Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1: Trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH?
Trả lời:
Căn cứ điểm 1.8 khoản 1 Điều 38 Mục 2 Quyết định số 959/QĐ-BHXH:
“1.8. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng”.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì Công ty và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN; cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Câu 2: Trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng (không thuộc trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH)?
Trả lời:
Căn cứ điểm 1.7 khoản 1 Điều 38 Mục 2 Quyết định số 959/QĐ-BHXH:
“1.7. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
…”.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng (không thuộc trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH) thì Công ty và người lao động không phải đóng BHXH tháng đó nhưng phải đóng BHYT, BHTN.
Câu 3: Ngày 02/01/2016, chị A (đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 5 năm) nghỉ việc để điều trị bệnh suy tuyến giáp. Hỏi thời gian tối đa chị A được hưởng chế độ ốm đau là bao lâu?
Trả lời:
– Căn cứ Thông tư 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì bệnh suy tuyến giáp của chị A được xác định thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành (mã bệnh E03).
– Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật BHXH 2014:
“2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
- a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
- b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, chị A được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Khi hết thời hạn nêu trên mà chị A vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn[3] nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH[4] (của chị A là 5 năm).
[1] Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động
[2] Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.
[3]“Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau
…
- Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
- c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.”
[4] Chế độ ốm đau do cơ quan BHXH chi trả (căn cứ khoản 1 Điều 84 Luật BHXH 2014).
Văn phòng Tư vấn pháp luật