08/09/2022 5:19:31

VPI – Phát huy văn hóa “Đồng cảm – Hợp tác, Tự học hỏi – Tự hoàn thiện bản thân”

Có nhiều người sẽ thấy lạ khi lần đầu tiên tiếp xúc với cán bộ nhân viên của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) bởi sự bình dị, gần gũi và sẻ chia. Hơn thế nữa, các nhà khoa học của VPI có một câu cửa miệng là “phục vụ”, đây là một nét đặc biệt về văn hóa của những người được mệnh danh là trí tuệ của ngành Dầu khí Việt Nam.

Từ trước đến nay, nói về các Viện, Trung tâm… tại Việt Nam sẽ khiến nhiều người nghĩ ngay đến nơi một số nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đào tạo khoa học… nặng về lý thuyết. Ấy vậy, nhưng ngay từ khi thành lập cho đến nay (gần 45 năm), các hoạt động nghiên cứu khoa học của VPI đều gắn liền với sự phát triển của Petrovietnam và toàn bộ các nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ nhu cầu thực tế nên đều được áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế…

VPI – Phát huy văn hóa

VPI xây dựng mô hình dự báo giá xăng dầu trong nước với mức độ chính xác hơn 90%

Ngược dòng lịch sử thì thấy rằng ngay trong quyết định thành lập Viện Dầu Khí Việt Nam (Quyết định số 655/DK-QĐ,TC của Tổng cục Đầu khí vào ngày 22/5/1978) đã nêu rõ các nhiệm vụ gồm: “Nghiên cứu ứng dụng và cơ bản các khâu khoa học kỹ thuật về dầu mỏ và khí đốt nhằm “phục vụ” có hiệu quả và nhanh chóng sự phát triển các nhiệm vụ lớn của ngành trên các mặt công tác: Thăm dò, tìm kiếm, khai thác, lọc và hóa dầu tiến tới tự lực giải quyết toàn bộ các khâu khoa học kỹ thuật của ngành”.

Từ ngày thành lập đến nay, VPI lần lượt gầy dựng phân viện tại miền Nam cùng 8 trung tâm chuyên ngành dầu khí như: Trung tâm phân tích xử lý Phân tích và Tổng hợp số liệu Dầu khí, Phân viện Lọc Hóa dầu (PVPro), Trung tâm An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE), Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò & Khai thác Dầu khí (EPC)… Nơi đây không chỉ tập trung các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu của ngành Dầu khí Việt Nam mà còn là nơi thực hiện hầu hết các “đơn đặt hàng” có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao về nâng cao hệ số thu hồi dầu, nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác khoan thăm dò, thử vỉa… Gần đây là những nghiên cứu khoa học về quản trị, quản lý, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo trong dự báo giá dầu thô quốc tế, giá xăng dầu trong nước, công tác chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất các loại năng lượng mới.

Với tinh thần của các nhà khoa học ứng dụng, nên được sự chỉ đạo của Đảng ủy Petrovietnam về việc tái tạo văn hóa dầu khí, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện đã chỉ đạo sát sao, xây dựng kế hoạch chi tiết với các nội dung triển khai văn hóa doanh nghiệp cụ thể, thành lập Bộ phận Văn hóa doanh nghiệp và phân công cán bộ đầu mối để giữ mối liên hệ với Tập đoàn (qua Ban TT&VHDN). Theo đó, VPI đã xây dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp đồng bộ, sâu rộng trong phạm vi toàn Viện, có sự liên kết giữa các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, từ đó tác động đến nhận thức, tạo chuyển biến trong hành vi, ứng xử của từng người lao động.

Là đơn vị đi đầu trong ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nên VPI đã sử dụng các ứng dụng trên nền tảng office 365 như Teams, Yammer, Office, Email, tạo fanpage trên facebook… để kịp thời cung cấp thông tin về mọi mặt hoạt động của Viện, để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời đến toàn thể cán bộ nhân viên của Viện. Ngay trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành, VPI vẫn hoạt động bình thường, tổ chức các cuộc họp trực tuyến để học tập, thảo luận phát huy văn hóa dầu khí.

