22/01/2018 8:48:29

VPI sắp xếp Khung nhân sự: Người lao động nên mạnh dạn “tái cấu trúc bản thân”

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đang triển khai sắp xếp người lao động vào khung tổ chức bộ máy quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ (gọi tắt là Khung nhân sự) trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Công đoàn Dầu khí đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hồng Minh – Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Namnhằm giúp hiểu thêm tư tưởng, quan điểm, kỳ vọng của Lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam khi triển khaigiải pháp giúp người lao động có cơ hội và động lực để hoàn thiện bản thân và củng cố tổ chức.

PV: Xin ông cho biết cơ sở để Viện Dầu khí Việt Nam triển khai sắp xếp người lao động vàoKhung nhân sự?

TS Nguyễn Hồng Minh:Do hoàn cảnh yêu cầu. Công nghiệp dầu khí thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khung pháp lý cho hoạt động của Viện Dầu khí Việt Nam còn chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến thị trường dịch vụ nghiên cứu, tư vấn bị thu hẹp và ngày càng khắt khe hơn, trong khi nguồn lực của Viện Dầu khí Việt Nam còn hạn chế. Cũng tương tự như với đất nước, Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW ra đời do yêu cầu cấp thiết nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế.

TS Nguyễn Hồng Minh

PV: Đối với một viện nghiên cứu từng được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thì việc tái cơ cấu thời điểm này còn lý do nào nữa không, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Minh:Chúng ta không nên ngủ quên trong ánh hào quang đó. Tôi suy nghĩ rất nhiều khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 đã công bố số liệu cho thấy năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam cũng chỉ ra năng suất lao động của toàn Tập đoàn chỉ bằng 1/3-1/5 năng suất của Petronas và PTT. Liệu chúng ta có tự hài lòng với vị thế như vậy?

Tôi và các bạn đều tự hào là thành viên của Viện Dầu khí Việt Nam. Một viện nghiên cứu cần tự hào về điều gì? Chắc các bạn đồng ý, đó là những sản phẩm khoa học có giá trị cao đối với khách hàng; cácchuyên gia có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của ngành Dầu khí, tài sản tri thức có giá trị được tích tụ sau 40 năm xây dựng và phát triển. Vậy thì không thể dàn trải, mà phải tập trung nguồn lực của Viện Dầu khí Việt Nam, sức lực và tâm trí của người lao động để thực hiện nhiệm vụ này.

PV: Vậy người lao động nên hiểu và ứng xử với Khung nhân sự này như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Minh:Các bạn hãy coi đây là cơ hội và động lực để hoàn thiện bản thân và củng cố tổ chức.

PV: Ông có thể giải thích cụ thể tại sao đó lại là cơ hội và động lực cho người lao động?

TS Nguyễn Hồng Minh: Quyết định 3731/QĐ-VDKVNngày 17/11/2017 của Viện trưởng phê duyệt Khung nhân sự rất đầy đủ. Tôi chỉ phân tích thêm cơ hội, vì cho dù còn khó khăn, Viện Dầu khí Việt Nam cam kết dành một nguồn lực đáng kể cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản, khởi tạo, đón đầu, phát triển sản phẩm có khả năng thương mại. Nói đây làđộng lực vì tôi tin rằng với chế độ đãi ngộ và định hướng rõ ràng, người lao động đều muốn mình có vị trí, đóng góp xứng đáng, được ghi nhận, vào các giá trị chung của Viện Dầu khí Việt Nam.

PV: Cụ thể, đối với nhóm “Dự phòng phát triển”, ông khuyên người lao động nên làm gì?

