Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác trong thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.
Vào cuối tháng 6-1997, một đoàn đại biểu của Petrovietnam đến Mátxcơva, đứng đầu là Tổng giám đốc Ngô Thường San. Tại cuộc gặp gỡ ở Zarubezhneft và Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Liên bang Nga, các chuyên gia ngành Dầu khí Việt Nam khẳng định ý định triển khai hợp tác chiến lược thông qua việc mở rộng và làm sâu sắc hơn những mối quan hệ trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai bên cũng thống nhất tiến hành trên cơ sở hợp đồng việc tổng hợp tài liệu địa chất và địa vật lý vùng thềm lục địa Việt Nam, thành lập trong tương lai một trung tâm khoa học và công nghệ Nga – Việt để thực hiện các công trình thiết kế khoa học và phát triển kỹ thuật ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác.
Đồng thời đoàn đại biểu của Petrovietnam cũng bắt đầu thảo luận về những dự án khí đốt khả thi. Tập đoàn Gazprom thiết lập quan hệ đối tác với đại diện chính quyền và giới doanh nghiệp Việt Nam để bàn bạc về những dự án cung cấp khí đốt cho các xí nghiệp, dân cư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh, xây dựng đường ống khí đốt và bể ngầm chứa khí đốt, phát triển ngành chế tạo máy về dầu khí, đào tạo cán bộ và đã triển khai công tác tư vấn liên quan.
Cũng tại cuộc gặp đó, Tổng giám đốc Công ty Zarubezhneft O. K. Popov đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Liên bang Nga B. E. Nemtsov như sau: “Tính đến kinh nghiệm phong phú và tích cực trong thăm dò và khai thác dầu tại vùng thềm lục địa Việt Nam, được tích lũy trong hơn 15 năm hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Vietsovpetro mà cổ đông phía Nga theo thỏa thuận với Ủy ban Tài sản Nhà nước Liên bang Nga là Công ty Zarubezhneft (năm 1996, liên doanh khai thác hơn 8 triệu tấn dầu, sau 10 năm khai thác tổng cộng hơn 45 triệu tấn), tại các cuộc đàm phán đã thống nhất thỏa thuận đề nghị Chính phủ hai nước Nga và Việt Nam mở rộng vùng hoạt động của XNLD Vietsovpetro thông qua việc bổ sung thêm vào đó những lô mới có triển vọng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam do các công ty thuộc các nước thứ ba để lại”.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng V. S. Chernomyrdin diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26-11-1997. Chuyến thăm ấy đã khẳng định đường lối đã được hoạch định là đưa hai nước xích lại gần nhau.
Tuyên bố về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò địa chất, ngày 24-11-1997, có đoạn: “Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác trong thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Chính phủ hai nước đánh giá cao kết quả hoạt động của XNLD Vietsovpetro và sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ mọi mặt cho các thành viên của XNLD trong việc giữ vững, phát triển hơn nữa và nâng cao hiệu quả hoạt động của XNLD, giao cho XNLD chuẩn bị các đề xuất cụ thể nhằm mở rộng hợp tác”.
Trong một văn bản khác đặc biệt nhấn mạnh khả năng đa dạng hóa hình thức hợp tác: “Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp hai nước trong việc phối hợp triển khai những dự án dầu khí, trong đó có hình thức thành lập các xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam, Nga và các nước thứ ba về tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ dầu và khí, vận chuyển, lưu trữ, chế biến dầu và khí, lọc hóa dầu, tiến hành công tác nghiên cứu khoa học và chế tạo thử nghiệm, đào tạo cán bộ”.
Cũng vào ngày hôm đó, 24 - 11- 1997, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Gazprom R. I. Vyakhirev và Tổng giám đốc Petrovietnam Ngô Thường San đã ký một văn bản lịch sử, thiết lập sự khởi đầu một giai đoạn mới trong quá trình Gazprom tham gia xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nga tới Việt Nam kết thúc bằng việc Thủ tướng Nga cùng với Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tham gia buổi lễ chào mừng sự kiện khai thác tấn dầu thứ 50 triệu của Việt Nam được tổ chức ở thành phố Vũng Tàu, tại trụ sở của XNLD Vietsovpetro.
Trong bối cảnh này, việc ký kết Nghị định thư về hợp tác giữa Gazprom và Petrovietnam có vẻ khiêm tốn, song chính tấn dầu thứ 50 triệu này của Việt Nam cũng đã khởi nguồn từ cuộc nói chuyện diễn ra từ lâu của đồng chí Đinh Đức Thiện trong phòng làm việc của Bộ trưởng Công nghiệp khí Liên Xô S. A. Orudzhev gần hai chục năm về trước, từ năm 1979 xa xôi.
Những năm cuối của thế kỷ XX, trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam ghi nhận cách giải quyết từng bước những vấn đề kinh tế do quá khứ để lại, đồng thời định hướng tạo ra cơ sở hợp tác cùng có lợi trong tương lai. Những cuộc thăm viếng thường xuyên của các quan chức cấp cao, từ người đứng đầu các bộ, ngành đến thủ tướng, các nhóm nghị sĩ, đã được khôi phục, Ủy ban Hợp tác liên chính phủ đi vào hoạt động. Những cuộc gặp gỡ của các chính trị gia và nhà ngoại giao thường đạt kết quả là thông qua các văn bản chung quan trọng.
Vào tháng 9-2000, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã đến Mátxcơva để cùng người đồng cấp của mình là Thủ tướng Nga M. M. Kasianov thảo luận các vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ngày 11 - 9 - 2000, Gazprom và Petrovietnam đã ký hợp đồng dầu khí đầu tiên theo điều kiện “Hợp đồng chia sản phẩm” để tìm kiếm khí đốt và thành lập công ty liên doanh điều hành dự án này.
Ngày 27-2-2001, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Nga V. V. Putin đến Hà Nội, Báo Nhân Dân đã đăng bài phỏng vấn, trong đó Tổng thống Nga nhắc lại những nhận định cơ bản của mình về mối quan hệ Nga – Việt Nam: “Chúng tôi coi nhiệm vụ phát triển toàn diện mối quan hệ với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á. Hơn nữa, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Nga đến Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là chuyến thăm diễn ra vào thời điểm khi quan hệ hợp tác Nga – Việt Nam đã vượt lên một cấp độ mới – cấp độ quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay chúng ta đang hợp tác trong tất cả các hướng then chốt: chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học – kỹ thuật, văn hóa. Như tục ngữ Việt Nam thường nói: “Cái khó ló cái khôn”. Một thập niên rưỡi vừa qua là một thử thách quan trọng đối với hai nước chúng ta. Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, chúng ta đã bảo toàn được kết quả tích cực đạt được trong những năm trước, thậm chí phát triển nó, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế”.
Tổng thống Nga đã lấy lĩnh vực dầu khí làm ví dụ cho mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi. Lĩnh vực đó thực sự đã là bàn đạp để xây dựng nên một hệ thống quan hệ mới, cùng có lợi giữa hai nước. Quan điểm của Tổng thống V. V. Putin đúc kết lại như sau: Cần tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa địa chính trị và kinh tế, từ bỏ quan điểm ý thức hệ trong các vấn đề chính sách đối ngoại và tập trung vào kết quả kinh tế.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà