Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, luôn giữ vững và khẳng định là đơn vị đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế nước nhà.
Đ/c Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu Khí Việt Nam
Để đáp ứng với quá trình phát triển của một ngành công nghiệp – kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động Dầu khí cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2007, toàn ngành chỉ có hơn 20 ngàn lao động, đến cuối năm 2012, số lao động trong toàn ngành đã lên tới hơn 68 ngàn lao động (tăng gần gấp 3 lần sau 5 năm). Trình độ của người lao động Dầu khí cũng ngày càng được nâng cao không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, mà cả kiến thức về xã hội, kiến thức pháp luật, đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển.
Trong bất cứ tổ chức doanh nghiệp nào thì quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động luôn gắn liền và đi đôi với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp đó. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhằm phát huy hiệu quả trong hoạt động SXKD, công tác tái cấu trúc các doanh nghiệp trong Tập đoàn đang được thực hiện tích cực, trong đó mô hình hoạt động của các công ty cổ phần trong giai đoạn đầu mới thành lập đi vào hoạt động vẫn còn một số bất cập trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người lao động, từ đó dẫn đến phát sinh mâu thuẫn tại một số đơn vị; mặt khác, nhận thức pháp luật của người lao động mặc dù được tuyên truyền phổ biến ở đơn vị nhưng vẫn chưa được thường xuyên kịp thời và một số đơn vị chưa được coi trọng, dẫn đến có người lao động còn vi phạm kỷ luật lao động do không am hiểu pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, xây dựng phát triển đội ngũ CBCNV người lao động, tư vấn pháp luật để người lao động phát huy quyền làm chủ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị là vấn đề tất yếu khách quan, đồng thời, việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp luật để nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động của các cấp Công đoàn trong toàn ngành, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mặt khác việc tư vấn pháp luật cho người lao động còn là công cụ để người lao động được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định phát triển.
Ngày 27/5/2004 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định số 785/QĐ ban hành quy định tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật trong tổ chức Công đoàn nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của người lao động. Xác định rõ công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật cho đoàn viên và người lao động là trách nhiệm của các cấp Công đoàn, trên cơ sở điều kiện cụ thể, từng tổ chức Công đoàn lựa chọn, quyết định thành lập, tổ chức phân công cán bộ để thực hiện tư vấn pháp luật khi đoàn viên, người lao động có nguyện vọng, yêu cầu, hoặc người lao động đề nghị tư vấn về pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Tổ chức Công đoàn tiếp nhận ý kiến và có trách nhiệm xem xét trả lời, tư vấn, giải đáp, đáp ứng yêu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục phát triển tổ chức, phát triển đội ngũ cán bộ Công đoàn cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của mọi đoàn viên và người lao động, đồng thời tiếp tục hoàn thiện bộ máy tư vấn pháp luật, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của các cấp Công đoàn trong toàn ngành, tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Với vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp Công đoàn trong toàn ngành đã không ngừng đổi mới trong mọi mặt hoạt động, trong đó công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật lao động cũng được quan tâm hàng đầu, thông qua các chương trình tập huấn ở cơ sở, tuyên truyền bằng vản bản pháp luật, hướng dẫn, qua các Hội thi, hệ thống thông tin trên báo, tạp chí, báo điện tử đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động để từ đó người lao động thực hiện tốt các nội quy, quy chế, quy định ở đơn vị, thực hiện nghĩa vụ với doanh nghiệp, quan trọng hơn là người lao động nhận biết về pháp luật những điều liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, những tranh chấp phát sinh, những nguyện vọng chính đáng, để người lao động tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ cá nhân mình, hạn chế tối đa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội và những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ CBCNV, người lao động, từng bước xây dựng được đội ngũ tập thể CBCNV đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn pháp luật cho người lao động trong toàn ngành, Công đoàn Dầu khí Việt Nam coi hoạt động tuyên truyền tư vấn pháp luật lao động trực tiếp đối với người lao động là phương pháp hàng đầu, nhằm giải đáp kịp thời hiệu quả những ý kiến, những tình huống giúp người lao động giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động.
Xác định công tác tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn là công cụ hàng đầu, là hoạt động then chốt để tổ chức Công đoàn thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ từ gốc quyền và lơi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động, ngày 11/1/2013 Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra quyết định số 30/QĐ-CĐ DK về việc thành lập Văn phòng tư vấn Pháp luật thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Quyết định số 38/QĐ-CĐ DKVN về việc ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam; hướng dẫn các Công đoàn trực thuộc tiến hành kiện toàn và thành lập mới tổ tư vấn pháp luật hoặc phân công cán bộ Công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật lao động cho người lao động tại cơ sở. Trong đó có yêu cầu mới đặt ra với các cấp Công đoàn trong toàn ngành là cần tập trung đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật ở các cấp Công đoàn, coi đây là nhiệm vụ và là hoạt động thường xuyên của các cấp Công đoàn để phục vụ, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đông đảo đoàn viên và người lao động. Hoạt động tư vấn pháp luật được tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực cơ bản đó là:
Thứ nhất: Trước tiên cần làm tốt công tác hỗ trợ đoàn viên và người lao động trong quá trình thương lượng ký kết hợp đồng lao động, gia hạn hợp đồng lao động, thực hiện các cam kết, thỏa thuận với doanh nghiệp đảm bảo đúng pháp luật, có quan tâm đến chính sách của người lao động.
Thứ hai: tổ chức Công đoàn tham gia và cùng với chuyên môn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, người lao động; tham gia hòa giải, giải quyết các tranh chấp lao động tập thể; tham gia bảo vệ đoàn viên và người lao động trước tòa án;
Thứ ba: Tham gia xây dựng các cơ chế chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, quy định và các tài liệu tuyên truyền pháp luật trong từng đơn vị.
Thứ tư: Hỗ trợ cán bộ Công đoàn và tổ chức Công đoàn ở cơ sở từng bước nâng cao hiểu biết về Luật Công đoàn, luật lao động, kỹ năng trong hoat động, quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện các văn bản chính sách có liên quan đến người lao động tại đơn vị.
Về hình thức tuyên truyền và tư vấn pháp luật: Do điều kiện phát triển công nghệ thông tin hiện đại và nhanh chóng kịp thời, Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tuyên truyền và tư vấn chủ yếu thông qua hộp thư điện tử tại Trang thông tin điện tử tổng hợp của Công đoàn Dầu Khí Việt Nam www.congdoandaukhi.vn được bắt đầu triển khai thực hiện trong tháng 5/2013, đồng thời thông qua các cấp Công đoàn cơ sở trực thuộc để thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, giải đáp, trả lời bằng văn bản, hoặc qua điện thoại, đối thoại trực tuyến…
Công tác tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động trong hệ thống Công đoàn Dầu khí Việt Nam được thông qua Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam và tổ tư vấn pháp luật tại các Công đoàn trực thuộc, hoạt động kiêm nhiệm, có sự cộng tác của một số chuyên gia Luật để tham gia giải đáp các tình huống phức tạp. Với các hình thức và nội dung tuyên truyền tư vấn pháp luật được quy định, cùng với sự tham gia của các chuyên gia và sự tâm huyết của cán bộ Công đoàn cơ sở sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng chính đáng và thiết thực của mọi đoàn viên và người lao động trong toàn ngành.