Câu 1.
Nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của tổ chức công đoàn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 16 của “Quy định Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nai, tố cáo” được ban hành kèm theo Quyết định số 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020 của TLĐ LĐVN thì nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn được thực hiện như sau:
“Điều 16. Nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn
1. Tố cáo cán bộ, đoàn viên công đoàn có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Điều lệ Công đoàn, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn thuộc quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó có trách nhiệm giải quvết.
2. Tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc quyền quản lý của các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp của công đoàn cấp nào thì thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết.
3. Tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống công đoàn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
5. Tố cáo mà người có thẩm quyền đã giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật hoặc tố cáo đã quá thời hạn quy định mà không được giải quyết thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét, giải quyết như sau:
a) Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền là đúng pháp luật thì trả lời cho người tố cáo biết;
b) Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền trước đó trái quy định của pháp luật thì tiến hành thụ lý giải quyết theo trình tự.
6. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên công đoàn xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, nghỉ hưu được xử lý như sau:
a) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
b) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
c) Trường họp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
d) Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.”
Câu 2.
Ông B là cán bộ đã nghỉ chế độ hưu trí và được hưởng lương hưu theo quy định, sau đó Ông B ký hợp đồng làm bảo vệ cho Cơ quan A được 11 năm, sau khi kết thúc hợp đồng theo quy định, Ông B có được hưởng tiền trợ cấp thôi việc không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Bộ luật Lao động, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Theo đó, trường hợp người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động) thì người sử dụng lao động không có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 166 và Khoản 2, Điều 167 Bộ luật Lao động thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này; khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng các quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành về chi trả trợ cấp thôi việc không phân biệt đối với người lao động đã hoặc chưa nghỉ hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, trường hợp Ông B là người lao động đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí mà làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên theo hợp đồng lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Câu 3.
Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) là những đối tượng nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 3.2 và Mục 3.3 Nội dung 3 trong Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam quy định như sau:
“3.2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam
Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;
Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;
Hiệu trưởng, viện trưởng, phó viện trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước;
Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;
đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;
3.3. Người đang là đoàn viên hoặc cán bộ công đoàn, khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam tại điểm b, điểm c mục 3.2 Hướng dẫn này, thì đương nhiên thôi là đoàn viên, thôi là cán bộ công đoàn. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt công đoàn, do ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét công nhận là đoàn viên danh dự. Người là đoàn viên danh dự có quyền và nhiệm vụ như đoàn viên công đoàn trừ quyền biểu quyết các công việc của tổ chức công đoàn, quyền ứng cử, đề cử, bầu cử đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn cấp trên và các cơ quan lãnh đạo của tổ chức công đoàn.
Câu 4.
Các bước trong quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Phần II trong Phụ lục đính kèm tại Hướng dẫn số 272/HD-CĐDK ngày 01/06/2020 của Công đoàn Dầu khí Việt Nam thì các bước trong quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Công đoàn trực thuộc theo quy định sau:
“II. Các bước tiến hành quy hoạch
Bước 1: Dự kiến danh sách
Căn cứ kết quả đánh giá cán bộ hằng năm, kết quả quy hoạch của các cấp Công đoàn trực thuộc và đề án quy hoạch của Ban chấp hành công đoàn đương nhiệm, bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách công tác tổ chức cán bộ chủ động tham mưu, đề xuất danh sách nhân sự có triển vọng dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch Công đoàn đơn vị, xin ý kiến tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị (Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành nơi không có Ban Thường vụ) trước khi đưa ra lấy ý kiến giới thiệu tại các bước tiếp theo.
Bước 2: Phát hiện và giới thiệu nguồn
2.1. Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nguồn
– Thành phần: Tập thể lãnh đạo, Trưởng, Phó trưởng ban chuyên đề; Chủ tịch công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn đơn vị.
– Nội dung: Hội nghị bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đơn vị.
– Trình tự:
+ Chủ tịch công đoàn đơn vị chủ trì quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị hiện hành của Đảng; hướng dẫn của Công đoàn DKVN và đề án quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Công đoàn đơn vị nhiệm kỳ hiện tại và các nhiệm kỳ tiếp theo.
+ Bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách công tác tổ chức cán bộ phát danh sách nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch và phiếu giới thiệu nhân sự đưa vào quy hoạch.
