Ngày 29/3, trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn công tác Nữ công 2024, đoàn đại biểu cán bộ làm công tác Nữ công đã có chuyến đi thực tế, tham quan, tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.
Tham dự chương trình có đồng chí Vũ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch CĐ DKVN; đồng chí Lương Thị Hồng Nhung – Trưởng Ban Tuyên giáo, Nữ công CĐ DKVN; cùng các nữ cán bộ CĐ DKVN, Công đoàn Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Đi qua cửa Đoan Môn – cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên các thành viên trong đoàn chúng tôi cảm thấy mình như đang ngược lại dòng lịch sử để tìm về những giá trị văn hóa, nghệ thuật từ xa xưa.
Lãnh đạo CĐ DKVN cùng tập thể nữ công CĐ DKVN, Công đoàn Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long |
Thông qua lời thuyết minh của các hướng dẫn viên du lịch và xem các thước phim phục dựng Điện Kính Thiên, các đại biểu cũng đã phần nào thấy được không khí linh thiêng, giá trị kiến trúc độc đáo được xây dựng rất công phu mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật của các triều đại trước. Đứng trước bậc thềm rồng nền Điện Kính Thiên nơi được coi là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội. Tại đây, đoàn đại biểu do Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Vũ Anh Tuấn dẫn đầu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên bày tỏ lòng thành kính trước các bậc tiên đế, tiên hiền có công với đất nước.
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Vũ Anh Tuấn dẫn đầu, thực hiện nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa Thế giới |
Đoàn công tác bày tỏ lòng thành kính trước các bậc tiên đế, tiên hiền có công với đất nước tại Điện Kính Thiên |
Lãnh đạo CĐ DKVN chụp ảnh lưu niệm với các nữ cán bộ CĐ DKVN, Công đoàn Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên |
Điểm đến tiếp theo, đoàn được tham quan là khu Nhà D67 – nơi mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Cuộc Tổng tiến công năm 1972, Đánh thắng hai cuộc chiến của Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972, Tổng tiến công năm 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu bày tỏ sự ngỡ ngàng khi trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long lại có một công trình quân sự ngầm sâu 9m dưới lòng đất, có khả năng chống bom nguyên tử mang tính tuyệt mật trong những năm tháng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Khu hầm ngầm này được xây dựng bởi hơn 300 cán bộ từ Bộ tư lệnh Công binh xây dựng suốt ngày đêm và hoàn thành chỉ sau 6 tháng. Tính đến hiện tại hầm ngầm dành riêng cho Cục Tác chiến trong thành cổ Hà Nội hôm nay vẫn còn nguyên vẹn, kiên cố, đầy đủ các hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện, vật dụng thời chiến để minh chứng cho một thời gian lao nhưng sôi sục tinh thần quyết chiến quyết thắng, khát khao dành lại độc lập cho nước nhà của các vị lãnh đạo, tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đoàn công tác tham quan Di tích cách mạng Nhà D67 và Hầm D67 trong khuôn viên di tích nền Điện Kính Thiên |
Một điểm đến đặc biệt nữa, đoàn đại biểu đã được tham quan khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu, một Di sản văn hoá thế giới, niềm tự hào của dân tộc. Những khám phá quan trọng hơn 20 năm trước của khảo cổ học dưới lòng đất khu vực phía Tây trục trung tâm Cấm thành tại 18 Hoàng Diệu đã làm phát lộ một quần thể di tích kiến trúc phong phú, đa dạng cùng hàng triệu di vật thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7- 9), thời Đinh, Tiền Lê (thế kỷ 10), thời Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527- 1592), Lê Trung Hưng (1593- 1789) và Nguyễn (1802- 1945).
Tại đây các đại biểu đã được xem các hiện vật khảo cổ tồn tại qua nhiều thế kỷ. Lớp dưới cùng là hệ thống kiến trúc thuộc thời Tiền Thăng Long hay còn gọi là thời An Nam đô hộ phủ hoặc Đại La, thể hiện rõ qua hệ thống các cột gỗ, các nền móng kiến trúc, đường cống tiêu thoát nước, giếng nước và di vật như gạch “Giang Tây quân”, ngồi đầu ngói ống trang trí hình thú thần, mặt hề và nhiều đồ gốm sứ có niên đại thế kỉ 7 – 9.
