12/03/2013 7:38:08

Vấn vương Bạch Long Vĩ (Ký sự)

Bạch Long Vĩ, những ngày tháng 5 năm 2012.

“Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái…”

Thuở học trò cắp sách đến trường, những vần thơ trong sách giáo khoa đã chắp cánh cho bao ước mơ và hoài bão trong tôi. Tôi thường mơ ước sau này lớn lên sẽ được tự do bay nhảy khắp nơi, như cánh diều no gió chao lượn giữa nền trời xanh thẳm; được đặt dấu chân đến những miền đất lạ với mênh mông đại ngàn và vi vu gió núi, với bao la sông nước hay biển xanh, cát trắng chạy tít tận chân trời…

Sẽ chẳng có người lớn bây giờ, nếu không có những giấc mơ trẻ con ngày ấy.

Thật may mắn, khi vào Ngành Dầu khí, tôi đã có cơ hội thỏa mãn phần nào những ước mơ thời con trẻ của mình. Dấu chân tôi đã in lên hầu khắp các vùng miền của Tổ quốc và hàng chục quốc gia khác nhau. Mỗi chuyến đi là một bài học tuyệt vời, với những khám phá và trải nghiệm không thể nào quên. Nhưng đến với Bạch Long Vĩ lần này, với tôi lại là một kỷ niệm đặc biệt hơn, đọng lại trong lòng một cảm xúc rất riêng, khó diễn tả thành lời. Không phải chỉ vì chúng tôi vừa đặt dấu ấn với giếng khoan đầu tiên của Ngành Dầu khí trên đảo, mà còn bởi tôi đã phần nào bị mê hoặc bởi cảnh vật và cuộc sống của con người nơi đây…

Đối với đa số người ngoài Ngành, Bạch Long Vĩ trong hình dung có lẽ chỉ là một hòn đảo nhỏ nằm ở Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và an ninh – quốc phòng biển của Việt Nam. Nhưng với những người làm nghề Địa chất Dầu khí như chúng tôi, Bạch Long Vĩ không đơn thuần chỉ là hòn đảo nằm cách Hòn Dấu (Hải Phòng) chừng 110 ki-lô-mét về phía Tây Bắc và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) chừng 130 ki-lô-mét về phía Đông Nam. Nơi đây còn chứa đựng những câu chuyện thú vị về lịch sử tiến hóa địa chất và những dấu hiệu tồn tại của đá mẹ sinh dầu. Những thông tin về địa tầng – trầm tích ở đây, khi liên kết với hệ thống trầm tích đồng tách giãn, có tiềm năng sinh dầu khí cao từ các khu vực lân cận, hứa hẹn những tiền đề khả quan cho sự hình thành các hệ thống dầu khí khu vực phía Bắc bể trầm tích Sông Hồng.

Chính vì vậy, khi biết tin sẽ có tên trong nhóm công tác triển khai giếng khoan ENRECA-3, giếng khoan nghiên cứu đầu tiên của Ngành Dầu khí trên đảo, trong tôi chợt bừng lên niềm háo hức khám phá về một vùng đất mới. Cảm giác chợt thoáng qua, nôn nao như sắp được gặp người tình. Ờ, thì tôi thích gọi những nơi chưa đặt chân đến là “người tình”. Vì người tình bao giờ cũng làm ta mê mẩn. Người tình bao giờ cũng ngọt ngào. Người tình bao giờ cũng vội vàng, gấp gáp. Và người tình thì chẳng bao giờ chung sống cùng ta mãi trong kiếp đời này…

6h05’ sáng ngày 02/02/2012, Đoàn công tác chúng tôi gồm 20 thành viên, dẫn đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cùng đại diện của Ban Tìm kiếm Thăm dò, Lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam, các Giáo sư từ Trường Đại học Quốc gia, Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, Viện Khoa học Việt Nam, Hội Địa chất Việt Nam… và 04 chuyên gia từ Cục địa chất Đan Mạch (Geological Survey of Denmark and Greenland) đã có mặt tại sân bay trực thăng Gia Lâm để đáp chuyến bay ra đảo, nhằm khảo sát và đặt vị trí giếng khoan nghiên cứu đầu tiên của Ngành Dầu khí ớ đó. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết quá xấu, máy bay đã không được phép cất cánh khỏi đường băng, cho dù cả Đoàn đã sẵn sàng ngồi trong phòng chờ gần 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi buộc phải rời ngày bay sang buổi sáng 04/02/2012. Lần này, dù chỉ còn cách đảo vài trăm mét từ trên cao, nhưng chúng tôi cũng không thể nào hạ cánh xuống được, do sương mù trên đảo quá dày đặc. Vậy là, hành trình cho lần khảo sát tiếp theo, không gì khác là phải di chuyển bằng tàu thủy. Thế mới biết, đường đến với Bạch Long Vĩ của chúng tôi thật vất vả, gian nan, nhưng cũng ẩn chứa bao ngọt ngào, hy vọng…
1

