Ngày 10/8, đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tới thăm những gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm tàu H29 – BP của Công ty Cổ phần bến tàu dịch vụ du lịch Maria trên sông Soài Rạp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Nỗi đau mất đi người thân của gia đình các nạn nhân đã được vơi bớt đi một phần từ sự quan tâm, chia sẻ của nhiều tổ chức, đoàn thể công đoàn ngành Dầu khí.
Hầu hết, những nạn nhân trong vụ chìm tàu H29 – BP ngày 2/8 đều xuất thân ở những miền quê xa xôi và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có gia đình thậm chí rất nghèo.
Gia đình anh Hoàng Trung Biên, (sinh năm 1985), quê ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình cho đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của anh. Biên là con trai cả, sau anh còn một người em gái. Nhà neo người nên bà Nguyễn Thị Chi, mẹ anh Biên đặc biệt quan tâm đến các con. “Tết vừa rồi giục nó đợt này về lấy vợ, nó đã ậm ừ đồng ý rồi. Thế mà…”, bà mẹ anh Biên đau xót.
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (thứ 2, từ trái sang) động viên gia đình nạn nhân Trần Hữu Hiệp
Anh Phan Văn Thắng, em họ nạn nhân Biên, người đi cùng chuyến từ Tiền Giang về Vũng Tàu hôm ấy, nhưng trên một canô khác kể lại: “Chúng tôi vừa làm xong Dự án K16 sản xuất ống khí sau một tháng trời ròng rã mệt nhọc nên được công ty thuê tàu cho về dự đám cưới kết hợp đi du lịch. 17 giờ ngày 2/8, làm xong việc chúng tôi lên tàu đi. Có ba tàu, tàu chúng tôi chở 20 người đi sau tàu bị nạn. Chúng tôi nhìn thấy tàu chở anh Biên cùng 29 người khác bị sóng đánh chìm nhưng bất lực không thể làm gì được. Thực sự lúc đó, chúng tôi rất hoảng loạn và sợ hãi. Tàu chúng tôi chạy vòng quanh tàu bị nạn hai vòng, lúc đó dù không có mưa nhưng gió rất to và sóng rất dữ, vỗ cao hơn thân tàu.
Tàu chúng tôi cũng ba lần suýt bị sóng đánh lật, nhiều người bị sóng dồi, ngã dúi dụi xuống sàn tàu. Người lái tàu nhận thấy không giúp đỡ được gì tàu bị nạn nên phải cho tàu chạy vào bờ Vũng Tàu. Vào đến bờ, tôi cũng chỉ biết cầm điện thoại gọi cho chị ruột. Mặc dù rất lo cho em họ nhưng tôi đã không còn nghĩ được gì nữa…”- anh Thắng buồn bã nói.
Anh Phan Văn Thắng cho biết: “Gia đình chúng tôi vốn neo người, bố mẹ anh Biên đều sức yếu, chẳng đi vào được đến nơi. Các tổ chức, đoàn thể cơ quan của em đã giúp đỡ rất nhiều, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng để tổ chức mai táng cho anh. Nỗi đau của gia đình cũng được an ủi phần nào”.
Ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam kể lại: Ngay sau khi nghe thông tin về vụ tai nạn này, tôi cùng Ban Chính sách Công đoàn Dầu khí Việt Nam vào đã lập tức đến tận hiện trường và về các gia đình nạn nhân để động viên thăm hỏi. Các gia đình ở rất nhiều miền quê khác nhau như Tiền Giang, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Bắc Kạn… đều có đại diện của Công đoàn ngành đến tận nơi thăm hỏi. Đây là trách nhiệm và cũng là vai trò của Công đoàn ngành Dầu Khí trong việc động viên tinh thần người lao động, nỗ lực ở mức cao nhất để bù đắp, san sẻ nỗi đau cùng với các gia đình nạn nhân”.
Với gia đình nạn nhân Trần Hữu Hiệp ở Thạch Thành, Thanh Hóa thì lại khác. Nỗi đau mất đi người thân, đồng thời cũng là niềm tự hào của gia đình chàng thanh niên quả cảm này để lại.
Trong vụ chìm tàu thảm khốc vừa qua, anh Trần Hữu Hiệp đã nhường chiếc áo phao cho người khác, để rồi sau đó anh kiệt sức, bị sóng cuốn trôi.
