01/08/2020 11:07:45

Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả  “tác động kép” 

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hậu quả trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu. Cùng với đó, giá dầu liên tục giảm mạnh kéo dài chưa có tiền lệ trong ngành năng lượng thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí, trên thế giới “sóng gió” trước dịch bệnh và giá dầu giảm sâu thì ở trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày 19 và ngày 26/6/2020, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức các buổi tọa đàm “Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả tác động kép do ảnh hưởng giá dầu và dịch Covid-19”. Buổi tọa đàm đã thảo luận về tác động kép đã làm ảnh hưởng nhiều đến quy mô sản xuất, quan hệ sản xuất do đó năng suất lao động giảm, tâm lý và sức khỏe NLĐ cũng bị ảnh hưởng, trước những khó khăn đó Công đoàn các đơn vị đã cùng chuyên môn cùng cấp xác định tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình dịch bệnh và những khó khăn, thuận lợi tìm các biện pháp tiết giảm chi phí/giảm lương, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến NLĐ và thực hiện phòng chống dịch covid 19 để NLĐ hiểu và chia sẻ những khó khăn hiện tại. Tư tưởng Người lao động tại một số đơn vị lo lắng, đặt ra nhiều câu hỏi đối với doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cùng cấp. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa giảm và có xu thế tăng, tác động ảnh hưởng đến môi trường điều kiện hoạt động mọi mặt của Tập đoàn DKVN và công tác phòng ngừa dịch bệnh trong cộng đồng, các doanh nghiệp và người lao động.

Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểu tại tọa đàm khu vực phía Bắc

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về công tác đã đồng hành cùng doanh nghiệp đối phó với “tác động kép” và đưa ra các giải pháp đổi mới, điều chỉnh để phù hợp với tình tình thực tế trong thời gian tới:

Thứ nhất: Giải pháp điều chỉnh, cơ cấu lại các hoạt động:

Định hướng lại các hoạt động chính từ nay đến hết năm 2020 cho phù hợp tình hình thực tiễn trong đó tập trung vào các hoạt động chính tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động SXKD, công tác chăm lo, bảo vệ NLĐ, công tác phòng chống dịch và bảo đảm đời sống, việc làm cho NLĐ; Chuyển hướng các hoạt động theo mô hình nhỏ, gọn, trực tuyến, tiết giảm tối đa chi phí và các hoạt động đông người; Tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với người lao động, đặc biệt là quy định về tạm hoãn, chấm đứt hợp đồng lao động; yêu cầu các doanh nghiệp quan tâm đến quyền lợi của người lao động, thực hiện đúng quy định pháp luật khi phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 38 Bộ luật Lao động.

Kịp thời nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, không để ngừng việc tập thể trái pháp luật xảy ra liên quan hoặc không liên quan đến quan hệ lao động. Giảm thiểu tối đa các vấn đề nợ đọng tiền lương, BHXH… của NLĐ; Tích cực đẩy mạnh công tác Tư vấn hỗ trợ pháp lý cho NLĐ;

Thứ hai: Giải pháp về chính sách và Tài chính:

Tập trung, cân đối nguồn tài chính, dồn mọi nguồn lực tập trung chăm lo, hỗ trợ các đối tượng là NLĐ khó khăn: thu nhập thấp, mất việc, nghỉ chờ việc, bệnh hiểm nghèo…; Tập trung vào các công trình phúc lợi phục vụ cho ĐV-NLĐ, sử dụng hiệu quả các công trình phúc lợi tập thể. Tiết giảm tối đa các chi phí hành chính, tổ chức sự kiện, kỷ niệm, hội họp…. Hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tài trợ, vận động các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đóng góp vật chất, sử dụng tối đã các quỹ nội bộ của đơn vị để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; làm việc với các đối tác ký kết chương trình phúc lợi của tổ chức Công đoàn tăng cường, bổ sung các gói ưu đãi, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên công đoàn, nhất là các gói hỗ trợ tín dụng, cho vay không cần thế chấp. Hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng mua trên 200.000 chiếc khẩu trang cho NLĐ trong toàn Ngành; khen thưởng các đơn vị và cá nhân sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch: gần 300 triệu đồng (cho 13 tập thể và 40 cá nhân với gần 60 sáng kiến, giải pháp); hỗ trợ LĐLĐ Vĩnh Phúc và LĐLĐ Hà Nội 200 triệu đồng; hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai 500 triệu đồng; hỗ trợ nhân Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 từ Quỹ Tương trợ Dầu khí và nguồn Kinh phí công đoàn hơn 12,5 tỷ đồng cho gần 2.800 người lao động khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động..; Thăm hỏi, hỗ trợ NLĐ đặc biệt khó khăn tại các đơn vị 40 triệu đồng; Hỗ trợ các các trường hợp NLĐ trong ngành bị mất việc do tái cơ cấu, kết thúc các dự án; NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo và tử vong gần 60 triệu đồng.

