16/05/2022 11:06:56

Vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đề án tái tạo văn hóa dầu khí đang được triển khai tích cực song hành với đề án chuyển đổi số. Qua tham khảo tài liệu của một số tổ chức, bài viết đề xuất các nội dung đào tạo về văn hóa thích ứng, sẵn sàng thay đổi; văn hóa tương tác và văn hóa hướng đến khách hàng để cấp quản lý xem xét khi thiết lập văn hóa “kỷ nguyên số” tại Petrovietnam.

Tại Petrovietnam, đề án chuyển đổi số đã và đang được thực hiện, lộ trình gồm 03 giai đoạn từ nay đến năm 2025:

Giai đoạn 1: 2020 – 2021 (đã hoàn thành)

Thiết kế, chuẩn hóa và ban hành định dạng khung dữ liệu cho từng lĩnh vực cốt lõi

Giai đoạn 2: 2021 – 2023 (đang thực hiện)

Tổ chức, xây dựng tập trung hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn ngành dầu khí với định dạng khung đã ban hành: lựa chọn, triển khai CSDL cho từng lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên (ERP đang được triển khai, xây dựng CSDL thượng nguồn trước, hạ nguồn sau…).

Giai đoạn 3: 2023 – 2025

Vận hành các hệ thống CSDL và ban hành các quy định để khai thác sử dụng hiệu quả.

Văn hoá doanh nghiệp mang đầy đủ các đặc trưng của một nét văn hoá nói chung. Văn hoá doanh nghiệp có tính ổn định, được hình thành và bồi đắp bởi niềm tin và giá trị dần lan tỏa theo thời gian. Cấu trúc văn hóa doanh nghiệp gồm 3 tầng:

Tầng bề mặt thể hiện bề nổi của văn hóa doanh nghiệp thông qua: logo, khẩu hiệu, không gian làm việc, ấn phẩm, đồng phục…Các biểu hiện ở tầng bề mặt dễ thay đổi và tác động nhất.

Tầng giữa là những giá trị được thể hiện của công ty, gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, tổ chức, hệ thống các quy tắc ứng xử, nội quy. Các biểu hiện ở tầng giữa định hình thói quen làm việc, ứng xử của đội ngũ nhân viên.

Tầng lõi của văn hóa doanh nghiệp là những giá trị ngầm định trong nhận thức, được công nhận tại doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi thuộc tầng này. Đây là những giá trị được định hình trong thời gian dài, và gần như bất biến đối với mỗi doanh nghiệp.

Tại Petrovietnam, song song với đề án chuyển đổi số là đề án tái tạo văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là bước đi đúng đắn và bài bản theo đúng lộ trình chuẩn. Văn hóa và chiến lược số (digital business strategy and culture) là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Đề án tái tạo văn hóa dầu khí được thực hiện với mục tiêu chắt lọc, sửa đổi, bổ sung những giá trị văn hóa ưu việt, từng bước loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp, phát huy những giá trị văn hóa chọn lọc. Người lao động trong doanh nghiệp cần được đào tạo để sẵn sàng trở thành con người đáp ứng, thích nghi với mọi yêu cầu làm việc và phát triển của doanh nghiệp số – văn hóa doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Qua tham khảo tài liệu của các tổ chức, bài viết đề xuất một số nội dung đào tạo có thể xem xét khi xây dựng văn hóa “kỷ nguyên số” tại Petrovietnam.

1. Văn hóa thích ứng và sẵn sàng thay đổi

Xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân viên ham học hỏi, có khả năng thích nghi với hoàn cảnh và những thay đổi mới; linh hoạt, chủ động trong công việc, tận dụng sức mạnh công nghệ để ra quyết định phù hợp với chiến lược, kế hoạch của tổ chức.

2. Văn hoá tương tác

Khuyến khích sự tương tác, phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin vì mục tiêu chung, thông qua các hình thức như truyền thông nội bộ: các tuyên bố, thông báo từ công ty cần được truyền đạt trực tiếp, chính xác tới tất cả người lao động để mọi người hiểu và nỗ lực đạt được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra. Phát huy tinh thần trách nhiệm, đưa ra cơ chế khuyến khích nhân viên hợp tác, cộng tác cùng chịu trách nhiệm đối với mỗi dự án, mỗi công việc mà họ đảm trách. Xóa bỏ tư duy “không phải việc của tôi, không phải trách nhiệm của tôi”. Đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số, một số người có tâm lý cho rằng chuyển đổi số chủ yếu do phòng/ban công nghệ thông tin đảm nhiệm, các bộ phận khác ở trạng thái thụ động, chưa sẵn sàng tham gia.

3. Văn hoá hướng đến khách hàng

Khái niệm khách hàng có thể là cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, các đơn vị thành viên, các cơ quan nhà nước, sở ban ngành v.v…

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa thấu cảm với khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả và phù hợp. Petrovietnam trong quá trình hoạt động thường xuyên làm việc với rất nhiều các bên liên quan trong nước và quốc tế, việc thiết lập văn hóa chú trọng đến khách hàng thực sự cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với triết lý kinh doanh mà Petrovietnam đã đề ra từ năm 2008, đó là “khách hàng là bạn hang”, Petrovietnam sẵn sàng cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, thuận lợi và khó khăn với khách hàng.

Thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ không diễn ra nhanh chóng như thay đổi, cải tiến về công nghệ. Quá trình này thường kéo dài và phức tạp hơn. Tuy nhiên, có những sự thay đổi là tất yếu, đến từ quá trình phát triển. Tại Petrovietnam, tái tạo văn hóa dầu khí sẽ tạo tiền đề thúc đẩy cho các hoạt động chuyển đổi số, trong đó văn hóa thích ứng, tương tác và tập trung vào khách hàng là những nội dung đào tạo cho cán bộ công nhân viên cần được lồng ghép trong đề án.

Từ Vi Sa