“Từ hôm cháu mất đến nay, gia đình đã nhận được sự sẻ chia rất chu đáo của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Càng nghĩ, tôi càng thương Hiệp! Nhưng gia đình tôi cũng rất tự hào trước hành động quên mình vì người khác của cháu. Chính hành động của cháu cùng với sự quan tâm động viên của các ngành, các cấp đã tiếp thêm sức mạnh cho gia đình chúng tôi vượt qua nỗi mất mát quá lớn này” – ông Trần Hữu Trọng, bố anh Trần Hữu Hiệp nói.
Chia buồn với gia đình anh Hiệp, ông Trần Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam nói: “Sự ra đi của Hiệp là nỗi mất mát lớn đối với gia đình và quê hương. Nhưng hành động hy sinh tính mạng, nhường sự sống cho người khác của Hiệp mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay trong cả nước noi theo. Gia đình, quê hương luôn tự hào và không bao giờ quên trước việc làm, nghĩa cử cao đẹp đó. Chúng tôi cũng rất mong cơ quan pháp luật nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn để có thể xử lý những tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn đáng tiếc này”.
Anh Trần Hữu Đạt (anh trai đầu của Hiệp) cho biết, từ hôm Hiệp mất đến nay gia đình đã nhận được sự quan tâm hết sức chu đáo của Công ty CP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Khí Việt Nam để hỗ trợ cho việc đi lại của người thân và phương tiện đưa thi hài Hiệp về quê.
“Trong 3 anh em tôi thì chỉ có Hiệp là người được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định. Giờ Hiệp mất đi, khiến bố mẹ tôi suy sụp. Mong rằng các cơ quan Nhà nước cùng với công ty quan tâm giải quyết chế độ cho em Hiệp, nhằm giúp gia đình đỡ phần nào những khó khăn trước mắt…”, anh Đạt nói.
Chiều 11/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi gia đình và trao tặng Huân chương Dũng cảm cho anh Trần Hữu Hiệp tại thôn 4 xã Thạch Long, huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hóa. Đại diện Bộ GTVT cũng đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT của Bộ GTVT cho đoàn viên Trần Hữu Hiệp.
Nhận xét về Trần Hữu Hiệp, anh Đoàn Quang Thuận, Phó bí thư Đoàn xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết: “Hiệp sinh hoạt tại Chi đoàn 4 của xã, trong các công tác được giao Hiệp luôn tận tâm, nhiệt tình, luôn tích cực giúp đỡ thanh niên, đoàn viên trong chi đoàn học tập lao động. Khi còn đi học, Hiệp là một học sinh hiền lành, thật thà, chăm ngoan được thầy cô, bạn bè yêu mến. Tôi rất khâm phục sự dũng cảm quên mình của bạn Hiệp. Ngay khi biết tin Hiệp hy sinh, đoàn xã đã giúp đỡ, động viên an ủi gia đình thân nhân của Hiệp và lo lễ tang của Hiệp được trang trọng và chu tất. Chúng tôi cũng đã phát động phong trào học tập tấm gương của Trần Hữu Hiệp, phát huy tinh thần đoàn viên dũng cảm, hy sinh trong cuộc sống, lao động và học tập”.
Để giúp đỡ gia đình các nạn nhân, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định trích 140 triệu đồng để hỗ trợ, thăm viếng đối với các gia đình có người thân bị chết 10.000.000đ, đối với các CBCNV thoát nạn mỗi người 3.000.000đ. Tổng Công ty Khí Việt Nam hỗ trợ các gia đình nạn nhân thiệt mạng mỗi người 30 triệu đồng. Công đoàn, Đoàn Thanh niên, CBCNV của Tổng Công ty Khí Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép nói riêng đã hỗ trợ tính đến thời điểm hiện nay (8/8/2013) với tổng số tiền 231,1 triệu đồng. Ngoài ra các đơn vị trong và ngoài ngành cũng kịp thời hỗ trợ như Steel Flower LTD.Co 100 triệu, PVFC Hội sở Hà Nội 50 triệu, Công ty TNHH TV Đào tạo TM Việt Phát 20 triệu, Vietinbank 8 – TP HCM 8 triệu, Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí 5 triệu/người (9 người). |
Tiến Minh