27/07/2018 2:29:36

Vinh danh người lao động Dầu khí

Trung thực, nhiệt huyết và không ngừng cống hiến là những đặc điểm chung rất dễ nhận thấy của những người lao động dầu khí được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 cho 70 công đoàn viên trên cả nước là những người lao động trực tiếp có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.  Công đoàn Dầu khí  Việt Nam vinh dự được góp mặt 4 cá nhân tiêu biểu gồm kỹ sư Nguyễn Văn Sơn, Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang, Chuyên viên Nguyễn Ngọc Thanh và Thạc sỹ Nguyễn Hữu Tùng.

Tham dự Lễ vinh danh có Bí thư Thường trực Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, đại diện lãnh đạo Bộ Ngành Trung ương, Công đoàn các tỉnh thành phố trên cả nước.

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh là giải thưởng cao quý nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng nhằm tôn vinh những công nhân, người lao động tiêu biểu đang trực tiếp lao động sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sang tạo.

Các cá nhân được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh được Tổng LĐLĐ Việt Nam xét chọn và trao tặng 5 năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (ngày 28 tháng 7) của năm diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam. Mỗi cá nhân chỉ được nhận giải một lần.

Qua 2 lần tổ chức (lần thứ nhất năm 2008 với 100 gương điển hình, lần thứ hai năm 2013 với 139 gương điển hình), Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đang ngày càng chứng tỏ được sức lan tỏa mạnh mẽ, là động lực góp phần nuôi dưỡng, khơi nguồn sáng tạo cho đội ngũ công nhân lao động trên địa bàn cả nước.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đánh giá: “70 cá nhân nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh là những người lao động có tâm trong sáng, thành tích lao động xuất sắc trong nhiều năm liền, có trình độ cao, luôn kèm cặp hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình công tác. Đặc biệt, anh em là những người luôn tìm tòi, sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của đơn vị, giúp doanh nghiệp làm lợi, tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng”.

Trong số 70 cá nhân được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3, có tới 4 cá nhân thuộc các Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu Khí Việt Nam gồm Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Trong không khí phấn khởi của buổi trao giải Nguyễn Đức Cảnh, Phóng viên báo Năng lượng Mới đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn khá thú vị với các người lao động tiêu biểu của ngành dầu khí Việt Nam. Thạc sỹ tự động hóa, Nguyễn Hữu Tùng công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ là điển hình về sự dìu dắt, kèm cặp hơn 200 công nhân, kỹ sư trẻ của Nhà máy cũng như một số đơn vị trong Tập đoàn.

Anh đã bộc bạch tâm đắc: “Bản thân tôi khi bắt đầu làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, một nhà máy có công nghệ phức tạp và tiên tiến bậc nhất cũng được các anh chị kỹ sư đi trước giúp đỡ, hướng dẫn tận tình. Bởi vậy đến khi mình vững tay nghề rồi thì cũng đến lượt mình hướng dẫn cho anh thế hệ sau. Điều này không chỉ giúp tôi ôn luyện lại những kiến thức đã học, đã biết mà khi tiếp xúc với các bạn trẻ có rất nhiều sáng kiến, chịu khó học hỏi tôi còn từ đó phát hiện ra những đề tài để tối ưu hóa công việc của mình, đóng góp cho sự phát triển của nhà máy”.

Đối với Kỹ sư Nguyễn Văn Sơn, Quản đốc xưởng Phụ trợ – Ban Vận Hành Sản Xuất, Nhà máy Đạm Cà Mau, thì có một sự nhìn nhận khá toàn diện về phong trào lao động sáng tạo tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Anh say mê kể về phong trào sáng kiến sáng chế từ EUREKA đến “Sáng tạo không giới hạn” của cán bộ công nhân viên FVCFC.

Lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng các cá nhân được tôn vinh trong giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018

Anh Sơn cảm động bảo, đầu tiên phải kể đến là toàn bộ các lãnh đạo trong Công ty và Nhà máy đều là những người nhiệt thành và đặc biệt đánh giá cao trí tuệ, sáng kiến nâng cao chất lượng lao động. Trong suốt quá trình vận hành, bảo dưỡng nhà máy, những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu dù nhỏ đều được ghi nhận, đánh giá và khen thưởng xứng đáng. Đây chính là sự cổ vũ mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần năng động sáng tạo khiến cán bộ, kỹ sư Nhà máy luôn không ngừng trau dồi học tập, nghiên cứu, đưa những giải pháp khoa học áp dụng vào thực tiễn. Qua phong trào này, cá nhân tôi cũng như tất cả các anh chị em cán bộ, kỹ sư, người lao động PVCFC đã phát huy tinh thần năng động sáng tạo, tích cực tìm tòi và đề xuất những sáng kiến, hợp lý hóa đưa vào áp dụng trong hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh”.

Đối với anh Nguyễn Xuân Quang, Trưởng nhóm Ứng dụng và Phát triển Công nghệ mới, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro người có tới 26 năm gắn bó với đơn vị thì bày tỏ sự thấm thía tầm quan trọng của sự sáng tạo trong lao động.

Anh Quang kể, vào những năm đầu thập niên 90, cùng với sự tan rã của Liên bang Xô Viết và sự mở cửa của Việt Nam, cán bộ công nhân viên trong liên doanh Vietsovpetro đã đứng trước thử thách cực lớn rằng phải đổi mới, nâng cao kỹ thuật nếu không sẽ phải giải thể. Anh ví dụ cụ thể như để xử lý một tài liệu địa vật lý (minh giải địa chấn), thời điểm đó các công ty dầu khí thuộc các nước tư bản chỉ mất thời gian 1 tuần trong khi Vietsvpetro với công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu phải mất 1 tháng mới làm xong. Đề bài đặt ra rất đơn giản, với thiết bị đó làm sao tăng tốc độ bằng với công ty nước ngoài.

Với sự nỗ lực của nhiều đồng nghiệp, tự tìm tòi và mạnh dạn áp dụng sáng kiến, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Vietsovpetro đã giải được bài toán tưởng chừng bất khả kháng kia. Từ đó, phong trào lao động sáng tạo của Liên doanh ngày một vững mạnh theo cả chiều sâu và bề rộng trong toàn bộ cán bộ công nhân viên Vietsovpetro.

Riêng đối với anh Nguyễn Ngọc Thanh, chuyên viên Ban Vận hành Sản xuất Công ty TNHH một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn là một tâm trạng phấn khởi nhưng cũng không kém thận trọng. Ngay sau khi nhận bằng khen của Thủ tướng, anh Thanh đã chia sẻ với chúng tôi rằng anh rất vui bởi sự nỗ lực của mình và nhiều đồng nghiệp đã được ghi nhận nhưng hiện nay đã xuất hiện một Nhà máy Lọc dầu mới và sắp tới là nhiều đối thủ cạnh tranh khác nên không có cách nào khác là phải liên tục sáng tạo, tìm tòi nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời của chị Lương Thị Hồng Nhung – Phó trưởng ban Phụ trách Ban Tuyên giáo Nữ công Công đoàn Dầu khí Việt Nam: “Khi tiếp xúc với các anh được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đợt này mới cảm nhận được rằng các anh không chỉ lao động giỏi, trí tuệ mà thật sự là những nhân tài. Các anh không những xứng đáng được vinh danh bởi hàng chục năm miệt mài lao động, sáng tạo mà còn là những tấm gương để hàng vạn người lao động dầu khí noi theo, củng cố vững chắc niềm tin vượt khó của ngành dầu khí trong bối cảnh mới”.

Thật vậy,  với bề dầy truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn dầu khí Việt Nam chưa bao giờ thiếu người toàn tài, vẹn đức. Ngọn lửa dầu khí sẽ luôn được tiếp nối với tinh thần cống hiến, sáng tạo không ngừng của lớp lớp các thế hệ cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.