Ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Dầu khí đánh giá, hai vấn đề quan trọng nhất để ngành Dầu khí phát triển là vốn để đầu tư vào tìm kiếm thăm dò và cơ chế hoạt động trong tình hình hiện tại.
Đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí
Ông Vũ Quang Nam |
PV: Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (3/9/1975 – 3/9/2020), nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành, ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Dầu khí trong sự phát triển của đất nước?
Ông Vũ Quang Nam: Dầu khí là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Từ những năm 1990 khi đất nước còn khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, ngành Dầu khí đóng vai trò rất quan trọng, có những năm đóng góp đến 30% ngân sách. Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Chính trị rất quan tâm đến dầu khí, đã ra rất nhiều các Nghị quyết tạo điều kiện cho ngành phát triển. Luật Dầu khí ra đời rất sớm trở thành đường hướng hoạt động. Nhờ đó, ngành Dầu khí đã phát triển rất mạnh, thực sự đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước trong những năm 1990 trở về sau.
Ngành Dầu khí ngày nay vẫn đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới cũng vậy, dầu khí vẫn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi đó là ngành công nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Hiện nay đóng góp của ngành Dầu khí nước ta khoảng 10% ngân sách, nhưng 10% đó rất quan trọng, nó là ngoại tệ. Đối với nhiều ngành nghề xuất khẩu thì Nhà nước chỉ thu về tiền thuế nhưng đối với dầu khí thì toàn bộ ngoại tệ thu về từ bán dầu thô nộp vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, dầu khí đóng một vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảng, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò của ngành Dầu khí, đã rất quan tâm đầu tư, ra Luật, Nghị quyết, chỉ đạo ngành Dầu khí phát triển cho đến ngày hôm nay và chắc chắn sẽ tiếp tục có chủ trương đúng đắn để thúc đẩy ngành Dầu khí tiếp tục phát triển, đóng góp cho đất nước.
Cần vốn và cơ chế để phát triển
PV: Ngành Dầu khí hiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, theo ông cần làm gì để thúc đẩy ngành Dầu khí phát triển trong giai đoạn hiện nay?
Ông Vũ Quang Nam: Theo tôi, Nhà nước cần có chủ trương đầu tư mạnh mẽ hơn đối với ngành Dầu khí cả về vốn liếng, cũng như cơ chế hoạt động của ngành. Trong những năm đầu khi chúng ta hợp tác với Liên Xô, cũng như các nước tư bản, chúng ta tìm kiếm thăm dò rất nhiều, trữ lượng để khai thác còn nhiều nhưng thời gian gần đây hoạt động tìm kiếm thăm dò giảm đi rất nhiều, gia tăng trữ lượng kém hơn, do đó nếu không tiếp tục tìm kiếm thăm dò để gia tăng trữ lượng và có nguồn khai thác thì rất khó để ngành Dầu khí phát triển. Đối với ngành Dầu khí thì không chỉ tìm kiếm, thăm dò trong nước mà còn có điều kiện rất thuận lợi để hợp tác tìm kiếm, thăm dò ở các quốc gia trên thế giới, lấy dầu về cho đất nước.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng, đặc điểm rất lớn của dầu khí là có rủi ro. Thế giới có thống kê, nếu khoan từ 6 – 10 giếng mà trúng được 1 giếng đã là thành công. Do đó, phải hiểu những rủi ro trong ngành này. Phải chấp nhận có thể mất ở chỗ này, nhưng được ở chỗ khác. Vấn đề là phải có vốn đầu tư. Đồng thời phải làm tốt công tác tìm kiếm thăm dò, có tài liệu, đánh giá trữ lượng thật tốt để quyết định đầu tư chính xác.
Tóm lại, hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay là vốn để đầu tư vào tìm kiếm thăm dò và cơ chế hoạt động cho ngành Dầu khí trong tình hình hiện tại.
Công tác tìm kiếm thăm dò đòi hỏi nguồn vốn lớn và có nhiều rủi ro |
PV: Tại sao ông cho rằng vốn và cơ chế là hai vấn đề quan trọng nhất với ngành Dầu khí hiện nay?
