Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – phát biểu tại hội nghị.
Theo TS Vũ Minh Tiến, tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, hai chiều và biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong đó, tiền lương với người lao động phải là yếu tố đi trước.
Nhưng thực tiễn thực hiện thì công nhân có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy: Có tới 66% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội).
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy: Có 5% người được hỏi cho biết, rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần) và 34% cho hay, thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần)…
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.
Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ…
Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% công nhân không muốn con cái sau này theo nghề nghiệp của mình.
Tiền lương là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của nhiều công nhân trẻ.
“Công nhân phải được bảo đảm cuộc sống – sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống, do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình” – ông Tiến nói.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan thông tin thêm về việc tiền lương ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của người lao động. Trong tổng số 269 NLĐ (hơn 10%) tham gia khảo sát là người chưa kết hôn thì có tới 54,6% cho hay, tiền lương và thu nhập thấp nên chưa dám lập gia đình vì e ngại không đủ tài chính đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này.
“Ai cũng nói lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi doanh nghiệp. Vì thế, nhu cầu tăng lương của người lao động là cấp thiết và chính đáng. Tôi đề nghị các hiệp hội nên cân nhắc và rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho người lao động” – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định.
Đồng quan điểm, TS Đỗ Quỳnh Chi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động – cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) không nên chỉ chăm chăm hướng vào nhà nước để “xin”, để “kêu” lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng vì COVID-19 tác động khiến DN khó khăn và kiệt quệ.
Hội thảo diễn ra trực tiếp tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, trực tuyến tới 81 điểm cầu tại LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết, hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa tăng lương và phục hồi, phát triển kinh tế.
Chủ đề hội thảo sẽ lý giải, tìm ra câu trả lời dư luận rằng, tăng lương có ý nghĩa như thế nào đối với ổn định thị trường lao động và phát triển kinh tế hiện nay.
“Giá trị của hội thảo không chỉ nhằm trả lời câu hỏi đang quan tâm của dư luận, mà còn là căn cứ để Tổng LĐLĐVN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách đối với người lao động những năm tiếp theo” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.
Theo laodong.vn