27/01/2023 11:10:11

Tự hào 93 Xuân đời ta có Đảng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh đuổi 2 đế quốc sừng sỏ nhất thời đại ra khỏi giang sơn bờ cõi, đưa Việt Nam từ “bùn đen nô lệ” lên làm chủ đất nước. Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn, thách thức, nguy nan, đưa đất nước thoát đói, giảm nghèo, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên khắp hành tinh.

Tự hào 93 Xuân đời ta có Đảng

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, của Đảng bộ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (ảnh Trúc Lâm)

Mốc son chói lọi, mãi mãi trường tồn

Xuân Canh Ngọ năm 1930 của thế kỷ 20, một sự kiện vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Đại Việt, đó là ngày ra đời Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 3/2/1930 không chỉ trở thành ngày chấm dứt vĩnh viễn khủng hoảng về đường lối lãnh đạo, mà còn là ngày đánh dấu “nước Việt chuyển mình” có Đảng Mác – Xít chân chính lãnh đạo nhân dân bước lên “vũ đài chính trị” trong hành trình đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngược dòng lịch sử trước thập niên 1930 của thế kỷ 20, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Cả dân tộc chìm trong “đêm dài nô lệ” dưới chế độ hà khắc phong kiến và gót sắt bạo tàn của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai. Dân An Nam tủi nhục lầm than “một cổ hai tròng”. Vừa bị đọa đầy, cùm kẹp dưới chế độ phong kiến, vừa bị thực dân Pháp đàn áp cực hình. Cả dân tộc như “lạc” trong đêm tối như không có đường ra.

Thời đó, có nhiều chí sĩ yêu nước “tự thân” đấu tranh chống lại chế độ phong kiến và đế quốc Pháp. Song, do sự giác ngộ cách mạng còn hạn chế và ảnh hưởng tư tưởng “tư sản mại bản” cho rằng “không thành công cũng thành nhân” nên con đường cứu nước của các chí sĩ không thành công. Nếu chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh “ỷ Pháp cầu tiến”, tức là “dựa vào Pháp, mong thực dân Pháp rủ lòng thương, dựa vào Pháp để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để từ đó giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; thì chí sĩ Phan Bội Châu lại “dựa vào người anh cả da vàng”. Tức là cầu viện Nhật để Nhật chống Pháp. Phan Bội Châu không nhìn thấy tham vọng và bản chất của đế quốc Nhật, quên mất bản chất của một nước đế quốc sẵn sàng trở mặt, thỏa hiệp khi đụng đến quyền lợi của họ. Con đường cứu nước của cả hai chí sĩ họ Phan chẳng khác gì “đuổi cọp cửa trước, rước beo cửa sau”. Bởi một khi bản chất tham vọng xâm chiếm thuộc địa, thì cả hai đế quốc Pháp, Nhật đều không từ bỏ “miếng mồi mầu mỡ”.

Trước vận nước “tối đen như mực” ấy, nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Ngày 5/6/1911, Người rời Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn – Gia Định) bước chân xuống tàu buôn của Pháp Amiral Latouche Tréville với tên gọi Văn Ba. Tại đây Người vừa làm phụ bếp, vừa kiếm sống, vừa tìm đường đến Pháp – đất nước được coi là “đỉnh cao hoa lệ văn minh” thời đó để trả lời cho câu hỏi: Tại sao thực dân Pháp lại cai trị dân An Nam? Đế quốc Pháp là ai mà xưng là “nước mẹ Pháp”?

Với tư cách là người dân thuộc địa tìm đường cứu nước, Người đã hòa mình vào cuộc sống của người lao động, tham gia đấu tranh các phong trào vô sản ở chính quốc. Bàn chân Người đã đặt lên lãnh thổ hơn 30 quốc gia trên thế giới, tiếp xúc với hàng ngàn lao động khổ sai tại các thuộc địa, thâm nhập sâu vào “chính quyền thượng lưu” của các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Tại đây, Người tận mắt chứng kiến được “tham vọng cường quyền” của các nước “Đế quốc chủ”, đồng thời thương cảm với những người nô lệ khổ sai. Người kết luận: “Ở đâu nhân dân lao động cũng là bạn, ở đâu chủ nghĩa đế quốc cũng là thù”.

Năm 1920 với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người tiếp cận lý luận Học thuyết Mác – Lênin về “Con đường giải phóng dân tộc”. Học thuyết chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Nguyễn Ái Quốc xúc động rơi nước mắt nói: “Ngồi trong phòng một mình mà như nói trước đông đảo quần chúng. Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây con đường giải phóng chúng ta”. Người xác định: “Học thuyết Mác – Lênin là kim chỉ nam cho con đường giải phóng dân tộc ở An Nam và các nước thuộc địa đang bị đế quốc, lãnh chúa cai trị, chứ không phải cái gì khác”.

Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước. Đưa phong trào công nhân chuyển dần từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác, đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. Khi công tác chuẩn bị đã “chín muồi”, Người bí mật về Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) và quyết định chủ trì hội nghị thành lập Đảng. Hội nghị tổ chức bí mật từ ngày 3 đến 7/2/1930. Tại đây, ba tổ chức đảng “Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn” đã được “hợp nhất” thành một Đảng lãnh đạo – Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn bản quan trọng như “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng” được các đại biểu tán thành và thông qua hội nghị.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 của thế kỷ 20 mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Và đó cũng là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ 20. Sự kiện vĩ đại ấy, không chỉ là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; mà còn là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử. Và đó cũng là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu lịch sử của một đất nước có chủ quyền.

Tự hào 93 Xuân đời ta có Đảng

Đảng viên trẻ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro luôn tự hào làm việc trong môi trường thân ái (ảnh Mai Thắng)

Đảng tài tình, chèo lái thuyền cách mạng

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ mới – thời kỳ có Đảng lãnh đạo, vùng dậy đấu tranh “người cày có ruộng, lật đổ phong kiến, đánh đuổi đế quốc, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Như một sự tự nhiên của quy luật lịch sử tranh đấu, có Đảng lãnh đạo, các phong trào đấu tranh cách mạng “nhảy vọt về chất” nổ ra khắp mọi nơi trên toàn quốc, từ đô thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền núi. Mở màn cho phong trào đấu tranh khi có Đảng lãnh đạo “nhảy vọt về chất” là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); cao trào đấu tranh dân chủ (1936-1939); và đỉnh cao là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành chính quyền (1939-1945).

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc mít tinh khổng lồ lan rộng khắp ba miền Bắc, Trung Nam. Triệu triệu người dân An Nam đã nhất tề đứng dậy cướp chính quyền từ đế quốc phong kiến về tay nhân dân. Để rồi ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Vườn hoa Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trước Quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sự kiện “Cách mạng mùa Thu” 1945 không chỉ đã phá tan xiềng xích nô lệ, cởi trói hoàn toàn cho người dân An Nam, mà trước đó lầm than “một cổ hai tròng” của đế quốc và phong kiến; mà còn là “tiếng nổ lớn, long trời lở đất” ngợi ca về tinh thần quật cường đấu tranh cách mạng của người An Nam lan tỏa trên khắp hành tinh. Đồng thời khẳng định, muốn giải phóng triệt để một dân tộc bị “giặc ngoại bang” nô dịch, áp bức, nhất thiết phải có đảng chân chính lãnh đạo. Đảng chân chính lãnh đạo ấy phải là đảng cộng sản tiên phong, tiêu biểu nhất của giai cấp công nhân, lấy thuyết khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng cho đấu tranh và xây dựng đất nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 khẳng định vai trò tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam non trẻ mới 15 tuổi, đã lãnh đạo toàn dân vùng dậy đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân từ phong kiến và đế quốc Pháp – một trong hai đế quốc sừng sỏ về “sức mạnh quân sự” nhất hành tinh ở thế kỷ 20.

Tiếp nối “Cách mạnh mùa Thu” năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân tộc “bước vào cuộc chiến đấu” mới trường kỳ gian khổ và quyết liệt hơn, cả về quy mô và lực lượng. Để rồi sau “chín năm trường kỳ gian khổ”, dân tộc Việt Nam đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước bằng chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu”. Và sau 21 năm, một lần nữa, dân tộc Việt Nam khẳng định “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng sau 30 năm trường kỳ kháng chiến. Cả dân tộc thống nhất hoàn toàn, giang sơn thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, chấm dứt vĩnh viễn sự cai trị của chế độ Mỹ Diệm và ngụy quyền Sài Gòn. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng lãnh đạo toàn dân tộc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành tựu của sự nghiệp 37 năm đổi mới đất nước, càng khẳng định vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua tất cả các thời kỳ lịch sử.

Xuân tri ân những người nằm xuống

Xuân Quý Mão 2023, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không quên tri ân và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đảng viên cộng sản kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người anh hùng vĩ đại dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông gấm vóc ta. Cả cuộc đời, Người đã sống thanh liêm, chiến đấu vì độc lập tự do, đem cơm no áo ấm cho đồng bào. Cả cuộc đời, Người chỉ có một ham muốn tột bậc cho đồng bào cả nước “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Để rồi khi về với thế giới vĩnh hằng, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho cán bộ đảng viên tư tưởng vĩ đại “sống phụng sự đất nước, thác thanh liêm về thế giới người hiền”.

