03/12/2021 8:20:58

Tự hào 60 năm Ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước: Những trang sử đầu tiên của nền Công nghiệp khí Việt Nam

Dòng dầu trong đá móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ từ ngày được tìm thấy trong lòng biển sâu đã và vẫn đang viết tiếp câu chuyện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam. Câu chuyện sau đây cũng được viết tiếp từ Bạch Hổ, hay từ hiệp định bổ sung được ký vào tháng 7/1991 của Liên doanh Vietsovpetro. Đó là câu chuyện về sự hình thành của nền công nghiệp khí Việt Nam – một trong 5 lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí.

Việc phát hiện dầu với trữ lượng lớn và nhịp độ khai thác cao tại Bạch Hổ đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc thay đổi quan điểm tổ chức phát triển và khai thác mỏ được hai Chính phủ Việt Nam – Liên Xô (cũ) nay là Liên bang Nga phê duyệt trong thiết kế tổng thể khi thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Theo thiết kế ban đầu, dầu khai thác sẽ được thu gom và chuyển bằng đường ống đưa về khu xử lý trung tâm trên bờ đặt tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau đó dầu sau xử lý sẽ tiếp tục được chuyển bằng đường ống lên Thành Tuy Hạ dự kiến sẽ xây nhà máy lọc dầu 3 triệu tấn/năm.

Tốc độ phát triển mỏ Bạch Hổ với sản lượng gia tăng nhanh, nhưng địa điểm nhà máy lọc dầu chưa được duyệt cho thấy phương án chuyển dầu bằng đường ống vào bờ không hiệu quả, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác dầu và không hiện thực với đặc điểm dầu Bạch Hổ có hàm lượng parafin lớn và nhiệt độ đông cao, vì thế phải chuyển sang phương án thu gom và xuất bán dầu trực tiếp ngoài biển qua các tàu chứa UBN (FSO).

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 của Bộ Chính trị đã sớm khẳng định: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

Văn kiện Hiệp định liên Chính phủ sửa đổi được ký kết tháng 7/1991 cũng đã nhất trí: Khí đồng hành do Vietsovpetro khai thác, tách ra từ dầu thô tại mỏ, ngoài việc sử dụng cho nhu cầu cung cấp năng lượng tại chỗ thì sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam toàn quyền sử dụng.

Vấn đề phát sinh rất khẩn cấp là phải xử lý như thế nào với lượng khí đồng hành tăng nhanh cùng với sản lượng dầu hằng năm? Trong tổng thiết kế ban đầu chỉ đặt giải pháp đốt trực tiếp ngoài biển trên các giàn khai thác MSP. Với hàm lượng khoảng 180 m3 khí hòa tan trong 1 m3 dầu, khi sản lượng dầu thô tăng lên, lượng khí đốt bỏ ngày càng lớn, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, sức nóng từ ngọn đuốc phả hầm hập vào CTP-2 khi mùa gió chướng, gây mất an toàn cháy nổ rất cao, nhất là những lúc gió đổi chiều bất chợt. Đến năm 1995, dự kiến lượng khí đồng hành sẽ đạt gần 1 triệu m3/năm, có nghĩa trên fakel giàn công nghệ trung tâm CTP-2 phải đốt mỗi ngày gần 250 nghìn m3 khí.

Lời giải cho bài toán đưa khí vào bờ

Tháng 12/1991, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm Vũng Tàu và làm việc với Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và chính chuyến thăm này đã tạo động lực cho Ban lãnh đạo và tập thể người lao động Vietsovpetro ngày ấy. Trong cuộc gặp mặt, TS. Ngô Thường San đã báo cáo với Thủ tướng về việc thu gom khí đồng hành để đưa về bờ. Nhắc lại với chúng tôi, ông vẫn bồi hồi như thể câu chuyện mới hôm qua:

Thủ tướng hỏi tôi: Khó khăn là gì?

Tôi báo cáo về tính bất khả thi, phi kinh tế của đề án chuyển dầu vào bờ, xin bỏ phương án chuyển dầu vào bờ, bỏ khu xử lý dầu thô ở Tân Thành và nhanh chóng giải quyết vấn đề hộ tiêu thụ.

