25/08/2016 3:24:33

Tư vấn pháp luật tháng 8/2016

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau: 

Câu hỏi 1.

“Tư vấn viên pháp luật” – Họ là ai? Tiêu chuẩn “Tư vấn viên pháp luật”? vàai là người có thẩm quyền cấp và thu hồi “Thẻ Tư vấn viên pháp luật”?

Trả lời:

Theo Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 11/8/2008) và Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2012).

– Căn cứ Điều 18, Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP thì Người thực hiện tư vấn pháp luật và Tư vấn viên pháp luật được hiểu như sau:

Điều 18. Người thực hiện tư vấn pháp luật

Người thực hiện tư vấn pháp luật bao gồm:

  1. Tư vấn viên pháp luật;
  2. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật;
  3. Cộng tác viên tư vấn pháp luật.”

Điều 19. Tư vấn viên pháp luật

  1. Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:
  2. a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;
  3. b) Có Bằng cử nhân luật;
  4. c) Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
  5. Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.”

– Căn cứ Điều 20 Nghị định 77/2008/NĐ-CP(đã được sửa đổi, bổ sung) thì việc cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật được quy định như sau:

Điều 20. Cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật

  1. Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.

Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:

  1. a) Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;
  2. b) Bản sao Bằng cử nhân luật;
  3. c) Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.”

  1. Người đã được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật:
  2. a) Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị đinh này;
  3. b) Được tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân;
  4. c) Có hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại  điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Sở Tư pháp, nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh mà người có Thẻ tư vấn viên pháp luật đang làm việc, thực hiện việc thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật.” 

Câu hỏi 2.

Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 mở rộng những đối tượng nào tham gia BHXH so với Luật BHXH năm 2006? Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2014?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 2Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006 thì đối tượng tham gia BHXH được mở rộng như sau:

  1. Đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc:
  2. Thực hiện từ 01/01/2016:

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

  1. Thực hiện từ 01/01/2018:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

– Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

  1. Đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện:

Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc.

– Căn cứ Điều 87 Luật BHXH năm 2014 thì mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được quy định như sau:

“Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

  1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

  1. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
  2. a) Hằng tháng;
  3. b) 03 tháng một lần;
  4. c) 06 tháng một lần;
  5. d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

……………………………………”.

Câu hỏi 3.

Thời hạn báo trước khi sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hiện hành?

Trả lời:

Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động 2012 thì thời hạn báo trước khi sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được quy định như sau:

“Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động

  1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
  2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
  3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.”

Như vậy, khi người sử dụng lao động hoặc người lao độngcó yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Câu hỏi 4.

Khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở trong trường hợp nào?

Trả lời:

– Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

  1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
  2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

…………………………………”.

– Căn cứ khoản 7 Điều 192 Bộ luật Lao động 2012:

Điều 192. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn

………………………….

  1. Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định.

……………………………”.

– Căn cứ khoản 2 Điều 25 Luật Công đoàn 2012:

“Điều 25. Bảo đảm cho cán bộ công đoàn

……………………………..

  1. Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

……………………………….”.

Như vậy, khi chuyển người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.

Câu hỏi 5.

Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 10 Luật Công đoàn 2012 thì Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đượcquy định như sau:

Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

  1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
  2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
  3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
  4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
  5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
  6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
  7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
  8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
  9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
  10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

…………………………….”.

Câu 6.

Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013 thì thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên công đoàn được quy định như sau:

“Điều 2. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn

  1. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên công đoàn
  2. Người gia nhập Công đoàn có đơn tự nguyện. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp trên xét, ra quyết định kết nạp hoặc công nhận đoàn viên và trao thẻ đoàn viên công đoàn.
  3. Nơi chưa có công đoàn cơ sở, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi người lao động đang làm việc, hoặc thông qua cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để được xem xét kết nạp hoặc công nhận.

…………………………..”.

– Căn cứ Mục 2 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:

“2. Thủ tục kết nạp, công nhận, sử dụng, quản lý thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn quy định tại Điều 2 thực hiện như sau:

2.1. Thủ tục kết nạp, công nhận đoàn viên:

  1. Người vào Công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm: Đơn cá nhân bằng văn bản (có chữ ký bằng tay hoặc chữ ký điện tử) hoặc đơn của tập thể bằng văn bản (có đầy đủ chữ ký của người lao động theo danh sách trong đơn gia nhập Công đoàn).

  1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở ra quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên. Trong buổi lễ kết nạp đoàn viên có thể tiến hành kết nạp nhiều người, những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ kết nạp (trừ trường hợp có lý do đặc biệt), công đoàn cơ sở công bố và trao quyết định kết nạp đoàn viên đến người lao động. Những đơn vị có đông người lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, tổ công đoàn trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.
  2. Nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở:

Khi người lao động có đơn gia nhập công đoàn, ban vận động thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu nhận đơn, công bố danh sách người lao động gia nhập công đoàn và có văn bản đề nghị công đoàn cấp trên công nhận đoàn viên. Việc công nhận đoàn viên theo quy định tại mục 13, Chương III, Hướng dẫn này.

Trường hợp những nơi chưa tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên có trách nhiệm xem xét đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động, ra quyết định kết nạp, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và trao thẻ đoàn viên công đoàn. Đoàn viên sau khi được kết nạp, công đoàn cấp trên có trách nhiệm giới thiệu, liên hệ nơi sinh hoạt cho đoàn viên hoặc tạm thời sinh hoạt tại cơ quan nơi tổ chức kết nạp cho đến khi có tổ chức công đoàn tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập.

Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức Công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức Công đoàn thì làm đơn và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.

………………………………”.

– Căn cứ Mục 13.3 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:

“13.3. Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở gồm có:

  1. Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở.
  2. Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
  3. Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.
  4. Biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở (có trích ngang lý lịch kèm theo).”

Văn phòng Tư vấn pháp luật