cách, đứt gãy chuỗi cung ứng, từ cầu thấp của thị trường… bằng việc tận dụng triệt để các cơ hội kinh doanh từ giá dầu, sự phục hồi của kinh tế thế giới dẫn tới phục hồi của thị trường xuất khẩu. Bằng bản lĩnh, trí tuệ được tôi rèn, người dầu khí đã đoàn kết thành khối thống nhất, bám trụ trên các công trình, giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo việc cung ứng các mặt hàng chiến lược, các sản phẩm chủ lực như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… góp phần chiếm tỷ trọng lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong bối cảnh khủng hoảng không những không bị thu hẹp mà còn được mở rộng, phát triển mạnh trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu giàn đầu giếng sang dự án tại Qatar. |
Kết quả, năm 2020, Petrovietnam vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép”, đóng góp vào NSNN 83 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối NSNN. Năm 2021, Petrovietnam tiếp tục phục hồi tăng trưởng, hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động SXKD, nộp NSNN đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020, dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Năm 2022, các khó khăn, thách thức từ các biến động kinh tế – chính trị toàn cầu tiếp tục tác động rất lớn đến các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn… Song, vượt lên gian khó, tập thể Petrovietnam đã đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Kết thúc năm 2022, tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tiếp tục có sự tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3 đến 26%, xác lập thêm nhiều kỷ lục mới xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển: Tổng doanh thu đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2021, vượt mức kỷ lục trước đây của năm 2012 (773,7 nghìn tỷ đồng, giá dầu thô năm 2012 đạt 117,6 USD/thùng), tương đương gần 9,8% GDP cả nước; nộp NSNN 170,6 nghìn tỷ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch năm, tăng 52% so với năm 2021 chiếm tỷ trọng 9,6% tổng thu NSNN.
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải |
Các dự án đầu tư đưa vào hoạt động đã đóng góp quan trọng cho đảm bảo an ninh năng lượng đất nước như dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, dự án Kho cảng LNG Thị Vải… Một loạt các dự án chậm trễ đã được đưa ra khỏi danh sách dự án yếu kém ngành Công Thương; điểm sáng là Nhiệt điện Thái Bình 2 và Sông Hậu 1 đã “hồi sinh” ngoạn mục, giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng.
8 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam tiếp tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính so với đà suy giảm của giá dầu, tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Nộp NSNN toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng.
Những kết quả đạt được của Petrovietnam cho đến nay đã và đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và tích cực bù đắp cho khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang phải hứng chịu, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cả năm 2023. Kết quả này cũng là minh chứng thiết thực nhất cho nỗ lực của Petrovietnam trong góp phần thực hiện các mục tiêu chung của đất nước, luôn đặt mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
“Mặc dù trong bối cảnh thế giới khó khăn, chúng ta vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có sự đóng góp của Petrovietnam với vai trò là “Năng lượng cho sự phát triển. Những thành quả của ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước” – Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sức mạnh văn hóa Petrovietnam
Điểm lại chặng đường phát triển, tập thể cán bộ, người lao động dầu khí qua các thời kỳ đã luôn vượt qua mọi thử thách, khó khăn, cống hiến không mệt mỏi, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam uy tín trong và ngoài nước. Hành trình ấy đã ghi dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dầu khí.
Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam với giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, phát huy vai trò nêu gương, truyền lửa, tạo động lực của những người “thuyền trưởng” trong định hướng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển hóa giá trị văn hóa Petrovietnam vào công việc hằng ngày, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Petrovietnam và các đơn vị thành viên. Xuyên suốt thời gian dài chống chọi với khủng hoảng kép, phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” trên nền tảng các giá trị văn hóa của Petrovietnam như một ngọn lửa tinh thần đã được thắp lên, rực cháy hơn bao giờ hết, giúp người lao động dầu khí trụ vững tinh thần, nỗ lực cùng nhau vượt qua gian khó.
Người lao động dầu khí trên giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng. |
Tái tạo văn hóa Petrovietnam và hoạt động truyền thông được lồng ghép thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, gắn với các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển của Petrovietnam, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” trong từng hoạt động. Sự quan tâm xây dựng hình ảnh người lao động dầu khí – ngành Dầu khí thông qua việc triệt để tận dụng cơ hội truyền thông tới các cấp, các ngành, từ trung ương tới địa phương cũng như dư luận xã hội, đã góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp, sự đồng thuận của xã hội, sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự ghi nhận và đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của Petrovietnam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nhờ đó, thương hiệu, uy tín của Petrovietnam được nâng cao, hình ảnh Petrovietnam đã tạo ấn tượng tốt đẹp, tạo niềm tin, khí thế mới trong cán bộ, công nhân viên, người lao động dầu khí, tiếp thêm ngọn lửa tinh thần, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
“Khát vọng lớn nhất của Petrovietnam là cùng với các doanh nghiệp khác góp phần xây dựng và phát triển tổ quốc Việt Nam hùng cường và vững mạnh thông qua thực hiện sứ mệnh của mình.” – Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng
Nhìn lại lịch sử 48 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ người lao động dầu khí đã luôn vững vàng vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn và sóng gió để Petrovietnam có được những bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sự khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ: “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”, đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích sự sáng tạo, nỗ lực vượt mọi gian nan, thử thách của những người lao động dầu khí, xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành thương hiệu uy tín, khẳng định vai trò chủ lực của nền kinh tế quốc dân./.
Trúc Lâm