Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1
Khi người lao động xin nghỉ không lương, người lao động đóng toàn bộ chi phí về bảo hiểm, thì có phải đóng phí công đoàn không?
Trả lời:
Căn cứ Mục 1.6 phần I Hướng dẫn số 258/HĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn đóng đoàn phí Công đoàn:
“1.6- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí;
Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí”.
Như vậy, nếu người lao động nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng trở lên thì thời gian đó không phải đóng đoàn phí Công đoàn.
Câu 2
Chị M làm việc tại Công ty P (có 20 người lao động) từ tháng 1/2005 nhưng đến tháng 1/2012 mới được đóng Bảo hiểm thất nghiệp. Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi chị M nghỉ việc là 5.000.000 đồng. Tháng 12/2014, chị M và Công ty P thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, chị M chỉ được nhận được 2.500.000 đồng tiền trợ cấp thôi việc. Hỏi: Cách tính trợ cấp thôi việc của Công ty P là đúng hay sai? Công ty P phải chịu những hậu quả pháp lý gì theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.
Căn cứ khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:
…
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
…”
Căn cứ mục 7 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 8. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
- Phạt tiền người sử dụng lao động có mộttrong các hành vi: … không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc … cho người lao động theo quy định của pháp luật … theo một trong các mức sau đây:
- a)Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
….
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a)Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi khôngtrả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Như vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là: 7 năm (chị M làm việc tại Công ty P từ 01/2005 – 12/2014, được đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1/2012 nên thời gian từ 01/2012 – 12/2014 không được tính là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc).
Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi chị M nghỉ việc là 5.000.000 đồng/tháng.
Tiền trợ cấp thôi việc chị M được hưởng là:7 x (5.000.000 ÷ 2) = 17.500.000 đồng.
Cách tính tiền trợ cấp thôi việc của Công ty P là sai, Công ty P có thể phải chịu những hậu quả pháp lý sau đây:
(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
(2) Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
(3) Bị người lao động khiếu nại/khởi kiện.
Văn phòng Tư vấn pháp luật