+ Các đại biểu tham dự hội nghị có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch ngoài danh sách và viết phiếu, bỏ phiếu giới thiệu. Bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách công tác tổ chức cán bộ thu phiếu, kiểm phiếu.
2.2. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn đơn vị giới thiệu nguồn quy hoạch (từ 2 đến 3 người cho một chức danh quy hoạch).
2.3. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu nguồn:
– Bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách công tác tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả giới thiệu nguồn quy hoạch của hội nghị cán bộ chủ chốt và của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn đơn vị. Dự kiến danh sách quy hoạch các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đơn vị.
– Tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị (Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành nơi không có Ban Thường vụ) thảo luận, thống nhất danh sách đưa vào quy hoạch chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đơn vị để đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị Ban Chấp hành.
Nếu số lượng dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh trên còn thiếu, tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị lựa chọn, giới thiệu thêm các đồng chí trong danh sách giới thiệu của hội nghị cán bộ chủ chốt (có số phiếu từ cao xuống thấp), và phát hiện, giới thiệu bổ sung nhân sự ngoài danh sách để đạt từ 2 đến 3 nguồn cho một chức danh quy hoạch.
Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị Ban Chấp hành
– Thành phần: Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn đơn vị.
– Nội dung: Các thành viên tham dự hội nghị nghiên cứu đề án quy hoạch do tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị chuẩn bị, phân tích về chất lượng, cơ cấu, tham khảo các thông tin về cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, kết quả giới thiệu quy hoạch đối với cán bộ. Trên cơ sở đó, các thành viên bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đơn vị. Bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách công tác tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị.
Bước 4: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị thảo luận và thống nhất danh sách giới thiệu quy hoạch.
– Thành phần: Ban Thường vụ (hoặc Ban Chấp hành nơi không có Ban Thường vụ) Công đoàn đơn vị.
– Nội dung:
+ Tập thể lãnh đạo thảo luận phương án quy hoạch do bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách tổ chức cán bộ đề xuất, kết quả giới thiệu quy hoạch tại các bước. Các đại biểu thảo luận, giới thiệu bổ sung nguồn quy hoạch, bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn đơn vị. Tại hội nghị này, tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị xem xét, giới thiệu thêm cán bộ có trong quy hoạch ở nơi khác vào quy hoạch các chức danh cán bộ diện Công đoàn DKVN, cấp ủy đơn vị quản lý.
+ Những đồng chí được trên 50% tổng số tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị đồng ý giới thiệu nhưng phải đảm bảo cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn theo quy định (lấy từ cao xuống) thì được đưa vào danh sách đề nghị bổ sung quy hoạch. Trường hợp bỏ phiếu lần thứ nhất mà chưa đạt số lượng và cơ cấu, tập thể lãnh đạo Công đoàn đơn vị có thể bỏ phiếu bổ sung hoặc tổ chức phiên họp tiếp theo để thảo luận và giới thiệu bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ… có đủ tiêu chuẩn cơ bản và năng lực nổi trội tương ứng với chức danh quy hoạch cho đủ số lượng, cơ cấu theo quy định.
+ Kết quả kiểm phiếu được công khai trong hội nghị, phiếu giới thiệu được quản lý tại bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách tổ chức cán bộ.
– Hồ sơ quy hoạch sau khi có ý kiến thống nhất của cấp ủy đồng cấp được báo cáo về Công đoàn DKVN (qua Ban Tổ chức – Văn phòng) để xem xét, tham mưu trình Ban Thường vụ quyết định phê duyệt quy hoạch.”
Câu 5.
Điều kiện và thời gian làm việc cho cán bộ công đoàn hoạt động tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được quy định như thế nào?
Trả lời:
– Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động năm 2012 thì điều kiện và thời gian làm việc cho cán bộ công đoàn hoạt động tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được quy định như sau:
“Điều 193. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức
Công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động công đoàn.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương.
Cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức do công đoàn trả lương, được người sử dụng lao động bảo đảm phúc lợi tập thể như người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức theo thoả ước lao động tập thể hoặc quy chế của người sử dụng lao động.”
– Theo quy định tại Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012 thì điều kiện để cán bộ công đoàn hoạt động trong tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được quy định như sau:
Điều 24. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập; chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả.
Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương, được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật