Văn hóa doanh nghiệp như linh hồn và sức sống chi phối sự phát triển của một doanh nghiệp. Với gần 24 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) tự hào đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng, mang tên “Văn hóa PVE”.
Ngày 27/11/1961 đánh dấu sự ra đời của ngành dầu khí Việt Nam và trở thành ngày truyền thống của những người lao động dầu khí. Trải qua thăng trầm với thành công và thất bại, bằng sự bền bỉ, sáng tạo và cả nhọc nhằn của những bàn tay, khối óc, với biết bao mồ hôi, nước mắt, những thế hệ người lao động đã chung tay xây dựng nên ngôi nhà dầu khí hôm nay. Cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động dầu khí nói chung và thanh niên dầu khí nói riêng được kết tinh cùng năm tháng đã tạo nên truyền thống văn hóa của những người đi tìm lửa.
Tác giả bài viết Lê Thị Nga – Đoàn Thanh niên PVE |
Đối với PVE nói riêng, kể từ những ngày đầu thành lập vào năm 1998 cho đến nay, với chặng đường dài định hình, phát triển và tái cơ cấu, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào việc xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thành tựu đó có được, không thể không nhắc đến sự đóng góp của biết bao thế hệ thanh niên PVE.
Vậy khi nhắc đến “Văn hóa PVE”, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Văn hóa doanh nghiệp như linh hồn và sức sống chi phối sự phát triển của một doanh nghiệp. Cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị, niềm tin theo năm tháng hoạt động được tích lũy, hun đúc và được doanh nghiệp công nhận. Văn hóa là lợi thế cạnh tranh hàng đầu, mang lại thành công vượt trội và bền vững cho doanh nghiệp. Với gần 24 năm xây dựng và phát triển, PVE tự hào đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng, mang tên “Văn hóa PVE”.
“Chúng ta ứng xử vì chính ta, vì tương lai của PVE”
Có nhiều yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp nhưng đối với PVE, con người là yếu tố quan trọng nhất. Có thể nói, văn hóa PVE chính là văn hóa của con người PVE. Tập hợp một nhóm người cùng làm việc với nhau trong tổ chức sẽ hình thành nên những thói quen, đặc trưng của đơn vị đó. Do đó, văn hóa doanh nghiệp có thể hình thành một cách “tự phát” hay “tự giác”. Do đó việc chủ động tạo ra những giá trị văn hóa mong muốn là điều cần thiết nếu doanh nghiệp muốn văn hóa thực sự phục vụ cho định hướng phát triển chung, góp phần tạo nên sức mạnh cạnh tranh của mình. Nhiều người cho rằng triển khai văn hóa trong doanh nghiệp là một vấn đề khó, nhưng với góc độ là một người gắn bó hơn 6 năm cùng PVE, là thế hệ trẻ của PVE, cá nhân tôi nhận thấy đó không phải là quá khó khăn.
Đầu tiên chúng ta cần nhắc đến là văn hóa ứng xử. Mỗi thành viên trong gia đình PVE, ở đây cụ thể hơn là mỗi đoàn viên, thanh niên PVE cư xử chuẩn mực, chuyên nghiệp với đối tác/khách hàng thông qua nhưng điều cơ bản từ ánh mắt, nụ cười, hành động ý nhị, tinh tế, công việc uy tín, đúng tiến độ, câu chữ chính xác, văn minh. Đối với đồng nghiệp thông qua những cái gật đầu chào, bắt tay, hỏi thăm, lời xin lỗi, chân thành góp ý, cùng thảo luận, phối hợp trong công việc. Đối với cấp trên sẽ theo đúng tinh thần truyền thống kính trên nhường dưới; lãnh đạo biết lắng nghe, tôn trọng cấp dưới. Tất cả những hành động này dần lan tỏa sẽ tạo nên môi trường làm việc tích cực, thân thiện, bình đẳng và hiệu quả trong Tổng công ty. PVE sẽ chẳng cần đi đâu xa, đầu tư bao nhiêu tiền bạc để xây dựng thương hiệu, uy tín của Tổng công ty. Thương hiệu và uy tín của PVE do chính những người PVE quyết định và sự phát triển của Tổng công ty cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng thành viên trong mái nhà chung. Đó chính là cơ sở cho quy chuẩn: “Chúng ta ứng xử vì chính ta, vì tương lai của PVE”.
Một hội thao của PVE |
Ngoài văn hóa ứng xử, còn rất nhiều điều tạo nên một PVE đậm đà bản sắc với nét văn hóa riêng. Đó là sự chủ động, sự tự giác – tự thực hiện và sự khôn khéo. Điều này thể hiện ở việc luôn sẵn sàng với công việc, không ngại khó khăn, làm việc hết mình vì lợi ích của tổ chức. Mặt khác, các thành viên của ngôi nhà PVE còn biết nói những gì cần nói, hỏi những điều cần hỏi, tranh luận những điều đáng tranh luận và sắp xếp những gì hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, PVE còn một giá trị văn hóa đặc biệt nữa mà rất nhiều người có thể nhận ra, điều mà tất cả những người trẻ chúng ta cần gìn giữ và phát huy. Đó là tinh thần vì mái nhà chung PVE, có rất nhiều cá nhân đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự phát triển của Tổng công ty. Là một người trẻ, tôi thực sự khâm phục các thế hệ đi trước của PVE, những người đã đồng hành và dựng xây PVE trên một chặng đường dù không quá dài, nhưng cũng gần bằng 1/3 đời người của mình tại PVE. Đó là văn hóa của sự trung thành, sự quyết tâm vì màu cờ sắc áo, khát vọng để phát triển đơn vị bằng tâm huyết của mình. Vì thế giá trị văn hóa PVE còn là sự gắn bó lâu dài của những thế hệ trước. Đó đã trở thành động lực to lớn cho những người trẻ như chúng ta tiếp bước truyền thống để cống hiến và trưởng thành. Gần 24 năm trôi qua, điều đó cũng đã tạo nên nét riêng của Tổng công ty và không có bất kì lý do gì để các thế hệ trẻ tiếp theo không duy trì được điều đó.
Thanh niên đóng góp xây dựng Văn hóa PVE
Với vai trò là một người đoàn viên – thanh niên, tôi mong muốn đóng góp một số ý kiến, giải pháp đề xuất đến lãnh đạo PVE nói riêng và người PVE nói chung để góp phần xây dựng và tái tạo văn hóa PVE.
Tuổi trẻ PVE mang khát vọng cống hiến, xây dựng Tổng công ty phát triển bền vững |
Đầu tiên là trẻ hóa nguồn nhân lực. Con người là yếu tố quan trọng nhất đối với văn hóa PVE, do đó, tuyển dụng nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa được những cá nhân tài giỏi và phù hợp với văn hóa PVE hiện tại. Văn hóa tích cực, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ mang lại cho tổ chức một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Tất cả mọi người đều muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, điều này do chính các nhân viên cũ và hiện tại thể hiện thì lại càng đáng tin. Một công ty có văn hóa tích cực sẽ thu hút các tài năng sẵn sàng biến nơi làm việc tiếp theo của họ thành nhà, thay vì chỉ là bước đệm.
Bên cạnh việc tuyển dụng, còn phải giữ chân những tài năng hàng đầu của doanh nghiệp, góp phần tạo nên văn hóa tích cực tại PVE. Do đó, việc tìm kiếm và giữ chân những nhân sự chủ chốt và có tài năng thực sự là một trong những mục tiêu hàng đầu của ban lãnh đạo PVE. Nhân sự sẽ tự động cống hiến hết mình và gắn bó lâu dài với PVE nếu họ cảm giác rằng họ được trọng dụng, được tôn trọng và được phát huy đối đa năng lực của bản thân cùng với lộ trình thăng tiến rõ rệt; Chú trọng vào công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo nội bộ để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tạo môi trường làm việc và học tập, trao dồi để phát triển bản thân, từ đó phát triển doanh nghiệp.
Lương và thu nhập là một phần để tạo nên động lực làm việc. Tuy nhiên khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hòa đồng, thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng hơn. Một môi trường làm việc năng động, cùng những đồng nghiệp nhiệt tình, chân thành, đầy tính học hỏi sẽ khiến PVE không chỉ là công ty mà còn trở thành một gia đình cho tất cả các thành viên.
Đẩy mạnh các hoạt động đoàn thể, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong đó vai trò tiên phong thuộc về các đoàn viên – thanh niên PVE. Điều này đóng góp không nhỏ vào việc duy trì, phát triển văn hóa tích cực, năng động tại PVE, các hoạt động là cầu nối giữa các thế hệ người PVE nói chung và thanh niên PVE nói riêng; để PVE không chỉ là doanh nghiệp xứng đáng để làm việc mà còn xứng đáng để yêu thương, đoàn kết và gắn bó lâu dài.
Lê Thị Nga