Đồng chí yêu cầu Vietsovpetro tăng vượt mức sản lượng dầu năm 1992 – 1 triệu tấn để có thêm kinh phí cho đường dây 500 KV.

Thủ tướng lại hỏi: Vậy, đồng chí cần gì ở tôi?

Tôi trả lời: Lòng tin”.

Ngay sau buổi làm việc đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được giao làm lại “Thiết kế công nghệ khai thác mỏ Bạch Hổ – thiết kế 1992”, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thu gom khí đồng hành và đưa vào bờ”, sớm trình Bộ Công nghiệp và Chính phủ. Luận chứng là được giao cho Viện NIPI thực hiện, là cơ sở dữ liệu quan trọng để thiết kế đường ống vận chuyển khí Bạch Hổ – Thủ Đức sau này. Thủ tướng cũng đã quyết định EVN trước mắt chuyển cụm tuabin khí – dầu hỗn hợp 350 MW từ Thủ Đức về Bà Rịa và đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện Phú Mỹ 2 và 3.

Có thể nói rằng, đó cũng là bước ngoặt mới của ngành điện lực Việt Nam, khi chính thức đặt dấu mốc trong lĩnh vực điện khí.

Trên công trình đón dòng khí đầu tiên về bờ hơn 20 năm trước

Trên công trình đón dòng khí đầu tiên về bờ hơn 20 năm trước. (Ảnh tư liệu)

Ngày 7/1/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã phê duyệt Luận chứng kinh tế – kỹ thuật “Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ – Thủ Đức”. Lần đầu tiên, các khái niệm như “thiết kế tổng thể FEED” với các tiêu chuẩn phương Tây được sử dụng trong ngành xây dựng. Nền công nghiệp khí Việt Nam, mà khởi đầu là những dấu chân của người lao động Dầu khí, đã tạo nên một huyền thoại khác sau câu chuyện tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ, đó là nghiên cứu thành công vận chuyển hỗn hợp dầu khí cao áp và sử dụng nguồn năng lượng vỉa của giếng dầu để thu gom và vận chuyển khí vào bờ.

Ông Nguyễn Hiệp – nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nhớ lại: “Trong khi chúng ta chưa có máy nén khí để đẩy khí vào bờ thì anh em Vietsovpetro đã có sáng kiến là sử dụng chính áp lực của các vỉa dầu để đẩy khí vào bờ. Sau khi kí hợp đồng xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí với công ty Huyndai thì sáng kiến đó lập tức được triển khai. Quá trình thực hiện phải nói là khó khăn, trầy trật lắm, nhưng cuối cùng thì cũng đạt được yêu cầu bằng chính sáng kiến đó của anh em Vietsovpetro. 1 triệu mét khối khí được đưa vào bờ mà không cần máy nén, chỉ sử dụng áp lực của vỉa dầu”.

Theo tính toán của các chuyên gia Viện NIPI, tuy mỏ Bạch Hổ cách xa bờ hơn 120km, nhưng khí đồng hành trong dầu ở những vỉa năng lượng cao (đặc biệt là từ tầng móng) khi tách ra sau bình cao áp có áp suất khoảng 50barg, có thể thu gom và vận chuyển về bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp, chưa cần hệ bơm cao áp hỗ trợ. Sáng tạo của Vietsovpetro là cải tạo giàn MSP-2, bổ sung thêm các modules và hệ thống làm nguội khí để tách phần lỏng condensat thô trước khi đưa vào đường ống, xây dựng lý thuyết tận dụng áp suất đầu giếng để duy trì áp suất trong đường ống tránh tách C3, C4 ở dạng lỏng để đưa vào Nhà máy Điện Bà Rịa ở dạng khí khô, tuy với nhiệt lượng cao, với lưu lượng gần 1 triệu m3 ngày đêm. Công trình đã được thực hiện đúng hạn.

Cũng chính giải pháp này đã mở ra kỷ nguyên sử dụng khí đồng hành làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón Dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995. (Ảnh tư liệu)

Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa, cung cấp khí cho Nhà máy điện Bà Rịa. Nhà máy điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14 giờ ngày 26/4/1995. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức chiều ngày 1/5/1995 tại Bà Rịa.

