30/07/2021 8:44:37

Thương mại Dầu khí – khát vọng vươn ra tầm thế giới

Vào tuổi 60, hoạt động thương mại của ngành Dầu khí đã phát triển lên đỉnh cao với xuất khẩu dầu thô, bán khí, kinh doanh xăng dầu, phân bón và nhập khẩu vật tư, thiết bị, công nghệ… Tuy nhiên, ít người biết rằng, hoạt động thương mại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) gắn liền với hành trình nhiều năm tháo gỡ cơ chế, đi từ “đóng” đến “mở”.

Những câu chuyện của các vị lão thành ngành Dầu khí luôn là những trải nghiệm khó quên, trong đó có nhiều thành công nức lòng người, nhưng cũng có không ít tiếc nuối. Song, điều quan trọng nhất là khát vọng vươn ra thế giới của người dầu khí qua những thăng trầm lịch sử.

Kỳ I: Hành trình từ “đóng” đến “mở”

Theo ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Thương mại – Thị trường đầu tiên của Petrovietnam, hoạt động thương mại của Petrovietnam có thể chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (1975-1990) là giai đoạn Nhà nước độc quyền về ngoại thương, Petrovietnam chỉ tham gia về “kỹ thuật” của các đơn hàng; giai đoạn 2 (1990-1994), Petrovietnam thành lập Phòng Thương mại – Thị trường, từng bước tham gia vào hoạt động thương mại; Giai đoạn 3 từ năm 1994 đến nay, Nhà nước trao quyền xuất nhập khẩu cho Petrovietnam, hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ, đáp ứng mọi nhu cầu của ngành Dầu khí.

Thương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giới

Lễ ký kết Hiệp định hợp tác Việt – Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại Moskva (ngày 3-7-1980)

Trong giai đoạn đầu tiên, ngành Dầu khí Việt Nam với tên gọi là Tổng cục Dầu khí hoạt động trong nền kinh tế kế hoạch hóa, thường gọi là kinh tế bao cấp. Thời gian này, Nhà nước độc quyền về ngoại thương nên Tổng cục Dầu khí chưa có hoạt động thương mại. Nhà nước chỉ giao Tổng cục Dầu khí làm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Khi ấy sản phẩm của Tổng cục Dầu khí được tính bằng km/tuyến thăm dò, giếng khoan…

Bởi vậy, hằng năm, khi cần vật tư, thiết bị, các đơn vị trong ngành Dầu khí làm đơn hàng, Tổng cục Dầu khí phê duyệt rồi chuyển cho các công ty xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương để thực hiện. Thời gian này, vật tư, thiết bị chủ yếu của ngành Dầu khí được nhập khẩu từ Liên Xô và có một phần nhỏ nhập từ Rumani. Ngay khi thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô, Bộ Ngoại thương đã tách một bộ phận của Tổng công ty Technoimport để thành lập Công ty Petechim trực thuộc Bộ Ngoại thương làm công tác nhập khẩu vật tư thiết bị, ký các hợp đồng dịch vụ với nước ngoài và bước đầu xuất khẩu dầu thô cho Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô.

Trong 5 năm đầu hoạt động, Tổng cục Dầu khí có Vụ Vật tư kết hợp với Vụ Kế hoạch để thực hiện các đơn hàng nhập khẩu. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Tổng cục Dầu khí có thêm một nhiệm vụ là giám sát các hợp đồng kinh tế của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô, phê chuẩn các hợp đồng dịch vụ của các nhà thầu dầu khí.

Thương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giới

Xuất bán những tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986

Năm 1986, tấn dầu thương mại đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Kể từ thời điểm đó, ngành Dầu khí mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế nhằm xây dựng ngành Dầu khí phát triển đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Từ năm 1987, khi các công ty dầu khí của các nước tư bản bắt đầu quay trở lại Việt Nam, yêu cầu đầu tiên của họ là được nghiên cứu các tài liệu địa chất vật lý mà Tổng cục Dầu khí có sẵn. Lúc này, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kỹ thuật của Tổng cục Dầu khí đã đề xuất phương án sử dụng các tài liệu cũ của Chính quyền miền Nam, tài liệu của 3 công ty dầu khí đã làm trong giai đoạn 1977-1981 và tài liệu Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô để cho các công ty dầu khí nghiên cứu và thu phí. Số tiền thu được lên tới hàng chục triệu USD nhưng đều nộp hết cho Kho bạc Nhà nước.