VPI – Phát huy văn hóa

VPI cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội “Áo ấm vùng cao 2021” tại Yên Bái, Hà Giang.

Viện Dầu khí Việt Nam đã đưa 2 nét văn hóa Đồng cảm – Hợp tác và Tự học hỏi – Tự hoàn thiện bản thân vào Thỏa ước lao động Tập thể. Trong đó: Đồng cảm – Hợp tác thể hiện về các phúc lợi dành cho cán bộ công nhân viên. Từ đó, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm với người lao động và gia đình người lao động bằng những hành động thiết thực như tặng quà cho người lao động khó khăn, hỗ trợ chi phí hoạt động cho các câu lạc bộ thể dục – thể thao trong Viện. Còn về “Tự học hỏi – Tự hoàn thiện bản thân” là phong trào mạnh của các viện sỹ được lãnh đạo Viện thường xuyên coi trọng, luôn xem xét thưởng đột xuất khi người lao động đạt được các sáng kiến, sáng chế, thành tích cao.

Mặt khác, VPI cũng tổng hợp, rà soát hoàn thiện các quy chế, quy định trong xử lý, giải quyết công việc thành bộ quy chế quản trị làm căn cứ xây dựng văn hóa thực thi công việc, tính tuân thủ và hiệu quả: Xây dựng và cập nhật sổ tay Văn bản quản lý nội bộ, Sổ tay Văn hóa VPI, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa Petrovietnam, VPI, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cập nhật vào các biểu mẫu (bài trình bày, báo cáo, chữ ký điện tử, email…)

Hàng năm, Công đoàn Cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam phối hợp cùng Bộ phận Văn hóa doanh nghiệp thường xuyên triển khai thực hiện phong trào ứng dụng 5S tại đơn vị. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền về vai trò và lợi ích khi áp dụng 5S tại nơi làm việc, tại nhà của mỗi cán bộ, người lao động. VPI cũng đã xây dựng bộ năng lực và chương trình đào tạo gắn với năng lực dành cho người đứng đầu các Bộ phận, bao gồm cả năng lực chuyên môn và năng lực mềm. Trong đó, Viện đã mua tài khoản của nền tảng tự học tập trực tuyến lớn trên thế giới là Coursera và cấp cho một số nhân sự khối Hạt nhân (kèm cam kết đạt chứng chỉ) và thiết lập hệ thống E-Learning nội bộ dựa trên phần mềm học trực tuyến moodle và hướng dẫn nhân sự Viện tự học, hiện đang tiếp tục bổ sung các khóa học lên hệ thống.

Ảnh trụ sở Viện Dầu khí Việt Nam ngày nay, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Viện Dầu khí Việt Nam với sự mệnh phục vụ sự phát triển toàn diện của ngành Dầu khí.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Viện Dầu khí Việt Nam, Bộ phận Văn hóa doanh nghiệp phối hợp cùng với Văn phòng Đảng Đoàn thể và một số Chi bộ thuộc Đảng bộ Viện đã tổ chức sinh hoạt chi bộ kết hợp với truyền tải các nét văn hóa VPI/Petrovietnam đang triển khai thực hiện. Cùng với đó, Bộ phận Văn hóa doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể (Công đoàn và Đoàn Thanh niên) tổ chức các hoạt động trực tuyến để thường xuyên tuyên truyền về văn hóa VPI, Petrovietnam.

Có thể thấy rằng, với tinh thần “khoa học phục vụ sự phát triển ngành Dầu khí Việt Nam”, VPI là đơn vị luôn bám sát kế hoạch triển khai và chỉ đạo của Petrovietnam, căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị để triển khai tái tạo Văn hóa Dầu khí. Sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất từ quá trình chỉ đạo đến thực hiện của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện với Bộ phận Văn hóa doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể thuộc Viện đã tổ chức thành công các hoạt động đa dạng như Hội nghị, Hội thảo chuyên đề, chia sẻ giữa lãnh đạo Viện với toàn thể người lao động, các cuộc thi trực tuyến/trực tiếp lồng ghép nội dung truyền tải về văn hóa, lịch sử Petrovietnam và VPI.

Thành Công