Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh công tác tiếp công dân và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan BHXH các cấp, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH…
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1151/BHXH-TTKT gửi Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
BHXH Việt Nam cho biết, trong những năm qua đã kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, chấn chỉnh công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn ngành. Theo đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan BHXH các cấp đã đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn diễn ra; tại BHXH một số tỉnh, thành phố, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu chưa được quan tâm đúng mức; có nơi, có lúc còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức đối thoại với công dân; một số đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa đảm bảo thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh phức tạp, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền và của BHXH Việt Nam.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức cơ quan BHXH trong thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng các buổi tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cơ quan.
Đối với những vụ việc phức tạp, có liên quan đến đến nhiều cấp, nhiều ngành hoặc còn vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân, tổ chức đối thoại kết hợp với công tác dân vận “từ sớm, từ xa” để công dân hiểu, thực hiện theo các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là viên chức cấp huyện.
Tăng cường kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức cơ quan BHXH; kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu xử lý, giải quyết đơn có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng “dân vận tốt”, “dân vận khéo” nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân. Quan tâm trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, chế độ, chính sách, kinh phí phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo đáp ứng yêu cầu và đúng quy định.
Đồng thời, nghiêm túc triển khai, nhập dữ liệu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiến nghị, phản ảnh vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Tổng hợp, rà soát số tiền hưởng BHXH, BHTN, BHYT sai quy định phải thu hồi phát hiện thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và số tiền đã thu hồi được đối với từng vụ việc cụ thể; có biện pháp khẩn trương thu hồi về quỹ BHXH, BHTN, BHYT đối với số tiền chưa thu hồi được hoặc khó thu hồi nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng giữa những người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến cuối tháng 4/2022, toàn ngành đã chi trả hơn 1.945 tỷ đồng cho hơn 1,45 triệu người hưởng chế độ ốm đau do mắc Covid-19.
Quý I/2022, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết 648.012 lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc Covid-19, với số tiền hơn 987 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền chi trả đối với chế độ ốm đau. Theo đó, trong quý I/2022, số lượt người hưởng chế độ này tăng 124% và số tiền chi tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2021. Mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng, thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.
Hiện nay, BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.
BHXH Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, người lao động nên nhận chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người lao động để việc giải quyết và thụ hưởng chính sách được nhanh chóng và thuận tiện, minh bạch.
H.T