26/09/2014 7:06:02

“Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do”

Ngày 26.9, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn VN tổ chức Hội thảo “Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do” với sự tham dự của cán bộ Công đoàn một số LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Viện FES tại Việt Nam.

260914 tld1 0
Thời gian qua, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đa phương và khu vực, trong đó, đáng chú ý và có tầm quan trọng nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu. Các bên tham gia hy vọng sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm 2014 – đầu năm 2015.

Nhận định về các cơ hội mà hai hiệp định này đem lại, các chuyên gia tính toán: Các nước tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và khối EU chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tức là hơn 50 tỉ USD/năm. Hơn nữa, các nước này cũng là các nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Các hiệp định này một khi được ký kết sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam với mức thuế dần về 0% trong thời gian rất ngắn với khoảng 90% các dạng thuế.

Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nêu: Các hiệp định này sẽ tác động toàn diện tới tất cả các ngành, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Điều này tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm của người lao động. Điều đặc biệt hơn nữa, trong số các FTA mới thì đây là 2 hiệp định có chứa đựng nhiều nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến quyền của người lao động, các tổ chức xă hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội – công đoàn…

Cụ thể, những nội dung của các hiệp định về vấn đề thương mại và lao động đặt ra yêu cầu phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế; nếu vi phạm cam kết, không thực thi nghiêm chỉnh có thể bị áp dụng chế tài nghiêm khắc.

Bốn nhóm nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc được đề cập ở đây chính là: Quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp; Xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề về việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế; những dự báo, đánh giá những tác động tới việc làm, quan hệ lao động, hoạt động công đoàn và đề xuất kiến nghị khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu.

Đây cũng là những hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động – công đoàn trong nước điều đó đòi hỏi Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể và Công đoàn phải có các chiến lược, giải pháp phù hợp với những đòi hỏi của hội nhập và điều kiện, đặc thù thực tế kinh tế – chính chị – xã hội của Việt Nam.

T.H