Những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không ngừng triển khai các chuỗi liên kết giá trị, phát triển hệ sinh thái nhằm tăng khả năng ứng phó với tác động tiêu cực từ bên ngoài, biến thách thức thành cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh,… qua đó trở thành động lực tăng trưởng mới của toàn hệ thống.
Giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm. |
Các lĩnh vực hoạt động từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn có mối liên kết tự nhiên rất lớn, tuy nhiên, hình thành và phát huy sức mạnh chuỗi giá trị dầu khí là một trong những giải pháp đột phá, góp phần quan trọng tạo nên thành công của PVN.
Tăng tính liên kết
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương cho biết, trong chuỗi cung ứng từ khai thác, chế biến và phân phối sản phẩm dầu khí, các đơn vị có vai trò quan trọng để thực hiện chiến lược chung của tập đoàn trong việc xây dựng và tăng cường mối quan hệ hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm tạo lợi thế, phát triển chuỗi cung ứng. BSR vừa ký thỏa thuận về việc triển khai các chuỗi liên kết cung cấp dầu thô, pha chế, mở rộng thị trường; tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong và ngoài nước với Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL).
Ngay từ khi đi vào vận hành thương mại Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2009, PVOIL đã đồng hành và phối hợp cùng với BSR trải qua nhiều thời điểm khó khăn khi thị trường rơi vào khủng hoảng do giá dầu thô giảm mạnh vào các năm 2014, 2018 và 2020; hay chênh lệch trong chính sách thuế nhập khẩu của sản phẩm, sản lượng dầu thô Bạch Hổ giảm mạnh,… “Có thể nói việc ký kết lần này là dấu mốc quan trọng của quá trình hợp tác quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nâng cao giá trị và hiệu quả cho các bên trong hợp tác liên kết chuỗi theo chỉ đạo của PVN” – ông Bùi Ngọc Dương nhấn mạnh.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam thông tin, ngày 21/2 vừa qua, đơn vị đã ký biên bản đàm phán tham gia hợp đồng dầu khí Lô 09-2/10 và thỏa thuận hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí (E&P) với Vietsovpetro. Việc ký biên bản, thỏa thuận sẽ giúp hai đơn vị ngày càng thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài trong nhiều năm qua.
“Theo thỏa thuận, PVEP và Vietsovpetro sẽ thúc đẩy, mở rộng phạm vi hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác đánh giá tiềm năng dầu khí, thăm dò, thẩm lượng, tối ưu khai thác, nâng cao hệ số thu hồi dầu; hợp tác đầu tư các dự án thăm dò, khai thác dầu khí mới; nghiên cứu triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu mô hình hợp tác điều hành các dự án dầu khí; hợp tác về cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động dầu khí hai bên có thế mạnh,…” – ông Trần Hồng Nam khẳng định.
Với vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến công nghiệp khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu, tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Tuy nhiên, do mối liên kết giữa các đơn vị còn lỏng lẻo, đứt gãy trong hệ thống, nên ngay từ năm 2020, PVN đã thực hiện khảo sát, đánh giá một cách hệ thống, tổng thể các nguồn lực, tài sản, xác định điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược,… nhằm gia tăng tính liên kết, đẩy mạnh phát triển.
Tạo động lực phát triển
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Lê Mạnh Hùng, bên cạnh việc lựa chọn được những chuỗi có tính khả thi và hiệu quả cao để tập trung nguồn lực tổ chức triển khai và đưa vào vận hành, việc đổi mới công tác quản trị, điều hành tập trung theo khối để tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ, gợi mở các cơ hội liên kết, hợp tác trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường,.. cũng được quan tâm thực hiện triệt để.
Từ đó, các chuỗi giá trị của PVN dần được hình thành và không ngừng phát triển. Đến nay, toàn tập đoàn đã có hơn 30 chuỗi liên kết sản xuất, liên kết đầu tư được danh mục hóa, trong đó, nhiều chuỗi đã hình thành và đi vào hoạt động có kết quả, gắn với hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Đơn cử, có thể kể đến chuỗi năng lượng tái tạo giữa PV Power và PVFCCo, PVCFC với việc hợp tác lắp đặt điện mặt trời mái nhà; BSR hợp tác với PVOIL trong cung cấp dầu thô, pha chế, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong và ngoài nước; BSR hợp tác với PVTrans trong công tác vận chuyển dầu thô; hợp tác giữa PVD và PTSC cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực E&P,…
Bên cạnh đó, nhiều dự án nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm đã và đang được nghiên cứu triển khai như sản xuất filler masterbatch/compound; tách olefin ra khỏi LPG; sản xuất nước ôxy già, sản xuất melamin; chuỗi cảng dịch vụ-khí-điện; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị liên kết trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng phi truyền thống/sạch; thiết lập chuỗi cung ứng nội địa nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi,…
“Việc liên kết trong các chuỗi giá trị đã giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực sẵn có, giảm chi phí đào tạo, đầu tư và cũng tạo ra lực kéo cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong chuỗi. Gần đây nhất có thể kể đến những động lực đến từ chuỗi cung ứng nội địa nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Chuỗi cung ứng này không chỉ giúp cho PTSC có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đầy tiềm năng, mà còn là lực kéo giúp cho nhiều đơn vị trong tập đoàn với các năng lực đáp ứng tham gia vào chuỗi, nhất là giúp các đơn vị khó khăn chuyển mình vươn lên khi tham gia chuỗi giá trị” – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ giúp nâng cao tầm vóc, năng lực cạnh tranh, việc phát triển các chuỗi giá trị còn giúp PVN tăng cường sức chống đỡ trước những khó khăn, biến động khó lường của thị trường.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khủng hoảng giá dầu thế giới,… nhưng PVN và các đơn vị thành viên đã thiết lập những kỷ lục mới về sản xuất kinh doanh, nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường; trong đó, năm 2023, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, tương đương 9,2% GDP cả nước; nộp ngân sách đạt 151.800 tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách nhà nước,…
Một trong các yếu tố làm nên những kết quả này là đóng góp của việc phát huy chuỗi giá trị trong toàn hệ thống. Điều đó cho thấy, giải pháp quản trị sáng tạo được triển khai vào trong thực tế, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho doanh nghiệp trong những năm vừa qua và sẽ còn tiếp tục trong hành trình chuyển dịch để xây dựng và phát triển PVN trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực và thế giới.
Theo Báo Nhân dân