Vào năm 1990, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có biến động lớn, tan rã, việc mua bán vật tư thiết bị từ các nước này theo hiệp định của khối SEV trở nên rất khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi hoạt động nhập khẩu vật tư thiết bị của ngành Dầu khí phải hướng đến thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực này, Công ty Petechim của Bộ Thương mại (sáp nhập Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư) chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, nhiều công ty của các nước tư bản, đặc biệt là các công ty của Singapore, đã trực tiếp tiếp cận với khách hàng, chào bán vật tư, thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế với giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, các công ty dầu khí liên doanh với nước ngoài đang thăm dò khai thác dầu khí tại nước ta có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp. Đứng trước thực tế đó, để không bị thiệt thòi, bắt buộc những người làm dầu khí Việt Nam phải thay đổi tư duy về hoạt động thương mại.

Ngày 6-7-1990, Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác dầu khí thuộc Tổng cục Dầu khí cũ. Ngày 14-4-1992, Chính phủ ra Quyết định số 125-HĐBT về việc đặt Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Thương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giới

Các kỹ sư trẻ trong Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Vietsovpetro cùng lãnh đạo Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Từ đó, Petrovietnam chính thức là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con.

Nhìn ngược thời gian, ngay từ tháng 10-1990, ông Trương Thiên – Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam – quyết định thành lập Phòng Thương mại – Thị trường, đồng thời giao ông Lê Văn Hùng phụ trách phòng, trực tiếp soạn thảo chức năng nhiệm vụ, đề xuất tổ chức nhân sự của phòng.

Ông Hùng tâm sự: “Khi đó, tôi rất muốn giành quyền kinh doanh dầu thô và sản phẩm chế biến từ dầu (xuất nhập khẩu, phân phối xăng dầu…), nhưng Chính phủ mới có quyết định tạm dừng việc sáp nhập Petrolimex và Petechim vào Petrovietnam nên tôi chỉ dám đưa ra một số nhiệm vụ gồm: Lập kế hoạch và giám sát việc nhập khẩu vật tư, thiết bị cho các đơn vị thành viên của Tổng công ty; giám sát việc xuất khẩu dầu thô của Petechim; trực tiếp ký các thỏa thuận nghiên cứu tài liệu dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài muốn tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Việt Nam và giám sát các hợp đồng dịch vụ của các công ty dầu khí”.

Về nhân sự, ông Hùng cho biết, ngày đầu có ngay 2 cộng sự làm phó phòng là ông Nguyễn Hữu Lợi – Trưởng phòng Kinh tế Viện Dầu khí, ông Đặng Trần Giao – Phó giám đốc Công ty Dầu khí II và một số cán bộ tách ra từ Phòng Hợp tác quốc tế. Như vậy, lần đầu tiên Petrovietnam có bộ phận chuyên trách về thương mại với bộ khung nhân sự có bề dày kinh nghiệm cả chục năm. Từ đây, thương mại dầu khí chính thức bước ra thị trường thế giới, góp phần quan trọng trong sự phát triển thương mại dầu khí sau này.

Thương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giới

Người lao động VSP sửa chữa bảo dưỡng công trình dầu khí

Có một điều đặc biệt là trong suốt 60 năm phát triển, Petrovietnam luôn tiên phong trong hợp tác quốc tế, thương mại, công nghệ cao. Đất nước ta vẫn còn nghèo, kinh tế vẫn chỉ “đủ ăn đủ mặc”, muốn vươn lên nhanh chóng để “dân giàu nước mạnh” không có cách nào khác là mở cửa, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có hình hài rõ nét, được bạn bè quốc tế đón nhận, là thành viên của hàng chục hiệp định thương mại đa phương, song phương, đem lại lợi ích to lớn và lâu dài cho hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam. Đó chính là con đường đúng đắn để đất nước ta đi lên. Trên con đường đó luôn có dấu chân của người dầu khí, những người mở đường cũng là người đồng hành với đất nước cho đến ngày nay và nhiều năm tới.

Tháng 10-1990, Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam thành lập Phòng Thương mại – Thị trường với bộ khung nhân sự có bề dày kinh nghiệm. Từ đây, thương mại dầu khí chính thức bước ra thị trường thế giới, góp phần quan trọng trong sự phát triển thương mại dầu khí sau này.

Thành Công