Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất và kêu gọi các nước giàu không thu gom vắc xin cũng như thuốc điều trị Covid-19.
Người dân tiêm vắc xin Covid-19 tại Mỹ (Ảnh: AFP). |
“Tôi nghĩ virus này vẫn sẽ tồn tại cùng chúng ta và nó sẽ phát triển giống như virus cúm, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những loại virus khác ảnh hưởng đến chúng ta”, Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết tại cuộc họp báo ngày 7/9.
Trước đó, các quan chức WHO từng nói rằng vắc xin không đảm bảo thế giới sẽ “xóa sổ” được Covid-19 giống như các loại virus khác.
Một số chuyên gia y tế hàng đầu, bao gồm cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci và Stephane Bancel, giám đốc điều hành của hãng sản xuất vắc xin Covid-19 Moderna, đều cảnh báo rằng thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 mãi mãi, giống như bệnh cúm.
“Mọi người nói rằng chúng ta sẽ loại bỏ hoặc xóa sổ virus. Không, chúng ta sẽ không làm được điều đó. Chúng ta không thể”, ông Ryan nói thêm.
Ông Ryan nhấn mạnh Covid-19 sẽ không biến mất ngay cả khi các nước tăng cường tiêm chủng và triển khai các nỗ lực phòng ngừa.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh biến chủng Delta hiện chiếm phần lớn trong số các ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ. Trong khi đó, dữ liệu lâm sàng cho thấy khả năng miễn dịch do vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cung cấp cũng suy giảm theo thời gian, làm phát sinh nhu cầu tiêm mũi vắc xin tăng cường để hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm mới.
Các quan chức WHO cho biết, nếu thế giới có những bước đi sớm để ngăn chặn sự lây lan của virus, tình hình hiện nay có thể đã rất khác.
“Chúng ta từng có cơ hội khi đại dịch mới bắt đầu. Đại dịch lẽ ra không tồi tệ đến mức này”, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết.
Phản đối tích trữ vắc xin
Các chuyên gia WHO cũng chỉ trích các nước giàu kéo dài đại dịch khi tích trữ vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
“Tình trạng này không chỉ bất công, thiếu đạo đức mà còn kéo dài đại dịch và khiến nhiều người chết. Nếu chúng ta sử dụng vắc xin theo cách khác, tình hình trên toàn cầu bây giờ đã khác”, bà Maria nói.
Chuyên gia WHO chỉ trích các nước có thu nhập cao không hành động đúng với tuyên bố đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận vắc xin.
“Tuyên bố rất hay, tất cả để chia sẻ, tất cả vì công bằng. Nhưng trên thực tế, trong tình huống nguy cấp, vắc xin được tích trữ trong tay một số quốc gia và không được chia sẻ”, ông Ryan nói.
WHO đã yêu cầu các quốc gia giàu có ngừng tiêm mũi vắc xin tăng cường trong ít nhất 2 tháng, thay vào đó chuyển vắc xin dư thừa đến các nước nghèo hơn với hy vọng tiêm chủng cho 10% dân số ở tất cả các quốc gia trước cuối tháng 9. WHO cũng đặt ra thời hạn cuối tháng 12 để tiêm chủng cho 40% dân số thế giới.
Mỹ, quốc gia có 53% dân số được tiêm 2 mũi vắc xin đầy đủ, tiếp tục tiêm mũi tăng cường cho hơn 1,3 triệu người. Liên minh châu Âu cũng tiêm chủng đầy đủ cho 57% dân số của khối và đang tiếp tục tiêm mũi tăng cường ở Pháp và Anh.
Trong khi đó, châu Phi mới chỉ tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin cho khoảng 3% dân số toàn châu lục. Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, WHO cho biết gần 80% các quốc gia ở châu Phi sẽ không đủ khả năng bảo vệ 10% dân số nguy cơ lây nhiễm cao nhất trước cuối tháng 9.
Theo Dân trí