25/03/2019 11:00:49

Vai trò của văn hóa trong quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hoá thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Văn hoá được hiểu như một hệ thống những chuẩn mực và giá trị mà những thành viên trong cộng đồng tác động lẫn nhau, thực hiện và sự tác động ấy tạo nên một sự khác biệt. Và, cũng như nhà xã hội học Anh, Tylor cuối thế kỷ 19 cho rằng, Văn hoá được hiểu như là một sự văn minh mà trong đó nó chứa đựng cả về những vấn đề trí thức, luật lệ, nghệ thuật, nhân bản, niềm tin và tất cả những khả năng mà những người trong cộng đồng đó lĩnh hội và thực hành.
Và, nếu Văn hoá là những hệ thống chuẩn mực và giá trị mà mọi người trong một cộng đồng người được chia sẻ thực hiện, thì Văn hóa doanh nghiệp cũng là những chuẩn mực hay những giá trị mà những người trong một doanh nghiệp cùng được chia sẻ và tuân thủ theo. Tuy vậy, Văn hóa doanh nghiệp không có nghĩa nó bất di bất dịch, mà nó cởi mở, luôn luôn được lĩnh hội, trau dồi, bổ sung cho phù hợp.

Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn và Lãnh đạo CDDK thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ VHDK 2018

Văn hóa doanh nghiệp rất cần thiết cho một doanh nghiệp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp phát triển, và nếu thiếu nó, sẽ làm cho doanh nghiệp không thể đứng vững, thậm chí lụi tàn.

Văn hóa doanh nghiệp trước hết tạo cho mỗi thành viên hiểu được giá trị của bản thân họ đối với doanh nghiệp.

Một tổ chức chỉ có thể phát triển khi tất cả mọi thành viên đều hiểu được họ đang đi đâu, họ đang làm gì, và vai trò của họ đến đâu. Với những mục tiêu rất cụ thể, họ được sống trong một môi trường có nhiều cơ hội để cống hiến, sáng tạo, được chia sẻ ý tưởng, được ghi nhận khi thành công… tất cả đều được hiểu rằng, họ là thành phần không thể thiếu của một doanh nghiệp. Họ như một mắt xích trong một chuỗi dây truyền đang hoạt động.

Tiến sỹ Stenphen R. Convey, tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng “Bảy thói quen của những người hiệu quả” đã khẳng định “Không tham gia, thì sẽ không bao giờ có thi hành”. Hay nói một cách khác rằng, họ đang thi hành công việc của tổ chức, vì họ đã được ghi nhận tham gia. Họ có cảm giác như đang được làm cho chính bản thân họ.

Đ/c Trần Sỹ Thanh tặng hoa cảm ơn đại diện nguyên Lãnh đạo TĐ DK và nhà khoa học

Văn hóa doanh nghiệp tạo nên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Ông cha ta đã dạy “Chia rẽ thì chết, đoàn kết thì sống”, Bác Hồ kính yêu của chúng ta tiếp tục khẳng định điều đó qua những lời dạy rất sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”. Với ý nghĩa đó, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, thậm chí hy sinh cả lợi ích cá nhân vì cái chung lại càng trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh một doanh nghiệp ở thời kỳ khó khăn. Đó là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh ấy chỉ có được khi văn hóa doanh nghiệp thực sự thấm sâu vào nếp nghĩ, hành động của mỗi thành viên của doanh nghiệp đó.

Văn hóa doanh nghiệp sẽ khích lệ, tạo động lực làm việc cho mỗi thành viên, tạo nên khí thế của một tập thể chiến thắng.

Trong một thế giới, khi những chuẩn mực của xã hội về sự thành công không còn được đo bằng sự thành công của một cá nhân nữa, mà nó được đẩy lên tầm tập thể. Và cho dù trên góc độ cá nhân, thì cá nhân đó sẽ không bao giờ được coi là thành công, nếu tập thể của anh ta không thành công. Một quan niệm mới cho lãnh đạo hôm nay là, “team work is dream work,” tức là chỉ có làm việc tập thể thì giấc mơ thành công của ta mới thành hiện thực. Hay nói một cách khác, khả năng lãnh đạo được đo bằng khả năng lãnh đạo một tập thể. Một tập thể càng lớn mạnh thì khả năng lãnh đạo càng cao, và một công việc càng có nhiều người cùng tham gia tích cực thì công việc đó càng sớm được hoàn thành. Song, sự thành công ấy chỉ có thể đến khi chúng ta tiếp tục xây dựng một nếp sống có sự chia sẻ trách nhiệm, hy sinh, chia sẻ quyền lợi, ai ai cũng được tôn trọng và ghi nhận và trên hết, vì mục tiêu thắng lợi của của doanh nghiêp. Tất cả sẽ được tạo nên từ Văn hóa doanh nghiệp.

Đ/c Bùi Quốc Sơn – Phí Ban Phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn triển khai Cẩm nang Văn hóa Dầu khí

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngày 27/11/1961 đánh dấu sự ra đời của ngành Dầu khí Việt Nam và trở thành Ngày truyền thống của những người lao động Dầu khí. Lịch sử hình thành phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền những đổi thay của đất nước. Trải qua những thăng trầm, các thế hệ người lao động dầu khí đã bền bỉ, sáng tạo bằng bàn tay khối óc của mình chung tay xây dựng nên ngôi nhà dầu khí hôm nay. Cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động Dầu khí được kết tinh và làm nên truyền thống của những người đi tìm lửa. Ngọn lửa Dầu khí được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác tạo nên bản sắc của văn hoá Dầu khí; là giá trị mà người dầu khí phải trân trọng, gìn giữ và phát triển; coi đó là phương thức hành xử để người Dầu khí luôn được nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Giữ cho ngọn lửa luôn bừng sáng, thắp lên tinh thần nhiệt huyết của các thế hệ người lao động Dầu khí là đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Do đó, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trước không ít khó khăn, thách thức, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặc biệt coi trọng việc xây dựng và thực hiện tốt văn hoá doanh nghiệp thông qua Bộ quy tắc ứng xử “Văn hóa Dầu khí” sẽ được ban hành thực hiện trong toàn Tập đoàn. Đó là yếu tố quan trọng để từng bước nâng cao hình ảnh, thương hiệu và Văn hóa Doanh nghiệp – Petrovietnam, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Tập đoàn, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Lương Thị Hồng Nhung – Phó Ban TGNC