WHO đang theo dõi các biến thể COVID-19 tái tổ hợp bao gồm biến thể XE có khả năng lây lan cao hơn biến thể mẹ Omicron.
Biến thể XE có khả năng lây lan cao hơn biến thể mẹ Omicron. Ảnh: Getty
Tờ SCMP dẫn lời ông Babatunde Olowokure, giám đốc khẩn cấp khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 7.4: “Các biến thể tái tổ hợp sẽ xuất hiện. Nó xảy ra khi ít nhất hai chủng virus khác nhau lây nhiễm vào cùng một tế bào và trao đổi gene. Sự tái tổ hợp là hiện tượng phổ biến giữa các coronavirus và đã được dự đoán. Chúng tôi tiếp tục theo dõi những điều đó cũng như cách chúng phát triển và lan rộng, đặc biệt là việc liệu chúng có khả năng lây nhiễm nhiều hơn hay không”.
Ông Olowokure nói thêm, WHO cũng đang đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, tác động đến hiệu quả bảo vệ của vaccine và nguy cơ tái nhiễm.
WHO cho biết, các biến thể tái tổ hợp mà cơ quan này đang theo dõi bao gồm dòng XD – sự kết hợp của các biến thể Delta và Omicron – và dòng XE, là sự lai tạo giữa các dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron.
Các ước tính ban đầu cho thấy XE có khả năng lây nhiễm cao hơn 10% so với BA.2 – được mệnh danh là “Omicron tàng hình” – nhưng XD không dễ lây hơn các biến thể đang lưu hành khác, theo bản cập nhật COVID-19 hàng tuần của WHO, được công bố hôm 5.4.
XE, đã được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Thái Lan, chưa được báo cáo ở khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, bao gồm các đảo quốc Thái Bình Dương, Australia, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan – quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á của WHO.
Xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4.4.2022. Ảnh: Xinhua
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, ông Takeshi Kasai, nói rằng các quốc gia nên tiếp tục tăng cường lập kế hoạch COVID-19 để ứng phó với các đợt bùng phát và các đột biến, đồng thời sẵn sàng cho bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.
Ông Kasai nói: “Không có khả năng virus sẽ sớm biến mất. Nó sẽ tiếp tục đột biến và tăng vọt. Vì vậy, vấn đề không phải là virus mà là hệ thống có thể kiểm soát bền vững các đợt gia tăng lặp lại của COVID-19 trong khi tránh được những gián đoạn đáng kể cho xã hội”.
Ông Kasai bổ sung rằng các quốc gia thành viên của WHO đang kiểm soát các đợt tăng đột biến mà không vượt quá hoặc đạt đến giới hạn đỏ – là giới hạn mà số ca bệnh nặng vượt quá khả năng của các cơ sở y tế.
Theo giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng là tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và duy trì các biện pháp y tế công cộng, áp dụng các biện pháp cụ thể hơn ở những nơi có nguy cơ cao như trường học để cho phép hoạt động trở lại.
Giám đốc khu vực của WHO về các chương trình kiểm soát dịch bệnh, bà Hương Trần, nói rằng khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng cao cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất, với 26 trong số 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên đã tiêm phòng cho nhân viên y tế và 23 nước đã tiêm phòng cho người cao tuổi.
Bà Hương Trần nói: “Việc cung cấp và phân phối vaccine không còn là vấn đề chính trong khu vực của chúng tôi. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực của chúng tôi, bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các quốc đảo Thái Bình Dương, hiện có khả năng tiếp cận và sẵn có vaccine COVID-19 tương đối tốt”.
Theo laodong.vn