Thứ ba: Giải pháp tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tư tưởng ĐV-NLĐ:

Đi sâu, nắm bắt kịp thời tình hình NLĐ khó khăn, mất việc, chờ việc để để kịp thời có các giải pháp phối hợp cùng NSDLĐ có các biện pháp bố trí sử dụng lao động, đảm bảo công ăn việc làm cho NLĐ một cách tốt nhất, giảm thiểu tối đa NLĐ bị mất việc, chờ việc; Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức công đoàn, kêu gọi trách nhiệm xã hội, giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động, toàn xã hội hiểu, phối hợp và đồng hành cùng tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thứ tư: Giải pháp đẩy mạnh hoạt động phong trào sáng kiến, sáng chế, giải pháp, hiến kế và động viên khen thưởng:

Phát động, đẩy mạnh và tuyên truyền các phong trào: “Đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động công đoàn”; Phát động phong trào “Lao động sáng tạo” để phát huy cao điểm hiến kế, phát huy tối đa trí tuệ của ĐV-NLĐ cho các hoạt động phát triển SXKD; Khen thưởng sáng kiến, giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phát động phong trào “Lao động sáng tạo Cấp Công đoàn Dầu khí”; Khen thưởng các đơn vị và cá nhân trong Ngành có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch gần 300 triệu đồng (cho 13 tập thể và 40 cá nhân với gần 60 sáng kiến, giải pháp).

Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận về các tác động ảnh hưởng của việc suy giảm giá dầu và dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD của từng đơn vị, tác động đến đời sống, việc làm của NLĐ. Các biện pháp, giải pháp của tổ chức CĐ chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục tác động, hậu quả và ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ như các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ NLĐ khi dịch bệnh. Nghiên cứu, phát minh các sáng kiến để sản suất thiết bị diệt khuẩn tại PVFCCo và là một trong những sáng kiến tốt nhất tại Việt Nam về phòng chống Covid, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp công nghệ sản xuất buồng diệt khuẩn phòng chống dịch Covid-19 và chia sẻ phần mềm chạy online cho các đơn vị. Tổ chức cho NLĐ thay ca tại chỗ ở giàn khoan, ảnh hưởng đến chế độ đi biển của NLĐ, tổ chức giãn cách thời gian khoan trên các giàn đảm bảo hiệu quả và an toàn trong công tác SXKD. Đề cao các giải pháp trong công tác phòng chống dịch đã thực hiện, đảm bảo an toàn trong công tác và học hỏi các kinh nghiệm tốt của các đơn vị bạn trong phòng chống Covid-19. Công đoàn cùng chuyên môn đã tổ chức các cuộc họp cùng NLĐ để phân tích các nguyên nhân, tình hình SXKD và các khó khăn để NLĐ hiểu, duy trì hoạt động SXKD.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch CĐ DKVN phát biểu tại buổi tọa đàm khu vực phía Nam

Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid 19 trong tình hình mới cùng các văn bản chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công đoàn DKVN, địa phương có trụ sở công tác, làm việc. Cụ thể:

Vận động cán bộ công đoàn, đoàn viên thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, đồng nghiệp thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, trên đường đến công sở, nhà máy; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, khi có ho, sốt liên hệ ngay với nhân viên y tế, cơ sở y tế và thực hiện nghiêm việc cách ly.

Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020; chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động do các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của người lao động thông qua các hình thức như: cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ thêm các bữa ăn phụ, các loại thực phẩm, đồ uống bổ sung khoáng chất, vitamin…; bố trí giãn cách thời gian ăn ca, vị trí ngồi, làm vách ngăn tại khu vực ăn ca đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Phối hợp và đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn của đơn vị cùng cấp có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid -19, bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ hoặc đối tượng chưa được xác định trong gói hỗ trợ của Chính phủ; phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với người lao động, đặc biệt là quy định về tạm hoãn, chấm đứt hợp đồng lao động; yêu cầu các doanh nghiệp quan tâm đến quyền lợi của người lao động, thực hiện đúng quy định pháp luật khi phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động.

Như vậy, qua buổi tọa đàm các cấp công đoàn đã nhận thức được rõ vai trò của tổ chức công đoàn và tiếp tục phát huy tốt truyền thống nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nỗ lực quyết tâm cùng chuyên môn lao động sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn và các thách thức do tác động kép của giá dầu giảm và dịch Covid-19 để đổi mới, hoạt động ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức công đoàn của NLĐ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Nguyễn Văn Sỹ