Bây giờ đi đến đâu cũng nghe nhắc tới văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng, hiểu một cách sâu sắc, có hệ thống, gắn với thực tiễn đơn vị thì không phải ai cũng nói đúng và hành động đúng.
Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển |
Trong buổi làm việc với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) hồi đầu tháng 2, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng nhiều lần nói tới văn hóa doanh nghiệp – văn hóa Petrovietnam.
Tổng Giám đốc Petrovietnam lưu ý, năm 2023, sức ép lớn nhất của các đơn vị là tăng trưởng. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng tạo ra áp lực rất lớn. Không những bảo đảm tăng trưởng mà phải tính toán dài hơi hơn nữa để phát triển bền vững, gắn với văn hóa của Tập đoàn, trong đó giá trị cốt lõi, được coi là “tám chữ vàng”: Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình. Tập đoàn cũng như các địa phương, các ngành đang tập trung cao độ cho chuyển đổi số, nếu văn hóa doanh nghiệp không được coi trọng thì mọi nỗ lực cải cách quy trình hay công nghệ nào cũng khó có cơ hội để thành công.
Bây giờ đi đến đâu cũng nghe nhắc tới văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng hiểu một cách sâu sắc, có hệ thống, gắn với thực tiễn đơn vị thì không phải ai cũng nói đúng và hành động đúng. Nói một cách bài bản: Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc, hành vi được chia sẻ bên trong doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên trong quá trình theo đuổi và thực hiện những mục tiêu chung, tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp.
Ở Petrovietnam, một cách giản dị, văn hóa doanh nghiệp được cô đúc trong “tám chữ vàng”. Nó vừa được hiểu theo nghĩa rộng, vừa rất cụ thể, gần gũi với đời sống, công việc thường ngày. Nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh. Không phải là những khẩu hiệu treo trước cổng, trong phòng họp. Không đơn giản xem văn hóa là chuyện “cờ đèn kèn trống”.
Năm 2023 được chọn là năm “Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, muốn tạo giá trị tích cực thì phải làm sao để mọi ý muốn, ý tưởng, quyết tâm phải trở thành hiện thực như một tất yếu, một lẽ tự nhiên vậy. Văn hóa doanh nghiệp là câu hỏi luôn vang lên trong trí não, luôn nhắc nhở mỗi người trong công việc: “Doanh nghiệp của chúng ta thật sự là gì?”, chứ không dừng ở câu hỏi: “Chúng ta muốn doanh nghiệp mình như thế nào?”. Ai cũng nói cần có giải pháp, nhưng giải pháp gì thì lúng túng. Cho nên nói tới văn hóa ở khu vực này là vừa định tính vừa định lượng, coi trọng giá trị vật chất và giá trị tinh thần.
Điều này, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giải thích rất rõ với lãnh đạo chủ chốt PV GAS: Tôi dự họp với các đồng chí và cảm thấy rất thú vị. Bởi các cuộc họp trước đây phần lớn là theo nghi thức. Nhưng hôm nay, giống như một cuộc thảo luận nhóm. Chúng ta có được những thông tin trao đổi rõ ràng, sòng phẳng như thế này là một sự đau đáu, suy nghĩ rất kỹ trong quá trình chuẩn bị, quá trình làm làm việc, với sự nhiệt hứng, với trách nhiệm cao nhất. Vì thế, tôi đánh giá rất cao cái cách tổ chức và phương pháp bàn luận. Bàn luận có lý và có tình, có bước đi cụ thể để làm sao đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất chính là “dám nói”. Có nói đúng, nói thẳng thì mới “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung. Như thế là chúng ta phấn đấu “từ tốt lên vĩ đại” như tên một cuốn sách của học giả nước ngoài.
Hiếm có một doanh nghiệp nào đã cụ thể hóa sâu sắc, cụ thể về văn hóa doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chỉ nói riêng về khát vọng của người dầu khí đã truyền đến mọi người niềm say mê, hứng khởi, niềm tin để chớp thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Niềm khát vọng là giá trị kế thừa từ lịch sử, từ những ngày đầu thành lập ngành Dầu khí Việt Nam cho đến hôm nay với sứ mệnh “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”. Để nuôi dưỡng khát vọng, người lao động dầu khí tự đặt ra những yêu cầu để không ngừng học tập phấn đấu. Đó là: Sống nhiệt huyết, đam mê, luôn khát khao và chinh phục các đỉnh cao nghề nghiệp; dám dấn thân, cống hiến, tận tâm, tận lực vì mục tiêu chung; rèn trí lực, thể lực, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, rèn luyện ý chí và sức khỏe tinh thần; Trăn trở tìm giải pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất; vươn đến tầm khu vực, phấn đấu đạt đến đẳng cấp cao hơn.
Các tiêu chí: Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình cũng được cụ thể hóa như thế, ngắn gọn, dễ nhớ, như xòe bàn tay là bắt gặp những con đường nhỏ, từ đấy mà vươn xa đến những đại lộ, mỗi người tự hoàn thiện mình hơn. Về truyền thống sống có nghĩa có tình, anh kỹ sư trẻ trên giàn khoan đã nói rất mộc mạc: “Chúng tôi biết ơn các bác, các chú, anh chị đi trước, đã luôn quan tâm đến đồng nghiệp”. Nghe anh nói, chợt nhớ đến chủ đề của Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay: “Hãy quan tâm, hãy biết ơn, hãy tử tế!”.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp, được nghe nói và chứng kiến những việc làm thiết thực nhằm tạo nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Muốn vươn cao, vươn xa, hãy đầu tư vào tri thức bằng việc học hỏi mỗi ngày. Và khi chúng ta không làm ra được một sản phẩm ưng ý nhất thì hãy kiên trì làm lại sản phẩm đó, dù vất vả đến thế nào đi nữa. Điều này đã được kiểm chứng ở Petrovietnam trong những thời điểm khó khăn nhất.
Hải Đường