TS Nguyễn Hồng Minh:Trong Công văn 140/VDKVN-TCNSngày 8/1/2018, Viện trưởng đã giải đáp các ý kiến liên quan đến Khung tổ chức bộ máy quản lý, chuyên môn và nghiệp vụ rất chi tiết, cụ thể. Tôi chỉ chia sẻ thêm suy nghĩ của mình: trước hết phải xác định là đối với tất cả các nhóm, trong đó có nhóm “Bảo đảm hoạt động”, đãi ngộ luôn đi kèm với trách nhiệm, sản phẩm đóng góp cho tổ chức vàgiá trị cho khách hàng của Viện Dầu khí Việt Nam. Với nhóm “Dự phòng phát triển”, người lao động cần giải thoát khỏi tư tưởng “làng nhàng”, đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với hạn chế của mình và cũng thỏa hiệp với mức đãi ngộ thấp. Cách tốt nhất là không hài lòng với cái đang có, hun đúc niềm say mê nghiên cứu, tìm tòi cái mới, chấp nhận thách thức, nỗ lực hơn nữa, tìm cách đóng góp nhiều hơn cho các giá trị chung của Viện Dầu khí Việt Nam. Khi các bạn tạo ra giá trị, tổ chức không bao giờ quên bạn.

PV: Vậy đối với người lao động được xếp ngoài Khung nhân sự thì sao, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Minh:Nếu đơn vị vẫn cần người lao động xếp ngoài Khung nhân sự để hoàn thành một công việc nào đó,hai bêncó thể ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn. Tuy nhiên, mỗi người nên suy nghĩ, xác định lại mục tiêu, con đường và mạnh dạn tìm cho mình cơ hội phù hợp với đam mê, sở trường để phát triển bản thân. Tôi nghĩ mỗi người lao độngdù nằm trong hay ngoài Khung nhân sự cũng đều nên mạnh dạn “tái cấu trúc bản thân”.

PV: Một số lãnh đạo đơn vị cho biết rất khó khăn khi thực hiện chủ trương này?

TS Nguyễn Hồng Minh:Tôi quan sát thấy các đơn vị đều gặp khó khăn trong thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khi triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, dịch vụ. Vậy thì, các đơn vị nên coi đây là cơ hội để sàng lọc, củng cố chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị mình.Nguyên tắc cạnh tranh nội bộ và có đào thải luôn là một động lực tốt để hoàn thiện năng lực con người. Khung nhân sự chỉ là cái nền để các đơn vị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng giảm thiểu các hoạt động không tạo ra hoặc gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, đúng với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW nêu trên.

Tôi hiểu tâm lý, tình cảm của anh chị em khi thấy một số người lao động được xếp ngoài Khung nhân sự. Tuy nhiên, phải thấy rằng sẽ là lỗi của các cấp lãnh đạo, nếu nuông chiều con người “làng nhàng”, tước đi cơ hội để người lao động nhìn nhận lại mình, tìm ra niềm đam mê đích thực để lao động, cống hiến, phát triển bản thân, mang lại những giá trị đáng tự hào cho cuộc đời và xã hội.

PV: Nhân dịp đầu năm mới, ông muốn nhắn nhủ gì tới cán bộ, nhân viên, người lao động của Viện Dầu khí Việt Nam?

TS Nguyễn Hồng Minh: Trong xã hội thay đổi nhanh như hiện nay, chúng ta đều cần mạnh dạn thay đổi tư duy, “tái cấu trúc lại bản thân”. Làm thế nào để có được niềm say mê; việc tìm tòi, khám phá, hoàn thiện bản thân, cống hiến phải trở thành một nhu cầu tự thân;chấp nhận thách thức, thậm chí tự tạo ra thách thức để phấn đấu vàhãy dám mơ những ước mơ lớn.

Cá nhân tôi cũng tự thấy mình cần phải đam mê hơn nữa, sáng tạo và năng động hơn trong khi triển khai các giải pháp quản lý, xây dựng năng lực tổ chức, tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng, để đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, tạo ra nhiều giá trị hơn, giá trị cao hơn khi giải quyếtcácvấn đề cho khách hàng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Ngọc Linh (thực hiện)