* Thưa ông, thời kỳ đầu sau giải phóng, khoảng năm 1976 đến 1985, TP Hồ Chí Minh ngổn ngang khó khăn, Công đoàn thành phố cũng chung hoàn cảnh đó. Tổ chức Công đoàn đã có những giải pháp nào để vượt qua?

Vinh dự của Công đoàn TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG

– Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Trong những năm tháng đầu tiên sau ngày giải phóng (1975), thành phố chúng ta đối diện vô vàn khó khăn. Để góp phần cùng chính quyền thành phố sớm ổn định tình hình, tổ chức Công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động trong phong trào công nhân, tổ chức nhiều cuộc vận động sâu rộng trong công nhân, như cuộc vận động học tập nâng cao trình độ văn hóa tay nghề; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật khắc phục khó khăn; duy trì sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp, nhất là nhà máy nước, nhà máy điện, các bệnh viện, trường học, ngành giao thông vận tải…

Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… Chọn ngay những công nhân tích cực trong phong trào công nhân đưa đi đào tạo cấp tốc tại Trường Sơ cấp Công đoàn thành phố, trở thành cán bộ Công đoàn cơ sở đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của phong trào.

* Một số hồi ức, kỷ niệm đáng nhớ của ông trong những ngày đầu làm cán bộ Công đoàn chung với các vị tiền bối thuở ấy là gì?

– Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Một kỷ niệm không bao giờ quên được trong những ngày đầu làm cán bộ Công đoàn của tôi là năm 1976, lúc đó tôi mới 24 tuổi, đang làm tổ trưởng Công đoàn tại một đội thi công của Công ty Xây lắp số 3 (thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh); đang làm nhiệm vụ ở công trường xây dựng trên “căn cứ Tống Lê Chân của Mỹ” trước đây thì được gọi về dự Đại hội lần thứ I Liên hiệp Công đoàn TP Hồ Chí Minh.

Thật ngỡ ngàng và bối rối vì tôi lại được bố trí ngồi vào Đoàn Chủ tịch đại hội (cơ cấu công nhân trực tiếp sản xuất giỏi) cùng với các vị lãnh đạo cao cấp như: đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh), đồng chí Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam), đồng chí Nguyễn Hộ (Thư ký Liên hiệp Công đoàn TP Hồ Chí Minh), đồng chí Lê Thị Bạch (Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn Hồ Chí Minh) và nhiều đồng chí khác nữa. Các đồng chí rất cởi mở, vui vẻ bắt tay tôi và hỏi thăm nhiều về công việc, đời sống, nguyện vọng của tôi cùng anh em công nhân khác.

Các đồng chí ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng không bao giờ quên. Tôi tự hỏi: “Các đồng chí làm lãnh đạo sao mà gần gũi, thân mật và sâu sắc đến vậy, nhất là đồng chí Lê Thị Bạch?”. Và tại đại hội này, tôi rất vinh dự được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I (1976-1981).

Vinh dự của Công đoàn TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Nhiều thế hệ lãnh đạo tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, vào ngày 10-1-2016

* Thưa nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, doanh nghiệp đông và lượng công nhân rất lớn, do vậy quan hệ lao động cũng rất phức tạp. Với tình hình như vậy, Công đoàn thành phố phát huy vai trò đại diện và bảo vệ như thế nào? Những bài học nào rút ra từ thực tiễn cho đến nay còn giá trị?

– Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Muốn làm tốt vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn thành phố, khâu quan trọng nhất là phải có đội ngũ cán bộ Công đoàn nhiệt tình với phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn thành phố; có tâm với người lao động, đặt quyền lợi của tập thể người lao động lên trên quyền lợi cá nhân mình. Do đó, tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh rất chú tâm đến công tác đào tạo cán bộ Công đoàn, qua các việc: Nâng cấp Trường Sơ cấp Công đoàn thành phố thành Trường Trung cấp Công đoàn thành phố, chọn những công nhân xuất thân từ phong trào công nhân đưa đi học để về làm cán bộ Công đoàn cơ sở; chọn các cán bộ Công đoàn cơ sở có tiềm năng vào biên chế Công đoàn (không phải thi tuyển như bây giờ) và đưa đi đào tạo dài hạn tại Trường Đại học Công đoàn Việt Nam, tốt nghiệp về nhận những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn từ cơ sở đến Công đoàn quận – huyện, sở – ngành và Công đoàn thành phố, đáp ứng kịp thời nhu cầu của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn thành phố đang ngày càng lớn mạnh.

Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn, tổ chức Công đoàn TP Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho công nhân, đã thành lập Trường Bồi dưỡng văn hóa Tôn Đức Thắng, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng để góp phần từng bước nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho công nhân.

Bài học nữa là phải chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Công đoàn quản lý quỹ BHXH nên chi trả rất kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; hằng năm tổ chức cho người lao động đi nghỉ dưỡng nhằm tái tạo sức lao động tại các nhà nghỉ của tổ chức Công đoàn; con em người lao động học giỏi được cấp học bổng, được đi dự trại hè hằng năm tại Thanh Đa…

* Công đoàn TP Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của Công đoàn cả nước, năm 2016 được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Theo ông, danh hiệu đó nói lên điều gì? Là người có đóng góp lớn vào danh hiệu vẻ vang này, cảm tưởng của ông thế nào?

– Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Thật vinh dự cho phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn TP Hồ Chí Minh. Đây là tổ chức Công đoàn duy nhất trong cả nước đạt được danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Danh hiệu này đã nói lên rất rõ là Đảng, nhà nước đã đánh giá rất cao các hoạt động của tổ chức Công đoàn thành phố chúng ta.

Các thành viên của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng trung ương trước khi bỏ phiếu quyết định đã hỏi rất kỹ và tôi đã trả lời rành mạch, phân tích kỹ lưỡng các thành tích nổi bật của Công đoàn thành phố, như: Hiệu quả hoạt động của Quỹ Trợ vốn cho người lao động tự tạo việc làm – CEP, Trại hè Thanh Đa, Học bổng Nguyễn Đức Cảnh, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng người lao động, Giải thưởng Tôn Đức Thắng, chương trình Tấm vé nghĩa tình, phong trào Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sáng tạo trong thi đua lao động sản xuất và về Trường Đại học Tôn Đức Thắng… Đặc biệt là việc phát triển đoàn viên Công đoàn trong khu vực ngoài nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, vai trò của chủ tịch Công đoàn cơ sở trong việc góp phần phát triển đảng viên và xây dựng cơ sở Đảng trong khu vực ngoài nhà nước…

* Gần cả đời làm Công đoàn, dấn thân vì người lao động, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày chính thức đổi tên từ Sài Gòn – Gia Định thành TP Hồ Chí Minh, ông chia sẻ và gửi gắm gì với tổ chức Công đoàn?

– Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Tôi luôn mong ước cuộc sống của người lao động ngày càng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, xã hội yên bình, luật pháp công minh, mọi người lao động đều được bình đẳng trước pháp luật, người yếu thế phải được luật pháp bảo vệ, không có cảnh lẽ phải thuộc về người có nhiều tiền, người có sức mạnh.

Muốn có được điều đó, chính người lao động phải chủ động nâng cao trình độ của mình về mọi mặt, trong đó có việc phải xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thật sự đại diện cho người lao động, dám mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Nếu muốn tổ chức Công đoàn vững mạnh, muốn xây dựng tổ chức Công đoàn thật sự đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động thì phải chọn cán bộ Công đoàn từ phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn ở cơ sở; phải chọn các thủ lĩnh của công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp – những người xuất sắc từ phong trào công nhân và đưa họ đi đào tạo để trở thành cán bộ Công đoàn, rồi từng bước đào tạo chính những người này trở thành nguồn cung cấp cán bộ cho tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị, đoàn thể khác.

* Xin cảm ơn ông! 

Theo nld.com.vn