Chuyên gia Đan Mạch và GS Trường ĐH Mỏ Địa chất tại sân bay Gia Lâm
19h30’ ngày 09/04/2012, chúng tôi, 02 cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí (EPC), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) xuất phát từ bến cảng Cầu Kiền (Hải Phòng) để đến với Bạch Long Vĩ, trên con tàu mang số hiệu 14-11-64 của Cục Hậu cần Quân khu 3. Con tàu đem theo một lượng lớn hàng hóa cùng thiết bị khoan, chuẩn bị cho việc khoan giếng ENRECA-3, giếng khoan sâu nhất từ trước tới nay trên đảo.
2
Tàu chuyên chở thiết bị khoan ra đảo
Mang theo tâm trạng hồi hộp và phấn chấn, sau khoảng 16 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi đặt bước chân đầu tiên của mình lên đảo…
Trong mường tượng của tôi, Bạch Long Vĩ gắn liền với những cảnh vật hoang sơ, hay vài mái nhà khiêm nhường căng mình chống chọi với sóng và gió biển. Nhưng thật bất ngờ, ngay khi cập cảng, đứng trên boong tàu chúng tôi có thể quan sát thấy nhiều ngôi nhà khang trang, cao tầng, hiện ra như từng lớp sóng nhấp nhô chạy về phía chân đồi. Vài người dân trên đảo xuống tận cầu tàu để tiếp nhận hàng hóa gửi ra từ đất liền. Hiển hiện trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng và gió là những nụ cười hiền hậu, tươi rói. Chợt thoáng qua một cảm giác gần gũi, thân quen, khiến Tôi có cảm giác yên tâm hơn khi đặt chân đến nơi này.
Bạch Long Vĩ không hấp dẫn những người thích du lịch khám phá mạo hiểm, hay kiếm tìm một bãi tắm đẹp như ở các khu nghỉ dưỡng ven biển. Nhưng nó níu chân người ta một cách rất riêng, nhẹ nhàng mà quyến luyến. Bạch Long Vĩ rạng rỡ những nụ cười. Bạch Long Vĩ líu ríu trong bước chân của những người dân chài đem cá lên đảo bán vào mỗi sớm mai… Cuộc sống chậm rãi và phảng phất chút buồn. Con người hiền lành, phong cảnh vẫn còn giữ lại nhiều nét hoang sơ, khiến cho không ít người lần đầu tiên đặt chân đến đây có cảm giác mất phương hướng. Bạch Long Vĩ đến với tôi không như cú sốc ái tình, mà cứ nhẹ nhàng, dần dần ngấm vào trong, dịu dàng và ngọt ngào như những gì hiện hữu nơi người dân trên đảo.
Người dân Bạch Long Vĩ mến khách, thân thiện và giản dị. Gặp bất kỳ ai, từ anh cán bộ Ủy ban, đến đồng chí bộ đội Biên phòng, hay chị chủ quán cơm, tôi đều được đón nhận với một nụ cười thân thương, trìu mến. Và dù cuộc sống còn có những khó khăn, vất vả, nhưng ai nấy đều có vẻ không bon chen hay sốt ruột. Lời nói, cử chỉ đều rất khoan hòa, nhẹ nhõm. Ngay khi mới đến, chị chủ quán biết chúng tôi cần tìm Nhà khách của Tổng đội Thanh niên Xung phong, đã không ngần ngại đưa xe máy của chị cho chúng tôi mượn, để đi lại bớt phần vất vả. Con người Bạch Long Vĩ tuy nghèo mà lịch thiệp, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác không chút tính đếm, không chút bận lòng.
Ngày 15/4/2012, vào lúc 07h15’, xen lẫn với tiếng ầm ầm của động cơ máy khoan, mũi khoan đầu tiên của Ngành Dầu khí đã từ từ cắm sâu vào lòng đất, mở ra lỗ khoan ENRECA-3, với chiều sâu lớn nhất từ trước tới nay trên đảo Bạch Long Vĩ. Mục tiêu của giếng khoan là thu thập 500 mét mẫu lõi, phục vụ công tác nghiên cứu về địa tầng – trầm tích, cũng như tìm kiếm những biểu hiện của đá mẹ sinh dầu. Tổng kinh phí dự kiến cho toàn bộ giếng khoan ước chừng 250 nghìn đô-la Mỹ (tương đương trên 5 tỷ đồng), trong đó kinh phí dành cho phân tích mẫu và lập báo cáo tổng hợp khoảng 1,6 tỷ đồng.
