Sự ra đời và phát triển của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam…
Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đồng thời là liên doanh chiến lược của hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Xôviết (Liên bang Nga hiện nay), cho đến nay Vietsovpetro là liên doanh hoạt động hiệu quả nhất trong tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của ngành dầu khí Việt Nam. Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro luôn là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí mà còn là cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành dầu khí Việt Nam.
Thợ khảo sát chân đế. |
Trong thời gian đầu mới được thành lập, do điều kiện khó khăn về kinh tế của đất nước, nên mọi nguồn lực của Vietsovpetro đều rất hạn chế. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là thiếu chuyên gia, cán bộ dầu khí giỏi và công nhân có tay nghề cao. Lực lượng cán bộ, kỹ sư và công nhân của ngành dầu khí nói chung và của Vietsovpetro nói riêng tuy được đào tạo cơ bản nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều cả về số lượng và chất lượng. Do chưa được tiếp xúc nhiều với thực tế sản xuất nên trình độ quản lý, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ những người làm dầu khí Việt Nam thời kỳ ấy còn rất khiêm tốn.
Trong hoàn cảnh như vậy, Vietsovpetro đã đặt ra cho mình một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phải nhanh chóng xây dựng được một lực lượng lao động làm dầu khí của Việt Nam, để trong thời gian ngắn nhất phải nắm vững công nghệ và kỹ thuật dầu khí hiện đại. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và phải thực hiện trong một giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước khi chúng ta chưa kịp hàn gắn hết các “vết thương” chiến tranh nhưng lại phải tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong điều kiện muôn vàn khó khăn đó, Vietsovpetro đã đề ra nhiều hình thức đào tạo phong phú như: đào tạo kèm cặp tại chỗ, đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo theo các khóa học chính quy, thành lập trường kỹ thuật nghiệp vụ để đào tạo nâng cao tay nghề các loại thợ. Trong đó, hình thức đào tạo tại chỗ với sự kèm cặp, giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô được xem là hình thức tốt nhất, hiệu quả nhất. Qua học tập và thực tế công tác, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, thực sự nắm bắt được các lĩnh vực chuyên môn dầu khí, đó là cơ sở để có thể chuyển giao các chức danh quản lý và kỹ thuật của chuyên gia Liên Xô sang cho CBCNV Việt Nam đảm nhận.
Nhờ chủ trương và biện pháp đúng trong công tác đào tạo, chỉ trong thời gian ngắn Vietsovpetro đã có một đội ngũ đông đảo cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề người Việt Nam, đủ sức quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của Vietsovpetro và tạo nguồn cán bộ cho toàn ngành dầu khí. Nếu như năm 1981 tổng số CBCNV Việt Nam mới có 58 người, chiếm tỉ lệ 34,52%, chuyên viên Liên Xô chiếm phần lớn với 65,48%, thì năm 1985 CBCNV Việt Nam trong Vietsovpetro đã tăng lên chiếm 68,9% và năm 1990 chiếm 79,45% trong tổng số CBCNV toàn Vietsovpetro, chứng tỏ sự lớn mạnh nhanh chóng và liên tục của đội ngũ lao động Việt Nam.
Về mặt chất lượng nguồn nhân lực cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong những năm đầu xây dựng Vietsovpetro, chuyên gia Liên Xô đảm nhận hầu hết các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý cũng như các bộ phận kỹ thuật. Đến năm 1990, CBCNV Việt Nam đã vươn lên đảm đương được phần lớn các chức danh lãnh đạo quản lý và phụ trách kỹ thuật. Nhiều cán bộ người Việt đã vững vàng ở các vị trí từ đốc công trưởng, kỹ sư trưởng, giàn phó, giàn trưởng cho đến các trưởng phòng ban Bộ máy điều hành, các giám đốc, chánh kỹ sư tại các đơn vị sản xuất trực thuộc Vietsovpetro. Đặc biệt, từ năm 1992 chức danh Tổng Giám đốc Vietsovpetro được chuyển giao vĩnh viễn cho cán bộ phía Việt Nam đảm nhận.
