10/09/2022 12:34:49

Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020: Phải hình thành Văn hóa học tập trong Petrovietnam

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức thành công Hội thảo Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm tổng kết thực hiện chiến lược Đào tạo và phát triển nhân lực (PTNL) của Petrovietnam giai đoạn 2016-2020; Đánh giá thực trạng và thách thức về nguồn nhân lực, hệ thống quản trị nguồn nhân lực, công tác đào tạo phát triển của Petrovietnam và các đơn vị thành viên đề xuất để bổ sung điều chỉnh Chiến lược Đào tạo và PTNL phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Đến dự Hội thảo có đồng chí Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam; Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn, Thành viên HĐTV Tập đoàn. Các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban, đơn vị thành viên Tập đoàn.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản trị doanh nghiệp. Theo thống kê của viện Gallup, Hoa Kỳ, đến 84% giá trị của một công ty thuộc S&P 500 (500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ) nằm ở tài năng, kỹ năng, kiến ​​thức, đạo đức làm việc và thậm chí là sức khỏe của nhân viên.

Trong bối cảnh ngành Dầu khí Việt Nam đang đương đầu với những BTC cạnh tranh khốc liệt trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của chúng ta. Bên cạnh việc tập trung đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng quản trị hiệu quả thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa dẫn tới thành công.

Do đặc điểm kỹ thuật và công nghệ của sản xuất khai thác dầu khí là tiên tiến, hiện đại nên yêu cầu phải sử dụng lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cơ bản và trải qua kiểm nghiệm thực tiễn.

Chiến lược “Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực của Petrovietnam” là hiện thực hóa chủ trương và quan điểm của Lãnh đạo Tập đoàn đối với công tác quản trị nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo phát triển nhân lực nói riêng. Với mục tiêu tiêu chuẩn hóa và đồng bộ hóa công tác đào tạo phát triển và hệ thống quản trị nguồn nhân lực theo năng lực, sau thời gian 5 năm triển khai thực hiện.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong các nguồn lực thì con người là nguồn lực quan trọng nhất. Các giải pháp để gia tăng giá trị nguồn lực thông qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là gia tăng lớn nhất nguồn lực cho doanh nghiệp, có thể nói 80% quyết định đối với sự phát triển của doanh nghiệp chính là nguồn lực con người.

Ngay sau khi có Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Năm 2015, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn lúc đó đã chỉ đạo Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn gắn với định hướng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết 41. Đến năm 2017 đồng thời với việc phê duyệt chiến lược phát triển Tập đoàn thì phê duyệt chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo Quyết định 363.

Cho đến nay, Petrovietnam đã 5 năm triển khai chiến lược phát triển Tập đoàn và đào tạo PTNL, bởi vậy cần thiết phải rà soát, cập nhật và điều chỉnh lại chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tương ứng với mục tiêu chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới. Từ đó nhìn nhận được những ưu điểm, hạn chế so với mục tiêu phát triển Tập đoàn trong thời gian qua.

“Tập đoàn hiện nay đang từng bước thích ứng theo xu hướng chuyển dịch năng lượng, phát sinh một loạt công việc mới, kỹ năng mới còn nhiều khó khăn, nhận thức chưa đồng đều như trong công tác: Chuyển đổi số, lĩnh vực năng lượng tái tạo, tìm kiếm khai thác dầu, ứng dụng chuyển giao công nghệ… Vì vậy, đào tạo và PTNL phải đẩy mạnh phát triển, nâng tầm thành “văn hóa dạy và học”, tự học trong môi trường kinh doanh”, Tổng Giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị, Hội thảo tập trung phân tích trao đổi về những xu hướng mới được cập nhật trong chiến lược phát triển, từ đó phân tích các xu hướng nghề nghiệp, tổ chức đào tạo nhân lực, xác định những kỹ năng kiến thức, phù hợp với thực tiễn.