Ông Vũ Quang Nam: Nếu dầu khí không có vốn thì không làm được gì cả, vì cần vốn rất lớn. Như tìm kiếm thăm dò một giếng thông thường mất khoảng 10 – 15 triệu USD mà chưa chắc đã tìm được dầu.
Thứ hai là cơ chế để cho ngành Dầu khí phát triển. Ngành Dầu khí khác với các ngành khác bởi có rủi ro trong tìm kiếm thăm dò, cho nên phải có cơ chế thoáng để dầu khí có thể hoạt động được. Tất nhiên là Nhà nước sẽ phải quản lý, kiểm tra để không có hiện tượng tiêu cực. Nhưng cơ chế cũng cần linh hoạt để cho dầu khí có thể hoạt động được. Với cơ chế quản lý hiện nay thì rất khó. Như vấn đề về ngân sách để lại đầu tư cho dầu khí chẳng hạn. Trước đây khi khai thác dầu khí xong sẽ trích thẳng một tỷ lệ phần trăm nhất định 10 – 15% để lại cho dầu khí đầu tư tìm kiếm thăm dò, sau đó hạch toán sau. Còn hiện nay, tất cả sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau đó ngân sách mới trích lại để đầu tư cho ngành Dầu khí. Ngân sách do Quốc hội quản và chi theo Luật Ngân sách. Cho nên rất khó khăn với dầu khí về vốn để tái đầu tư.
Tất cả vì sự nghiệp dầu khí
PV: Trong sự nghiệp gắn bó với ngành Dầu khí, điều gì để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?
Ông Vũ Quang Nam: Gắn bó với ngành Dầu khí và có thời gian phụ trách mảng dịch vụ, tôi thấy rằng lĩnh vực dịch vụ dầu khí phát triển rất nhanh. Từ chỗ trước đây, toàn bộ công tác dịch vụ dầu khí phải thuê nước ngoài, như lắp ráp giàn khoan, khoan, vận chuyển, tìm dầu,… nhưng chỉ sau vài chục năm, toàn bộ mảng dịch vụ dầu khí chúng ta có thể thực hiện được hết. Đặc biệt là chúng ta lắp được những giàn Topside, giàn tự nâng, với năng lực vững mạnh của các doanh nghiệp như Vietsovpetro, PTSC, PVC. Từ chỗ trước đây ta không thể khoan được, thì hiện nay có hẳn một tổng công ty khoan PV Drilling đi khoan khắp thế giới,… Đó là một trong những thành tựu rất quan trọng, một kết quả rất ấn tượng của ngành Dầu khí.
Bên cạnh đó, những thế hệ như tôi gắn bó với ngành Dầu khí từ những năm 1980, được chứng kiến những năm tháng đầy hào hùng của ngành Dầu khí với rất nhiều tấm gương lãnh đạo, người lao động hết lòng vì công việc, vì sự nghiệp dầu khí như tướng Đinh Đức Thiện, Nguyễn Hòa… Khi đó, mọi người làm việc rất hăng say, cống hiến hết mình vì lý tưởng, vì sự nghiệp dầu khí, theo tiếng gọi của Tổ quốc để xây dựng kinh tế, đưa dầu khí phát triển cho đến ngày hôm nay.
Lĩnh vực dịch vụ dầu khí phát triển ấn tượng |
PV: Ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ ngành Dầu khí hôm nay?
Ông Vũ Quang Nam: Giờ đây chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp dầu khí tương đối hoàn chỉnh bao gồm các khâu từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, đến chế biến, phân phối… Chúng ta đã có nhà máy lọc hóa dầu, các nhà máy điện, nhà máy đạm sử nguyên liệu dầu khí, cung cấp cho đất nước nhiều sản phẩm mà trước đây ta phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chúng ta đã sản xuất và xuất khẩu được các giàn khoan ra nước ngoài, mở rộng hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới… Đó là những thành tựu hết sức đáng tự hào. Tôi mong muốn các thế hệ sau này tiếp bước cha anh, tiếp tục phấn đấu, không ngại khó, ngại khổ, phát huy truyền thống đầy tự hào, đưa ngành Dầu khí ngày càng phát triển, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Mai Phương (thực hiện)