Có mặt trên công trường trong những ngày Hè tháng 5 đỏ lửa, chúng tôi – những cán bộ kỹ thuật và cũng là những Đoàn viên thuộc Công đoàn Cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam, đã sát cánh cùng 15 cán bộ kỹ thuật, công nhân khoan thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Địa chất và Khoáng sản (CEGEMITE), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, theo dõi từng mét khoan, thu thập những thông tin địa chất còn đang nằm sâu trong lòng đất. Với 3 ca làm việc liên tục, chúng tôi có mặt tại giàn khoan 24 giờ đồng hồ một ngày, không để lỡ từng nhịp khoan, theo sát từng khay mẫu, với một niềm say mê và trách nhiệm của những chàng trai đi tìm lửa.
3
Tác giả (áo xanh nhạt) chụp ảnh lưu niệm cùng kíp khoan (CEGEMITE)
Chúng tôi phân công nhau dõi theo từng hiệp mẫu lõi, tìm ra những đặc trưng về màu sắc, độ hạt, mức độ gắn kết, độ rỗng, khe nứt hay các di tích của vật chất hữu cơ… nằm trong từng mẫu đá. Những thông tin địa chất có được từ giếng khoan sẽ là cơ sở tin cậy để các nhà khoa học Việt Nam và Đan Mạch cùng nhau luận giải chính xác hơn về địa tầng – trầm tích, môi trường thành tạo và sự tồn tại của đá mẹ có khả năng sinh dầu khí ở đây, cũng như các khu vực lân cận.
4
Mẫu lõi lấy lên từ giếng khoan ENRECA-3
Ngoài thời gian thực hiện công tác chuyên môn, mỗi khi rảnh rỗi, chúng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu cuộc sống của người dân, và khám phá những cảnh vật còn mang nét đẹp hoang sơ trên đảo.
Trước khi đến đây, tôi đã biết rằng, Bạch Long Vĩ là một trong những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Và biết đến Ngọn Hải đăng nằm ở vị trí cao nhất trên đảo, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các con tàu định hướng dễ dàng khi lưu thông trên biển. Tôi mơ có một ngày sẽ được đứng trên đỉnh Ngọn Hải đăng để đón ánh bình minh hiện ra trên biển, trong sớm mai lộng gió. Hành trang mang theo khi đến Bạch Long Vĩ của tôi có cả ước mơ nho nhỏ đó… Và hôm nay đây, thật vui sướng biết bao khi tôi được đứng trên đỉnh Ngọn Hải Đăng, ngắm nhìn những con sóng vỗ nhẹ mạn thuyền trong ánh hoàng hôn đỏ rực lúc chiều tà. Tôi như được hòa mình vào trong khung cảnh thiên nhiên, mà trước đây, nó chỉ thoáng hiện qua trong những giấc mơ ngắn ngủi.
5
Ngọn Hải đăng trên đảo Bạch Long Vĩ
Cuộc sống và cảnh vật nơi đây khiến ta như quay lại với những gì đẹp nhất thuở ban sơ ngày trước. Những nụ cười dễ mến, những ánh mắt trong veo, những khung cảnh đẹp bình dị, hoang sơ… có thể khiến ta quên ngày, quên tháng, quên cả con đường mình đi. Bạch Long Vĩ dung dị và lắng đọng, dường như muốn nuốt trọn tất cả vào lòng…
6
Ánh mắt trong veo của một bé gái trên đảo
Bạch Long Vĩ không còn khiến ta nhớ đến phố xá bon chen, ồn ào, náo nhiệt. Người dân trên đảo không còn khiến bạn phải nghĩ đến ngày mai mình sẽ phải làm gì, mà bạn chỉ cảm thấy mình đang tận hưởng những gì trong trẻo nhất, đơn giản nhất hiện hữu trên thế gian này.
Và ai đó hỏi tôi có quay lại không? Dĩ nhiên là có! Khi nào? Sớm nhất có thể!
Hoàng Anh Tuấn – 

Chủ tịch Công đoàn CSTV
Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí – Viện Dầu khí Việt Nam.