Năm 1981, số cán bộ chủ chốt người Việt Nam kể cả cấp trưởng và cấp phó trong Vietsovpetro mới chiếm 40,5% mà phần lớn là cấp phó; đến năm 1985 và 1990 đã tăng lên, chiếm tỉ lệ tương ứng là 47,36% và 56,80%, phần lớn đảm nhận chức danh cấp trưởng. Từ sau năm 1992, tất cả các chức danh trưởng phòng ở bộ máy điều hành và tuyệt đại đa số chức danh Giám đốc, Viện trưởng, Trưởng ban tại các đơn vị cơ sở do người Việt Nam đảm nhận.
Công nghiệp dầu khí không chỉ là một lĩnh vực mới mẻ đối với hầu hết người Việt Nam, nó còn là một ngành có yêu cầu kỹ thuật công nghệ tiên tiến, được trang bị nhiều máy móc phương tiện tối tân hiện đại của thế giới. Để có thể vươn lên làm chủ khoa học công nghệ và năng lực lãnh đạo quản lý trong ngành công nghiệp dầu khí, Vietsovpetro đã đào tạo phát triển được đội ngũ CBCNV làm dầu khí với tốc độ nhanh nhất, nhiều nhất, đa dạng các ngành nghề và không ngừng nâng cao chất lượng.
Tổng số lao động của Vietsovpetro đến đầu năm 2021 là 5.737 người, trong đó có 5.319 người Việt Nam và 418 người Nga. Chất lượng nguồn nhân lực phía Việt Nam có trình độ chuyên môn cao với 37 Tiến sĩ, 335 Thạc sĩ, 2.840 Kỹ sư, cử nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, 2.107 công nhân kỹ thuật lành nghề trong nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều người có chứng chỉ quốc tế.
Người lao động Vietssovpetro đang kiểm tra, bảo trì hệ thống máy móc trên giàn khoan. |
Sau 40 năm hoạt động, cùng với quá trình phát triển của Vietsovpetro là sự trưởng thành về chất lượng của đội ngũ CBCNV Việt Nam. Vietsovpetro đã đào tạo, bồi dưỡng được những chuyên gia đầu ngành về công nghệ khoan, khai thác dầu, khí, thiết kế công trình dầu khí biển, tự động hóa, quản lý kinh tế. Sự phát triển cả chất và lượng này đáp ứng được nhu cầu nhân lực về quản lý, kỹ thuật công nghệ và sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp khai thác dầu khí biển với trên 60 ngành nghề khác nhau. Đây là cơ sở cho việc thay thế thành công cán bộ phía Nga từ các chức danh lãnh đạo quản lý quan trọng đến chuyên viên kỹ thuật trong Vietsovpetro, đồng thời là nguồn đào tạo cán bộ có chất lượng cho ngành dầu khí.
Vietsovpetro thực sự là cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành dầu khí Việt Nam. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng công tác, học tập và trưởng thành từ Vietsovpetro đã nắm giữ các vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; nhiều Trưởng ban, Phó ban, Trưởng phòng tại công ty “mẹ” PVN và rất nhiều các tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị thành viên, các JOC trong và ngoài nước đã từng làm việc, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn sản xuất của Vietsovpetro.
Không chỉ riêng CBCNV Việt Nam mà nhiều cán bộ người Nga cũng trưởng thành từ “ngôi trường Vietsovpetro”. Tham gia vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Vietsovpetro trong điều kiện trên biển tại thềm lục địa Việt Nam, các chuyên gia Nga đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Hơn 10 nghìn lượt chuyên gia Nga đã trải qua quá trình công tác tại Vietsovpetro và hiện đang làm việc cho các dự án khai thác thềm lục địa gần đây nhất của Nga. Nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo hoặc chuyên gia cao cấp tại các công ty dầu khí lớn như Gazprom, Rosneft và đặc biệt là chính tại Công ty “mẹ” Zarubezhneft và các đơn vị thành viên của nó.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, nhờ có chiến lược đứng đắn, triển khai các hình thức đào tạo cụ thể, thiết thực và phong phú, Vietsovpetro đã đào tạo và tổ chức được một đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ sư kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu khoa học, công nhân lành nghề có thể tự đảm đương được hầu hết những công việc liên quan tới công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và xây dựng công trình dầu khí biển không những cho Vietsovpetro mà còn cho những đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là một trong những thành công trong lịch sử phát triển của Vietsovpetro và là nguồn lực quý giá cho ngành dầu khí Việt Nam.
Theo CAND