Phải hình thành Văn hóa học tập trong Petrovietnam

Một số đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, lắng nghe các tham luận về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực từ các Ban Tổ chức và Quản trị nguồn nhân lực; Tìm kiếm Thăm dò, Ban Khai thác Dầu khí; Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu; Điện và Năng lượng tái tạo. Các đơn vị thành viên: Vietsovpetro; PVEP; PVDrilling, PTSC; PVCFC; BSR; PV GAS; PVPower; Nhơn Trạch 1.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về lĩnh vực Điện và Năng lượng tái tạo tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng cho biết, thời kỳ đầu lĩnh vực điện còn mới mẻ, hạn chế về nhiều mặt thì cho đến nay Điện lực Dầu khí đã xây dựng nên một đội ngũ nhân lực mạnh, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thế giới đang bước vào xu thế chuyển dịch năng lượng, điều này làm cho lĩnh vực điện có sự thay đổi và đòi hỏi nhiều giải pháp thích ứng mang tính cấp bách cho tương lai, trong đó có cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050. Để có nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới cần xây dựng chương trình đào tạo bài bản, dài hạn chuyên sâu hơn nữa.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ tại tọa đàm, Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến nhấn mạnh, chương trình tọa đàm nhận được sự quan tâm rất lớn của tập thể lãnh đạo Tập đoàn, đây là dịp để Tập đoàn rà soát, cập nhật, điều chỉnh và khắc phục những hạn chế tồn tại kịp thời cho chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn từ nay đến 2025. Trong đó, hai vấn đề quan tâm và trăn trở hiện nay là việc nghiên cứu xây dựng hệ thống E-Learning và nghiên cứu khả năng áp dụng Quản trị tri thức, cần phải sớm xây dựng.

Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến cũng nêu một vấn đề quan trọng nữa cần bổ sung vào mục tiêu chiến lược đó xây dựng được tổ chức học tập, hay là văn hóa học tập. Điều này cũng đang vấn đề băn khoăn của nhiều người khi các chương trình học tập, đào tạo hiện nay chưa còn hạn chế về thời gian do đặc thù công việc, dễ dẫn đến tâm lý ngại học, “bị đi học”. Những vấn đề nêu trên đặt ra vấn đề phải xây dựng nên những hạt nhân tốt để từ đó lan tỏa về tinh thần học tập, hình thành những con người phù hợp và tài năng xứng đáng với định nghĩa “con người là tài sản của doanh nghiệp”.

Phát biểu tổng kết, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của các đơn vị tham dự hội thảo. Các giải pháp, kiến nghị được ra cơ bản đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Tổng Giám đốc mong những vấn đề đưa ra cần triển khai bằng những việc làm, hành động cụ thể, thể hiện những gì cốt lõi nhất, có tính nhất quán xuyên suốt trong tuyên bố và hành động.

Petrovietnam: Tổng kết chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2016-2020

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Nhắc lại vai trò đặc biệt quan trọng của Tập đoàn với nền kinh tế đất nước. Tổng Giám đốc cho rằng: “Đừng chỉ nghĩ ở phạm vi chúng ta là những người đi “tìm dầu, bán xăng”. Đó chỉ là một trong những phần việc thực hiện cho sứ mệnh cao cả đối với Quốc gia, đó là giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh Quốc phòng và cuối cùng là an sinh xã hội, tạo phúc an dân, công ăn việc làm. Đấy mới là khái quát một cách đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của chúng ta”. Trong xu thế chuyển dịch năng lượng, trách nhiệm và thử thách còn rất nhiều trong đó công nghệ, phát triển công nghệ được coi là yếu tố sống còn, phải nhìn nhận và hướng đến một mục tiêu cao hơn là hình thành một Tập đoàn Công nghiệp năng lượng.

Tổng Giám đốc tiếp tục nêu nhiều vấn đề đáng suy ngẫm: “Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển thì ngay bây giờ phải thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế, đó là công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống quản trị nhân lực; Phân công trong đào tạo; Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là tài sản quý cho doanh nghiệp;… Bên cạnh đó là những chính sách về thu nhập, giữ chân người lao động, quản trị tài năng, chính sách cho những người làm công tác đào tạo,… Đó là những vấn đề phải làm, cần sự lãnh đạo, định hướng, quản trị từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên dựa trên một nền tảng số, tri thức kinh doanh”.

Trên tinh thần như vậy, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các Ban liên quan tiếp tục tổng hợp, rà soát lại mục tiêu chiến lược, ngành nghề, mô hình, chính sách, xu hướng và thực trạng, qua đó triển khai, dự báo đánh giá về nhu cầu về công tác đào tạo, phát triển nhân lực một cách tổng thể, xây dựng và đào tạo một đội ngũ nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng làm chủ về công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng một môi trường doanh nghiệp đề cao tinh thần học tập trở thành một trong những giá trị văn hóa cốt lõi của Petrovietnam.

Minh Châu – Minh Đức