Phía trên cùng là lớp kiến trúc thời Lê, với dấu tích của các nền kiến trúc xây bằng gạch vồ, hệ thống giếng nước, đặc biệt là các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp trên mái cung điện của nhà vua và các loại đồ sứ ngự dụng dành riêng cho nhà vua. Một số vị trí có dấu tích văn hoá thời Nguyễn nhưng mờ nhạt không rõ ràng.
Đoàn cũng đến tham quan khu bảo tàng trưng bày các hiện vật được khai quật trong các khu khảo cổ của thành cổ. Các thành viên trong đoàn được xem các hiện vật có niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm trước với kiến trúc vô cùng độc đáo trong đó chiếm số lượng lớn là vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ và đồ kim loại. Nhiều hiện vật là đồ dùng của Hoàng đế và Hoàng gia, gắn với đời sống Hoàng cung và mang ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Nhiều hiện vật gốm sứ có nguồn gốc rất đa dạng, không chỉ do người Việt Nam sản xuất mà còn được mua về từ Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Á. Điều này cho thấy tại Thăng Long – Hà Nội sự trao đổi, giao thoa văn hóa đã diễn ra trên phạm vi khá rộng. Ngoài ra, đoàn đại biểu cũng đã tham gia các hoạt động nhóm, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Teambuilding cho nữ CNLĐ.
Đoàn tham quan các di tích tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nằm trong chỉnh thể thống nhất của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long |
Chia sẻ cảm xúc về chương trình tập huấn và chuyến đi thực tế, chị Lưu Thị Ánh Ngọc – Cán bộ Công đoàn VNPOLY cho biết, sau 2 ngày tham gia Hội nghị tập huấn công tác Nữ công 2024, bản thân đã học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích và được tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế đầy ý nghĩa.
“Chuyến dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà mà còn để lại trong tôi cảm xúc tự hào dân tộc, tự hào là một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Hội nghị tập huấn năm nay thực sự đã đem đến nhiều giá trị, cho tôi có cơ hội được giao lưu với các chị em cán bộ nữ công các đơn vị và xúc động hơn cả khi được nghe những câu chuyện, những chia sẻ kinh nghiệm của các tiền bối trong công tác nữ công để từ đó có thêm động lực, cố gắng tôi luyện bản thân hơn nữa, góp phần xây dựng hoạt động nữ công tại đơn vị ngày càng vững mạnh”, chị Lưu Thị Ánh Ngọc chia sẻ.
Chị Lưu Trà My – nữ Cán bộ Công đoàn PVCollege chia sẻ: “Bản thân tôi là cán bộ công đoàn mới và buổi tập huấn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi. Buổi tập huấn đã cung cấp cho tôi nhiều kiến thức bổ ích, từ kiến thức về pháp luật, chính sách cũng như chế độ xã hội cho các nữ công đoàn viên, để từ đó nắm rõ, hiểu sâu, vận dụng vào công tác nữ công tại đơn vị cũng như phối hợp với các đơn vị khác”.
Cảm nhận khi lần đầu được đến thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, một di sản Văn hóa thế giới, niềm tự hào của dân tộc, chị cho hay nơi đây đã để lại cho chị nhiều ấn tượng sâu sắc, được hiểu hơn về những giá trị lịch sử của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội qua nhiều giai đoạn. Chị cũng cảm ơn đến BTC đã xây dựng một chương trình tập huấn bổ ích và ý nghĩa cho các chị em cán bộ công đoàn, đồng thời bày tỏ mong muốn sau này sẽ có nhiều chương trình bổ ích như vậy, để các chị em làm công tác công đoàn có cơ hội học hỏi, giao lưu, tăng cường sự đoàn kết, góp phần xây dựng hoạt động nữ công nói riêng ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Minh Châu – Minh Đức