Qua đợt tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, một lần nữa, chúng ta nhận thấy sự rõ nét vai trò của chiến lược và kế hoạch đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nếu không chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn chắc chắn sẽ không được như mong đợi.
Chú trọng xây dựng chiến lược và kế hoạch
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tiền thân là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, được thành lập ngày 3/9/1975 theo chủ trương tại Nghị quyết số 244/NQ-TW ngày 9/8/1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Quyết định số 170/CP của Hội đồng Chính phủ.
Tập đoàn chuyển đổi mô hình hoạt động theo Quyết định số 199/2006/ QĐ-TTg ngày 29/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, tập thể CBCNV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tạo dựng được một cơ nghiệp rất đáng tự hào |
Việc xây dựng chiến lược và kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn) đã được xác định rõ trong Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Chính trị khóa X phê duyệt tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007; Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015.
Trên cơ cở sở chiến lược và kế hoạch trên, từ năm 2015 đến nay, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo CBCNV, Tập đoàn đã đạt được những kết quả khích lệ.
Hàng năm, Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm 10-13%.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/Vốn chủ sở hữu bình quân đạt 10,4%/năm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/Vốn điều lệ đạt 15,8% giai đoạn 2010-2019. Tốc độ tăng tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn giai đoạn 2010-2019 đạt 9,7%/năm. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 861,4 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tập đoàn giai đoạn 2010-2019 đạt 9,8%/năm. Nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 479,3 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, trải qua 45 năm hình thành và phát triển, tập thể CBCNV Tập đoàn đã tạo dựng được một cơ nghiệp rất đáng tự hào. Dù thể hiện qua hình thức nào, công tác xây dựng chiến lược và kế hoạch luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn và thực tế đã chứng minh bằng các kết quả mà ngày hôm nay có được mặc dù Tập đoàn đã trải qua rất nhiều biến cố.
Đòi hỏi sự triển khai đồng bộ
Với đặc thù sản phẩm của Tập đoàn có tính hội nhập quốc tế cao nên những biến động của nền kinh tế thế giới đều có sự ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Từ các bài học thực tế, để có những giải pháp phù hợp với tình hình chung, Tập đoàn xác định các nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng chiến lược và kế hoạch.
Cụ thể, cần nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng và Chính phủ về chiến lược phát triển năng lượng và chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; Xác định các mục tiêu cụ thể, khả thi, đồng thời cần chỉ ra các giải pháp cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu đó; Thường xuyên cập nhật và nắm bắt xu hướng năng lượng của thế giới, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó là xây dựng chiến lược và kế hoạch có lộ trình thực hiện cụ thể và phải sát với tình hình thực tế, nguồn lực thực hiện và có gắn kết giữa các lĩnh vực trong Tập đoàn và gắn kết với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và các ngành khác có liên quan; Xây dựng chiến lược và kế hoạch đảm bảo mục tiêu mấu chốt là Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên và với mục tiêu trọng tâm là “Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí, năng động, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc”, Tập đoàn xác định 6 giải pháp chủ yếu.
Cụ thể như cần xác định được sứ mệnh và vai trò, nhiệm vụ của Tập đoàn trong cơ cấu ngành năng lượng Việt Nam; rà soát, đánh giá tổng thể nguồn lực của Tập đoàn và của các đơn vị thành viên tương ứng với các mốc thời gian giai đoạn phát triển của Tập đoàn trong chiến lược đề ra.
Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại; nhận diện đầy đủ các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến hoạt động của Tập đoàn, từ đó xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Tập đoàn.
Cùng với đó là làm tốt công tác dự báo để từ đó xác định được các mục tiêu đúng đắn, khả thi, trên cơ sở đó có những quyết định và hành động hướng mục tiêu để các năng lực và nguồn lực của tổ chức đáp ứng được những cơ hội và thách thức từ bên ngoài; tăng cường hợp tác để tạo lập các liên kết chuỗi giá trị. Đó là hợp tác giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế.
Với những nhiệm vụ và giải pháp được nêu ra ở trên cùng với kết quả đạt được, một lần nữa, chúng ta nhận thấy được vai trò của chiến lược và kế hoạch đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Qua đợt tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu xảy ra từ đầu năm 2020, điều này càng được nhận thấy rõ nét hơn. Nếu chúng ta không chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tác động kép này thì kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng sẽ như một số công ty dầu khí quốc tế khác, trong khi chúng ta thua kém họ rất nhiều về trình độ quản trị, năng suất lao động, tiềm lực tài chính…
Bên cạnh việc triển khai chiến lược và kế hoạch, một trong những giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu nêu ra trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đó là tái cấu trúc doanh nghiệp. Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp đã được Tập đoàn triển khai thực hiện tại bộ máy Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Tại bộ máy Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tinh gọn từ 33 đầu mối xuống còn 18 đầu mối.
Việc xác định được nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu xây dựng chiến lược và kế hoạch, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Để đảm bảo chiến lược và kế hoạch, tái cấu trúc doanh nghiệp thực hiện thành công thì đòi hỏi sự triển khai phải đồng bộ từ khâu thực hiện đến khâu giám sát, đánh giá và đặc biệt quan trọng, đó là sự đồng tâm, chung sức của tất cả các thành viên trong “ngôi nhà” Dầu khí.
Đức Minh