02/01/2022 11:14:17

VPI tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Ngày 31/12/2021, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức “Hội nghị người lao động năm 2022, Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022” theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); TS. Lê Xuân Huyên – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam; đồng chí Trần Quang Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam, đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Petrovietnam và toàn thể cán bộ, người lao động VPI.

VPI tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trong năm 2021, VPI phải đối mặt với các thách thức lớn như: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng tăng từ việc sử dụng hiệu quả lợi thế cạnh tranh về cơ sở dữ liệu, sáng tạo sản phẩm đặc thù và tác động thay đổi cơ bản mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ… Trước các thách thức trên, VPI đã tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ chủ yếu cùng 5 nhóm chỉ tiêu kế hoạch Petrovietnam giao; đặc biệt là rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn; tối ưu chi phí thường xuyên; nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực cốt lõi.

Cụ thể, VPI đã chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, đề xuất lên Tập đoàn 22 nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí và lọc hóa dầu; điện và năng lượng tái tạo.

VPI được Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 1 Bằng độc quyền sáng chế “Quy trình thử nghiệm quá trình ngưng tụ khí ngưng tụ vùng cận đáy giếng”; 1 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Phụ gia nhũ tương nước trong dầu kích cỡ nano, quy trình sản xuất phụ gia nhũ tương nước trong dầu kích thước cỡ nano và quy trình sản xuất hệ nhũ tương nước trong dầu khoáng”; được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark – USPTO) chấp nhận hợp lệ 1 đơn sáng chế “Phương pháp và hệ thống thiết bị làm mới xúc tác FCC thải bằng ngâm chiết acid sử dụng quá trình reflux”…

VPI tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho VPI.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS. Lê Xuân Huyên – Phó Tổng giám đốc Petrovietnam đánh giá cao đóng góp của VPI đối với sự phát triển của PVN trong năm 2021đặc biệt là VPI đã triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn; ứng dụng các công nghệ mới (như nhận diện điểm nghẽn, graphene, hợp nhất tài liệu địa chấn 3D, dự báo khai thác…); được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark – USPTO) chấp nhận hợp lệ một đơn sáng chế. VPI đã mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài Tập đoàn (tăng 78% so với năm 2020), ngoài ngành (tăng 46%) và trên thế giới (tăng 18%).

TS. Lê Xuân Huyên khẳng định vai trò quan trọng của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tìm ra hướng đi phù hợp cho Petrovietnam trong bối cảnh còn nhiều thách thức: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng chuyển dịch năng lượng, thị trường dầu khí biến động, chính sách của quốc gia và quốc tế đối với biến đổi khí hậu… Lãnh đạo Petrovietnam yêu cầu VPI đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn chiến lược phát triển cho Tập đoàn, tiếp tục làm tốt công tác dự báo thị trường, áp dụng công nghệ mới để tạo ra sự phát triển đột phá. Đồng thời, TS. Lê Xuân Huyên cũng yêu cầu VPI sớm hoàn thiện mô hình tổ chức, tạo ra môi trường tốt cho các chuyên gia, nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, chăm lo đời sống cho người lao động.

Viện trưởng Nguyễn Anh Đức cho biết, VPI đang tập trung phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, hội tụ trí tuệ thế giới để cung cấp giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và ngành Dầu khí Việt Nam. VPI đã hình thành khối hạt nhân (phát triển nguồn nhân lực, quản lý thực hiện, nắm thị trường, phân tích dữ liệu), bước đầu liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực an toàn – sức khỏe – môi trường và chống ăn mòn; đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nhân sự (KPI, con đường nghề nghiệp, chính sách đãi ngộ), tuyển dụng; đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dầu khí (VPInsights).

VPI tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí, VPI.

Trong năm 2022, VPI cho biết sẽ tập trung hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo chỉ đạo của PVN; rà soát, sắp xếp, đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn, tối ưu chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực cốt lõi.

VPI cũng đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022 – 2025 như: số hợp đồng ký mới tăng 10%/năm, số hợp đồng ngoài ngành và nước ngoài tăng 20%/năm, bài báo quốc tế (Q1, Q2) tăng 15%/năm, sản phẩm khoa học công nghệ tăng 10%/năm, 2 phát minh sáng chế quốc tế; tập trung tư vấn về chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam, giải pháp khoa học công nghệ; thử nghiệm 5 công nghệ mới của thế giới, mang tính đột phá; thương mại hóa 3 sản phẩm khoa học công nghệ…

Các sản phẩm đặc trưng của VPI trong năm 2021: Xây dựng cơ sở dữ liệu các lô dầu khí mở phục vụ công tác kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò tại Việt Nam; Công nghệ hợp nhất tài liệu địa chấn 3D sau cộng trên miền thời gian; Nghiên cứu thiết kế gia công và tích hợp mô đun ProbePerm vào thiết bị GasPerm để đo độ thấm điểm trên mẫu lõi; Phần mềm dự báo khai thác áp dụng ở Vietsovpetro (VPI-KT-1);

Phát triển và ứng dụng mô hình LP để tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ các cấu tử trung gian và sản phẩm lọc dầu của các nhà máy lọc dầu có phần vốn góp của Petrovietnam; Nghiên cứu, xây dựng mô hình và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế – tài chính các dự án nhà máy nhiệt điện than đang triển khai đầu tư của Petrovietnam; Sáng chế “Method and system for renewing spent fluid catalytic cracking (SFCC) catalysts using acid leaching and acid reflux activities” được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark – USPTO) chấp nhận đơn hợp lệ; Mô hình quản trị và khai thác dữ liệu VPI.

Tùng Dương