Trong những năm vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã trải qua nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử, phải đối mặt với những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua. Chính những thời điểm khó khăn nhất ấy, Đảng ủy Tập đoàn đã có những quyết sách đúng đắn, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 281-NQ/ĐU ngày 15/5/2019 về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN). Trong đó xác định cần phải “vực” dậy tinh thần của người dầu khí, đồng lòng vượt qua thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong 05 năm tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết là giai đoạn Tập đoàn liên tục phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử, bao gồm cả khách quan và chủ quan.
Mỗi cán bộ, đảng viên Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn ý thức và tự hào được đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế đất nước. |
Những năm qua, trên thế giới xảy ra nhiều biến động từ các cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, Israel – Hamas, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, dẫn đến giá năng lượng trồi sụt bất thường theo xu hướng bất ổn (giá dầu thô có thời điểm xuống thấp nhất trong lịch sử (âm 37USD/thùng) ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực…; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa,… làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong nước, do áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Dầu khí. Những tác động từ thị trường, sản lượng khai thác suy giảm… cùng với đó, nhiều dự án, đặc biệt là những dự án nguồn điện lâm vào bế tắc, nhiều đơn vị liên tục đối mặt với khó khăn, thua lỗ… đã tác động đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn.
Thời điểm năm 2018-2019, bên cạnh những khó khăn khách quan về sụt giảm trữ lượng, cạnh tranh thị trường, vướng mắc về cơ chế, pháp luật thì nặng nề nhất đến từ chính nội tại Tập đoàn là “khủng hoảng niềm tin”. Nhiều cán bộ không dám ký tá bất cứ công văn hay đề xuất, trong các cuộc họp, hội nghị, tư tưởng “bàn lùi, giữ mình” chiếm chủ đạo khiến nhiều công việc trong Tập đoàn bị đình trệ, kém hiệu quả.
Người viết bài còn nhớ, tại Hội nghị công tác dịch vụ Dầu khí năm 2018, xuất hiện một sự kiện có tính “lịch sử” của ngành Dầu khí Việt Nam là một doanh nghiệp nước ngoài đã lần đầu tiên thắng thầu cung cấp hoá phẩm dầu khí. Đáng nói là lĩnh vực này mấy chục năm qua đều được đơn vị trong ngành triển khai, vừa đảm bảo an toàn hiệu quả, vừa đảm bảo sự bảo mật khai thác chế biến dầu khí. Ở đây, không nói đến thiệt hại hay ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà nổi bật là sự “sợ trách nhiệm” đã lan ra khắp Tập đoàn, như một vệt dầu loang trên biển.
Hội nghị chuyên đề về truyền thông và văn hoá doanh nghiệp lần thứ I của Petrovietnam. |
Từ một ví dụ nhỏ nêu trên, để bạn đọc dễ hiểu hơn là để Tập đoàn trở lại guồng sản xuất kinh doanh, những người dầu khí có trách nhiệm với ngành, với nghề, với đất nước đã phải nhanh chóng, quyết tâm ngồi lại cùng nhau để xây dựng và ban hành ngay Nghị quyết số 281-NQ/ĐU và triển khai, thực hiện với quyết tâm cao. Trong đó, xác định văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh; đưa “quản trị biến động” trở thành văn hóa phát huy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, là giải pháp then chốt nhằm ứng phó trước các biến động từ dịch bệnh, địa chính trị – kinh tế, thị trường; tất cả các nhiệm vụ của Nghị quyết đều đã được triển khai với việc áp dụng hiệu quả bốn nhóm giải pháp Nghị quyết đề ra.
Xác định rõ tính cấp thiết nên ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 03/7/2019, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã triển khai Kế hoạch số 3623/KH-DKVN về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng thời trực tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn chủ trì Hội nghị về công tác TT&VHDN toàn Tập đoàn lần thứ I. Tiếp đó, vào dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/2019), thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, trên cơ sở đề xuất của Tổng Giám đốc, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã ban hành Đề án tái tạo văn hoá Petrovietnam (Đề án) và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án (Ban Chỉ đạo Đề án). Trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV là Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổng Giám đốc là Phó ban Thường trực, với các thành viên đại diện tập thể lãnh đạo, các đoàn thể trong Tập đoàn, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trước nhiệm vụ quan trọng này.
Đến nay, Tập đoàn đã tổ chức 04 hội nghị triển khai quy mô toàn Tập đoàn (các năm 2020, 2023, 2024); 01 hội nghị sơ kết (năm 2022); 01 hội nghị tập huấn (năm 2023); 02 đợt khảo sát về văn hóa Petrovietnam (các năm 2020, 2023). Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn và các đoàn thể thuộc Tập đoàn không ngừng cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết bằng nhiều văn bản, đã có 67 văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống được ban hành. Trong đó, có 11 văn bản của Đảng ủy; 06 văn bản của Hội đồng Thành viên; 35 văn bản của Tổng Giám đốc Tập đoàn; 13 báo cáo quý, năm, báo cáo sơ kết. Tổ chức 9 kỳ họp của Ban Chỉ đạo, ban hành 07 thông báo kết luận. Trong đó, nổi bật là triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”, đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa” và đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Một đội ngũ, một mục tiêu”.
Vị thế của Petrovietnam đang ngày càng vững vàng. |
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã thành lập các Ban Chỉ đạo: 35, xử lý khủng hoảng truyền thông, Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đưa các nhiệm vụ TT&VHDN vào chương trình công tác của các Ban Chỉ đạo như: tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CBCNV; triển khai Chỉ thị của Tổng Giám đốc về ý thức trách nhiệm của CBCNV, người lao động dầu khí khi tham gia mạng xã hội,…; Chỉ thị về nâng cao văn hóa phối hợp trong thực thi nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sự hệ thống, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 281-NQ/ĐU ngày càng được đi sâu, toàn diện khi nội dung/nhiệm vụ của Nghị quyết tiếp tục được đưa vào cả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III và Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác hằng năm. Đồng thời, bổ sung vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng theo Kết luận 21-KL/TW.
Có thể thấy rằng, văn hoá doanh nghiệp là một lực lượng vô hình rất quan trọng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, nơi có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, những đảng viên có tinh thần xây dựng, ý thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong tổ chức. Chính vì vậy, “tái tạo, bồi đắp, nâng tầm văn hoá Petrovietnam” là cả một quá trình quan tâm, lắng nghe, chỉ đạo lâu dài và bền bỉ của Đảng ủy Tập đoàn để ngọn lửa dầu khí luôn sáng mãi trong tâm, trí những người dầu khí chân chính.
Thành Công