“Tôi biết PVN đang xây dựng chiến lược và tái cấu trúc. Theo ý kiến cá nhân tôi, xây dựng văn hóa phải gắn liền với biến động của thế giới và đặc biệt phải gắn với chiến lược tái cấu trúc của PVN. Có thể nói đây là điều cực kì quan trọng của PVN, đúng theo mục tiêu tái tạo văn hóa, từ tầm nhìn sứ mệnh, chiến lược đến cách thức quản trị…” – TS Võ Trí Thành nói.
Sáng nay (11/9), tại Hà Nội, Báo Văn hóa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu.
Quang cảnh hội thảo |
Chương trình có sự tham dự của TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS Dương Thị Liễu – Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh; bà Vũ Thị Thu Hương – Phó ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng nhiều đại biểu tham dự khác.
Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc biệt là truyền thông nội bộ đang là chủ đề quan trọng và được các tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững chú trọng.
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh |
Môi trường văn hóa của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành nêu rõ, văn hóa là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu nhưng lại mang giá trị dân tộc sâu sắc, văn hóa là một cái gì đó rất sâu xa nhưng lại cũng rất bình thường, gần gũi. Đối với doanh nghiệp, văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp là câu chuyện của thế giới, đặc biệt là khi thế giới ngày càng hội nhập.
Ông Thành cho biết, có 3 khía cạnh rất quan trọng có ý nghĩa với sự phát triển văn hóa doanh nghiệp. Thứ nhất, bên cạnh việc phát triển kinh tế đơn thuần là sự tăng trưởng của doanh nghiệp liên quan đến phát triển bền vững, đó là ứng xử với môi trường, với xã hội, với văn hóa trong doanh nghiệp…
PGS.TS Dương Thị Liễu – Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh |
Thứ hai, quản trị chiến lược của doanh nghiệp nói rất nhiều đến tầm nhìn, quản lý nội bộ. Tuy nhiên, nền tảng nhất của quản trị chiến lược doanh nghiệp là đổi mới công nghệ và văn hóa doanh nghiệp – đó là gen của doanh nghiệp.
Thứ ba, văn hóa thể hiện qua hình ảnh của doanh nghiệp. Khi có sự tin cậy, niềm tin của khách hàng sẽ chuyển biến thành hành động, đó là vấn đề của thương hiệu doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Dương Thị Liễu – Phó tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đã nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời CMCN 4.0. Bà Liễu cho rằng, robot và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối.
Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời CMCN 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác – tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc.
Mặt khác, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là “bộ gen” giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời CMCN 4.0.
Bà Vũ Thị Thu Hương – Phó ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Thu Hương – Phó ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN/Petrovietnam) cho biết, với những khó khăn đã phải đối mặt trong thời gian gần đây, giá trị mà người Petrovietnam cảm nhận nhiều nhất đó chính là bản lĩnh, trí tuệ cũng như là nhiệt huyết để vượt qua mọi thử thách.
Hiện PVN đã xây dựng “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam” và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án, Trưởng ban chỉ đạo là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; Phó trưởng ban Thường trực là Tổng giám đốc Tập đoàn và chọn đúng ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam 27/11/2019 để ban hành Đề án, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí thống nhất của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn trong xây dựng văn hóa Petrovietnam.
“Tái tạo văn hóa Petrovietnam với mục đích là làm mới để phù hợp hơn, tốt hơn trên nền tảng đã có; trước hết là để nhận diện những giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí đã được định hình cho đến nay; hoàn thiện, hệ thống hóa các giá trị cốt lõi phù hợp điều kiện hiện nay; sàng lọc, bảo vệ giá trị văn hóa nền tảng; bổ sung những giá trị văn hóa ưu việt; từng bước loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp gây cản trở sự phát triển bền vững của Tập đoàn; phát huy những giá trị văn hóa chọn lọc, hướng đến tính tự chủ ở mỗi CBCNV, khích lệ mọi người chủ động, tự giác thực hiện văn hóa Petrovietnam thành thói quen hằng ngày. Từ đó, xây dựng văn hóa bản sắc, xây dựng hình ảnh người Dầu khí “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” – bà Hương nhấn mạnh.
Bình luận về văn hóa Petrovietnam, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Sau tổn thương, khủng hoảng PVN phải biết đứng lên. Vai trò của PVN đối với nền kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia là điều không thể phủ nhận. Điều này rất quý nhưng quan trọng với PVN lúc này là phải nhìn vào giai đoạn tới. Một thế giới đang thay đổi rất nhanh, nếu chỉ riêng về lĩnh vực công nghệ năng lượng thôi đã thay đổi mạnh mẽ rồi. Tôi biết PVN đang xây dựng chiến lược và tái cấu trúc và theo ý kiến cá nhân tôi, xây dựng văn hóa phải gắn liền với biến động của thế giới và đặc biệt phải gắn với chiến lược tái cấu trúc của PVN. Có thể nói đây là điều cực kì quan trọng của PVN, đúng theo mục tiêu tái tạo văn hóa PVN, từ tầm nhìn sứ mệnh, chiến lược đến cách thức quản trị…”
“Đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của PVN, PVN phải dám đứng lên và phải được duy trì dài bởi tính tiếp nối truyền lửa nhiệt huyết cực kì quan trọng” – TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Minh Lê