17/04/2015 8:59:08

Xơ sợi Đình Vũ – Cơ hội mới bắt đầu từ những khó khăn

Theo nghiên cứu thống kê, ngành dệt may là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây và tiếp tục là ngành xuất khẩu hàng đầu trong những năm tiếp theo.

Giá trị gia tăng của ngành dệt may được dự báo và quy hoạch sẽ tăng trưởng liên tục trong những năm tới khi ngành dệt may tập trung dần chuyển đổi từ hình thức xuất khẩu CMT (gia công theo mẫu và nguyên liệu của đối tác) thành hình thức FOB (chủ động nguyên liệu đầu vào) tiến tới xuất khẩu ODM (xây dựng thương hiệu riêng) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đây chính là yếu tố rất quan trọng để Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí(PVTEX) căn cứ để hoạch địnhcác mục tiêu chiến lược.

image001

Cơ hội để dệt may và da giày chuyển mạnh từ tình trạng gia công sang chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường

Thực trạng những khó khăn

Thực tế xã hội hiện nay càng làm cho sự khó khăn thêm phức tạp và chồng chất bởi kinh tế suy thoái kéo dài, người bán nhiều, người mua ít, doanh số có thể cao nhưng lợi nhuận không có, thậm chí còn phải bù lỗ cả biến phí. Đối với PVTEX, những năm qua là khoảng lặng của thời gian với  nhiều thăng trầm, sóng gió. Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2008, PVTEX đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cơn bão đại khủng hoảng kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo kết quả khảo sát, thời gian qua, thu nhập bình quân đầu người trên thế giới có tăng, nhưng cùng với đó là sự mất giá của đồng tiền đã tác động mạnh mẽ đến hành vi mua sắm các mặt hàng thời trang của người tiêu dùng, qua đó lượng cầu các sản phẩm dệt may giảm hẳn dẫn đến tồn kho hàng hóa, thành phẩm nguyên phụ liệu cao… đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất dệt may trong nước, trong đó có PVTEX. Chỉ số GDP những năm gần đây của Việt Nam nhìn chung không ổn định, lãi suất cho vay luôn có xu hướng tăng cùng với việc tiếp cận nguồn vốn khó cũng đã làm ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của PVTEX.

image003

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người của thế giới

Trong khi đó, thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế luôn diễn biến bất thường, giá xơ sợi bất ổn định luôn có chiều hướng đi xuống trong khi giá nguyên liệu đầu vào PTA, MEG, hóa phẩm, xúc tác, giá điện nước, giá khí đốt luôn tăng…; Bên cạnh đó, do khả năng tài chính của các doanh nghiệp dệt may trong nước có hạn nên việc đầu tư đổi mới công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, dây chuyền cũ lạc hậu đã làm hạn chế năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của PVTEX.Ngoài ra, một số doanh nghiệp dệt may trong nước chỉ tập trung nhập khẩu sản phẩm xơ sợi chất lượng thấp từ những đợt xả hàng thu hồi vốn của các đối thủ nước ngoài do yếu tố giá rẻ cũng đã làm thị phần của PVTEX bị thu hẹp,…

Việc gia nhập WTO, AFTA và TTPtạo ra nhiều cơ hội kinh doanh với thị trường tiêu thụ rộng mở, tuy nhiên PVTEX phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của các đối thủ mạnh trong nước và quốc tế có nguồn tài chính dồi dào, có thế mạnh thương hiệu và thị trường lâu năm trong khi đó khách hàng ngày càng khó tính với nhiều yêu cầu và đòi hỏi hết sức khắt khe.

Một yếu tố nữa không thể không nhắc đến đó là: trong điều kiện bình thường, hầu như các doanh nghiệp xơ sợi khi kết thúc giai đoạn đầu tư, chuyển sang sản xuất thương mại cần phải có thời gian để ổn định ít nhất từ 3-5 năm, thậm chí có thể kéo dài tới 10 năm khi khủng hoảng kéo dài hoặc khi mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, do áp lực hiệu quả đầu tưtừ các cổ đông nên PVTEX đã phải liên tục gia tăng áp lực cho chính mình khi chưa có được thời gian chuẩn bị cần thiết giống như các đối thủ mạnh trên thương trường để phát triển năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần.

Có thể nói rằng, đây chính là những nguyên nhân cơ bản gián tiếp làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của PVTEX trong giai đoạn vừa qua.