79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ngần ấy ngọn đuốc ngời sáng tính thanh liêm, tinh thần cách mạng vô sản, và tình thương yêu nhân dân đồng bào, đồng chí vô bờ bến. Bởi vậy, đã 54 năm kể từ ngày Người mãi mãi ra đi, tư tưởng “phụng sự nhân dân”, đạo đức “hi sinh vì dân”, tác phong “gần gũi nhân dân” của Người, đã trở thành “phương châm sống” cho các tầng lớp cán bộ đảng viên.

Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi khắc ghi đức hi sinh và công lao to lớn của Người. Dân tộc Việt Nam và thế hệ người Việt đời đời tri ân Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ở thế kỷ 20 và trường tồn vĩnh cửu.

Đón Xuân Quý Mão đồng bào và chiến sĩ cả nước không bảo giờ quên hàng vạn đảng viên ưu tú đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hi sinh qua các thời kỳ lịch sử trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, chiến sĩ Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, chiến sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, đảng viên trẻ Nguyễn Viết Xuân nhằm thẳng quân thù mà bắn. Dân tộc Việt Nam mãi mãi không quên nữ đảng viên trẻ Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thị Lý dù bị giặc tra tấn dã man “điện giựt dùi đâm dao cắt nửa lưng” nhưng một mực không khai bởi khí phách chiến đấu của người cộng sản.

Nghĩ tưởng thời bình lặng im tiếng súng không có đổ máu, hi sinh. Nhưng không, lịch sử là dòng chảy liên tục. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới vẫn có đau thương mất mát xảy ra. Đại úy Vũ Quang Chương quấn cờ Tổ quốc quanh mình trước khi ngã vào lòng biển mẹ. Đảng viên trẻ – trung úy Trần Văn Phương trước khi hi sinh ngoài đảo đá Gạc Ma đã hô lớn: “Hãy để máu của đồng đội tô thắm lá cờ Tổ quốc, tô thắm truyền thống của quân chủng Hải quân anh hùng”…

Các anh, các chị đã hi sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của dân tộc. Máu đào của các đảng viên đổ xuống chiến trường, dòng sông, cây cầu, cửa bể cho Tổ quốc trường sinh. Tên các anh, chị tạc vào lịch sử được dân tộc tri ân, cả nước ghi ơn, để mỗi độ xuân về, các anh, chị được các thế hệ người Việt đời đời nhắc nhớ.

Có Đảng đời ta trong sáng hơn

Những tờ lịch cuối cùng của Xuân Nhâm Dần đã lùi vào dĩ vãng. Xuân Quý Mão đã tràn về trên khắp nẻo đường, góc phố, làng quê. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan vững bước đón chào xuân mới. Mùa xuân của triệu niềm tin phấn khởi. Cả dân tộc vượt qua thách thức, chiến thắng đại dịch Covid-19, bước lên “nấc thang” của sự “phát triển ổn định về chính trị, quốc phòng an ninh vững chắc, dân an vui, quốc thái yên bình, nước Việt uy danh trên trường quốc tế”.

Trong niềm vui xuân mới cùng với 5,3 triệu đảng viên trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, hơn 2 ngàn đảng viên thuộc Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro không chỉ tự hào mang trong mình trái tim và tình yêu sắc son với Đảng quang vinh; mà còn kiêu hãnh vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tập thể lao động quốc tế xuất sắc trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Đi trên con đường thênh thang dưới hàng cây cổ thụ rợp bóng mát hay lênh đênh trên những con tàu vượt trùng dương tìm dầu ngoài thềm lục địa. Hăng say lao động trên các công trình biển, hay trong các xí nghiệp đơn vị, cán bộ đảng viên Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đều cảm nhận được niềm vui rạo rực, trách nhiệm lớn lao giữa biển trời của mùa xuân mới.

Nhìn lại 93 năm qua, hơn 2 ngàn đảng viên thuộc Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro kiêu hãnh tự hào về dân tộc ta – một dân tộc văn hiến và anh hùng; tự hào về Đảng ta – Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Chúng ta tuyệt đối tin tưởng và tự nguyện đứng dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng chiến đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi lãnh đạo nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của phát triển đất nước toàn diện trong thời kỳ hội nhập sâu nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới công nghệ 4.0.

Có Đảng đời ta trong sáng hơn.

Tự hào 93 mùa xuân đời ta có Đảng.

Mai Thắng