30/06/2016 9:29:24

TƯ VẤN PHÁP LUẬT THÁNG 5/2016

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau: 

Câu 1:

Các trường hợp người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật lao động hiện hành?

Trả lời:

– Căn cứ khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

……………………

  1. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:………….
  2. d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.…………..…”.

– Căn cứ Điều 29 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

“Điều 29. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

  1. Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
  2. Khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”.

– Căn cứ Điều 11 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

“Điều 11. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Nuôi con đẻ dưới 12 tháng tuổi;
  2. Nuôi con nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình dưới 12 tháng tuổi;
  3. Nuôi đứa trẻ mang thai hộ dưới 12 tháng tuổi đối với người lao động là người mang thai hộ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

Như vậy, các trường hợp người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi gồm:

+ Nuôi con đẻ dưới 12 tháng tuổi.

+ Nuôi con nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình dưới 12 tháng tuổi.

+ Nuôi đứa trẻ mang thai hộ dưới 12 tháng tuổi đối với người lao động là người mang thai hộ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Câu 2:

Ngày 02/01/2016, chị X ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty A, mức lương theo hợp đồng lao động là 4.000.000 đồng. Ngày 15/01/2016, chị X ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm với Công ty B, mức lương theo hợp đồng lao động là 8.000.000 đồng (Chị X làm việc ở Công ty A và Công ty B). Hỏi Công ty nào có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho chị X?

Trả lời:

– Căn cứ khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

“Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

……………….

  1. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

………………”.

– Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013:

“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

  1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
  2. a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  3. b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  4. c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

………………………”.

– Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động:

“Điều 4. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động

  1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động:
  2. a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

……………………”.

Theo đó, trong trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

– Căn cứ Điều 3 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2013/NĐ-CP:

“Điều 3. Hợp đồng lao động giao kết đầu tiên và hợp đồng lao động kế tiếp

  1. Hợp đồng lao động giao kết đầu tiên mà người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP là hợp đồng lao động có thời điểm ký kết đầu tiên trong số hợp đồng lao động mà người lao động đã tham gia ký kết.
  2. Hợp đồng lao động kế tiếp mà người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP là hợp đồng lao động có thời điểm ký kết liền kề ngay sau hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi”.

Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng lao động giao kết đầu tiên là hợp đồng lao động ký giữa chị X và Công ty A ngày 02/01/2016. Do đó, Công ty A có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho chị X.

Văn phòng Tư vấn pháp luật