Cơ hội trong thách thức

Theo kết quả nghiên cứu, thị trường xơ sợi polyester tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á liên tục tăng trưởng trong các năm qua và có xu hướng phát triển mạnh trong các năm tiếp theo. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Polyester Fiber tăng trung bình 21,4%/năm. Hiện nay, ngành Dệt may đang thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.  Theo số liệu thống kê năm 2010 đến nay, Dệt may Việt Nam đã có thêm một số sản phẩm xuất khẩu mới như xuất sợi đi Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Barzil; xuất vải đi Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Nam Mỹ và ASEAN. Đặc biệt là xuất xơ và sợi sang Ấn Độ. Đây chính là cơ hội để PVTEX xúc tiến tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

image005

Biểu đồ xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chính. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Việt Nam với nguồn dân số trên 90 triệu dân, mỗi năm tăng khoảng 1 triệu sẽ tạo ra nguồn nhân lực lao động dồi dào, giá rẻ, bên cạnh đó sẽ phát sinh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dệt may rất lớn chính là cơ hội để sản phẩm của PVTEX tiếp cận với thị trường tiêu thụ nội địa.

Trong thời gian trở lại đây, sản xuất hàng dệt may đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, qua đó tạo thêm cơ hội và nguồn lực mới cho các doanh nghiệp dệt may nói chung và PVTEX nói riêng tiếp cận vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng từ các nước phát triển. Những cam kết của Việt Nam đối với cải cách và phát triển kinh tế đã tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đối với những thị trường tiềm năng trong đó có thị trường xơ sợi, nếu biết cách nhận biết và nắm bắt, PVTEX có thể huy động nguồn tài chính dồi dàonày thông qua nhiều kênh.

Các giải pháp thực hiện

Để có thể tháo gỡ các nút thắt trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế với muôn vàn khó khăn và đầy rủi ro như hiện nayđòi hỏi lãnh đạo PVTEX phải có tính năng động và linh hoạt trong điều hành cao, các quyết định về sản phẩm và giá cả phải mang tính phản ứng nhanh với các biến động của thị trường.

Xác định yếu tố sống còn của PVTEX là uy tín đối với khách hàng thông qua việc khẳng định chất lượng sản phẩm, đội ngũ lãnh đạo PVTEX hầu như dồn toàn bộ trí lực vào việc hình thành, cải tiến,áp dụng mọi biện pháp quản trị tiên tiến hiện đại nhằm đưa ra thị trường các chủng loại sản phẩm đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.

Theo đó, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu và định hướng chiến lược, PVTEX đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với lộ trình phát triển theo từng năm, có xét đến yếu tố dài hạn trong 5 năm. Để có thể thực hiện thành công chiến lược này, PVTEX đã tổ chức nhiều Hội nghị họp bàn về các giải pháp thực hiện với mục đích gắn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể cán bộ công nhân viên nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra.Với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo Công ty sản xuất ổn định, kinh doanh từng bước có lãi, lãnh đạo Công ty đã đề ra bốn nhóm giải pháptháo gỡ khó khăn gồm:

Thứ nhất, phải duy trì nhà máy chạy liên tục, ổn định, đạt công suất thiết kế với sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp. Giải pháp này tập trung vào việc: cập nhật xây dựng quy trình vận hành; đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức lao động, tinh giảm định biên; chủ động kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra; triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật;…

Thứ hai, phải chú trọng đặc biệt đến công tác bán hàng, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Theo đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành cho sản phẩm, PVTEX cần phải xây dựng mạng lưới mối quan hệ chiến lược với các đối tác nhà cung cấp nguyên phụ liệu, dịch vụ nhằm tận dụng triệt để mọi cơ hội hỗ trợ, ưu đãi. Vai trò của bộ phận kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu cùng với việc đẩy mạnh các công tác nghiên cứu, tiếp cận, dự báo diễn biến thị trường, chăm sóc và thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng.

Thứ ba, cần có sự quan tâm đặc biệt đến công tác thu xếp tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định của dòng tiền.Công tác quản trị tài chính nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm là yếu tố rất quan trọng quyết định cho sự ổn định của PVTEX.

Thứ tư, tập trung xây dựng kế hoạch, định hướng chiến lược, áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiếnnhằm nâng cao năng lực quản trị một cách chuyên nghiệp trên nền tảng văn hóa và giá trị cốt lõi của Công ty.

Hướng tới sự phát triển

Xác định rõ các cơ hội và mọi thách thức, trong thời gian tới, PVTEX sẽ bám sát định hướng chiến lược lấy tiêu thụ trong nước làm phương án kinh doanh chủ đạo, tập trung chiếm lĩnh thị phần miền Nam, củng cố thị trường miền Bắc, miền Trung, hướng tới phát triển thị trường quốc tế với các bạn hàng trong khu vực và một số nước cận Âu nhằm giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Với phương châm “Chuyên nghiệp – Sáng tạo – Trách nhiệm” làm giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động,coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, trong tương lai gần chắc chắn sản phẩm xơ sợi Đình Vũ sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

                                                                                                                        Nam Việt