27/03/2024 11:24:12

Thấm sâu và nâng tầm văn hóa Petrovietnam: Bài 1: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có phải “đao to, búa lớn”?

Vừa qua, được cùng Tổ triển khai Tái tạo văn hóa Petrovietnam làm việc về xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Sau cuộc họp, chúng tôi tự nhiên nảy sinh nhiều câu hỏi rằng liệu “văn hóa Petrovietnam” đã thực sự thấm vào từng người lao động hay chưa, sự đồng bộ về văn hóa dầu khí trong Tập đoàn đã đến đâu…

Tâm sự với một bạn trẻ tại một đơn vị trong Tập đoàn về những điều trên, tôi khá bất ngờ khi nhận về “một gáo nước lạnh”: “Em ngồi họp mà chẳng hiểu gì luôn. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là phải kiên trì, bền bỉ… Tại sao không đơn giản hơn như tuân thủ kỷ luật lao động, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất… Sao cứ phải “đao to, búa lớn” như thế chứ?”.

Bài 1: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có phải “đao to, búa lớn”?

Kỷ luật lao động tốt là một nét văn hóa đẹp của người lao động Dầu khí.

“Gáo nước lạnh” ấy đã làm tôi cả một đêm mất ngủ, liệu xây dựng văn hóa doanh nghiệp có quá “nặng nề”, “cách” xây dựng văn hóa doanh nghiệp bấy lâu nay vẫn chưa thực sự đi vào thực tế đời sống doanh nghiệp, doanh nhân hay “nhận thức” của một bộ phận lãnh đạo đơn vị vẫn còn có sự “kháng cự” đối với một vấn đề mới bên cạnh sản xuất, kinh doanh hay không.

Về vấn đề thứ nhất, không nhiều người biết rằng vấn đề khôi phục văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa doanh nghiệp là chủ trương của Trung ương Đảng (Nghị quyết 33-NQ/TW) cách đây gần… 10 năm. Trong đó, Trung ương Đảng đã phân tích, dẫn chứng thuyết phục về sự cần thiết phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh việc đặt lợi ích kinh tế, thì lợi ích văn hóa của người dân cũng phải được coi trọng, đặt ngang hàng.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì việc xây dựng văn hóa còn được chú trọng hơn, được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi vậy, công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là công tác quan trọng nhất của cả Đảng bộ lẫn chính quyền tại doanh nghiệp. Hơn ai hết, mỗi một cán bộ, đảng viên tại doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, thấm nhuần về công tác văn hóa, tự nguyện trở thành một “đại sứ văn hóa” trong chính doanh nghiệp của mình chứ không phải coi đó là nhiệm vụ, công tác phải làm, phải báo cáo, kiểm điểm… Nếu hiểu được những điều trên sẽ thấy xây dựng văn hóa doanh nghiệp không còn “nặng”, không chỉ là hình thức nữa.

Tiếp đến, nếu nhìn công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên các báo cáo, sự kiện có tính văn hóa, nghệ thuật… thì chỉ thấy một góc của “tảng băng”. Văn hóa doanh nghiệp là cả một hệ thống những giá trị nền tảng của doanh nghiệp từ xây dựng các thói quen tốt cho người lao động nâng cao hiệu suất làm việc, xây dựng môi trường làm việc tốt hơn (cảnh quan, không gian, không khí…, thi đua – khen thưởng), tạo cơ hội tốt nhất cho người lao động phát triển (học tập kiến thức, hưởng thụ giá trị nghệ thuật)…

Khi người lao động được “quan tâm” đúng, khơi gợi phát huy khả năng, được bồi đắp văn hóa thì chắc chắn nâng cao giá trị của chính người lao động đó. Tất nhiên, hiệu quả lao động sản xuất của mỗi cá nhân, cả tập thể chắc chắn sẽ được nâng cao, đem lại lợi ích thực tế cho doanh nghiệp và chính người lao động. Bằng chứng hùng hồn nhất là những năm qua, Petrovietnam liên tục vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách “vô tiền, khoáng hậu” từ dịch bệnh, ứng phó biến động thị trường, vướng mắc về cơ chế chính sách… để lần lượt đạt được những kỷ lục về sản xuất, lợi nhuận cho đất nước, người lao động Dầu khí Việt Nam.

Trong đó, không thể không nhắc tới việc các đơn vị của Tập đoàn cũng liên tục vượt qua khó khăn từ biến động bất thường của giá xăng dầu, giá khí, giá đạm… đến tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước cũng như ngoài nước để giữ vững, cung cấp xăng dầu, phân đạm, điện, khí phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.

Nói nôm na thì khi Tập đoàn gặp khủng hoảng, những lãnh đạo cao nhất có thể “ngồi lại với nhau”, cùng làm rõ, đối mặt với những vấn đề khó khăn, cùng bắt tay vào gỡ, tháo những gút thắt, xử lý những vấn đề tồn tại. Đây là điều không phải đơn giản nếu không có sự thống nhất, quyết tâm thực hiện “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn.

Ở đây, người viết bài xin nhắc lại chuyện về từ “tái tạo” trong đề án “Tái tạo văn hóa Petrovietnam”. Được biết, để đưa hai chữ này vào làm tên của đề án, Nghị quyết của Tập đoàn là cả một sự cân nhắc rất kỹ, trong đó hàm ý là “khơi gợi những truyền thống tốt đẹp, làm mới, hệ thống lại những giá trị văn hóa của của người Dầu khí Việt Nam”. Hiểu một cách khác, vốn dĩ người Dầu khí Việt Nam đã mang trong mình những mầm văn hóa tốt đẹp, đáng tự hào, quá trình tái tạo văn hóa là thời gian để những mầm xanh đó nảy nở, phát triển thành rừng mà thôi.

Có thể thấy rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở bất cứ đơn vị nào cũng thực sự cần thiết, đặc biệt quan trọng là ý thức của lãnh đạo các đơn vị đối với xây dựng văn hóa trên nền tảng của chính doanh nghiệp mình. Người viết bài mong rằng, người lao động trong Tập đoàn sẽ dành thời gian, cảm nhận nhiều hơn về văn hóa doanh nghiệp, từ đó hòa mình vào dòng chảy văn hóa Dầu khí, cùng chung tay làm nên nét văn hóa đặc sắc tại mỗi đơn vị. Văn hóa doanh nghiệp chẳng hề xa lạ, nó là một bữa cơm của công nhân, việc chăm sóc một gốc cây xanh trong văn phòng hay cử chỉ, ngôn hành đối với đồng nghiệp…

Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: “Công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam là động lực quan trọng mang lại thành công và nâng tầm giá trị thương hiệu cho Petrovietnam. Tái tạo văn hóa Petrovietnam chính là một giải pháp đặc sắc, khác biệt, mang bản sắc của Petrovietnam, đưa Tập đoàn trở thành hình mẫu, đơn vị dẫn đầu trong Khối các doanh nghiệp Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hóa doanh nghiệp và công tác xã hội”.

Còn tiếp….

Thành Công