Tình hình năng lượng của Việt Nam những năm tháng đó không ổn định, chúng ta thiếu khí đốt và chưa hề có một nhà máy, cơ sở công nghiệp lớn nào sử dụng khí mà chỉ nhập khí hóa lỏng về để bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ. Đó cũng là bối cảnh ra đời của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố – trái tim của nền công nghiệp khí Việt Nam khi ấy.

Ông Đỗ Khang Ninh – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam, nhớ lại: “Thời gian xây dựng nhà máy cũng rất thần tốc. Có thể nói chưa có nhà máy nào được xây dựng nhanh như vậy. Tổng thời gian từ khi khởi công cho đến khi hoàn thiện toàn bộ nhà máy chỉ trong 18 tháng. Tiến độ gấp như vậy, nhưng chất lượng nhà máy phải nói là rất ổn. Từ ngày vận hành đến nay đã hơn 22 năm, và đời dự án cũng 25 năm thôi, nhưng tất cả các thiết bị của nhà máy cho đến nay hầu như vẫn chạy tốt, chưa ghi nhận trường hợp xảy ra sự cố lớn nào…”.

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố được thành lập tháng 8/1998, trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), là nhà máy xử lý khí đầu tiên của Việt Nam ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới, tạo ra các sản phẩm từ khí lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam như: condensate, LPG, khí khô, đem lại giá trị kinh tế cao. Dinh Cố chính là tiền đề cho sự phát triển thị trường khí ở Đông Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố – Trái tim của đề án khí Bạch Hổ – Phú Mỹ

Trang mới của ngành công nghiệp khí

Hành trình tiếp theo của nền công nghiệp khí Việt Nam là khi ngành Dầu khí tìm ra những mỏ khí thiên nhiên, chính thức sang trang mới cho công cuộc đưa khí vào bờ.

Cụm các mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ thuộc Lô 06 thềm lục địa Việt Nam, nằm cách thành phố Vũng Tàu khoảng 360 km về phía Đông Nam, được Tổ hợp nhà thầu hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) gồm Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), STATOIL (Na Uy) và ONGC (Ấn Độ) phát hiện năm 1993. Đến cuối năm 1994 kết thúc thời kỳ tìm kiếm – thăm dò, Nhà thầu đã tuyên bố phát hiện thương mại cụm mỏ khí này và được giữ lại phần diện tích phát triển mỏ với tên mới là Lô 06-1. Tháng 10/1995, Hội đồng Trữ lượng của Tổng Công ty Dầu khí – nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phê duyệt trữ lượng khí thiên nhiên và khí ngưng tụ (condensate) của cụm mỏ Lan Tây – Lan Đỏ và Nhà thầu cũng đã tiến hành khảo sát đáy biển chuẩn bị thiết kế đường ống dẫn khí vào bờ, cũng như tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế phát triển cụm mỏ này.

Người lao động làm việc tại Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn

Đường ống khí Nam Côn Sơn.

Tuy nhiên, trước nhiều vấn đề mới được đặt ra, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Petrovietnam phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Khí – Điện – Đạm (do Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Trưởng ban) và các Bộ ngành liên quan đàm phán lại với các đối tác nước ngoài. Sau nhiều vòng đàm phán 3 bên gồm Nhà thầu Lô 06-1, Petrovietnam, EVN và sự tham gia thẩm định, đánh giá của các Bộ, ngành về giá khí, cước phí vận chuyển, cũng như công thức giá khí trượt theo tỷ lệ tăng 2%/năm, các bên đã thống nhất trong Biên bản ghi nhớ (MOU) ký ngày 29/4/1999.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và tiếp tục là Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, các vòng đàm phán đã kết thúc tốt đẹp và tất cả các hợp đồng/thỏa thuận liên quan tới dự án này đã được ký kết tại Nhà khách Chính phủ, 12 phố Lê Thạch, TP Hà Nội vào các ngày 15/12/2000, 12/2/2001 và 26/2/2001; trở thành tiền đề quan trọng trong việc phát triển cụm mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ và xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Người lao động làm việc tại Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn

Người lao động làm việc tại Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn.

Câu chuyện về những lần đàm phán, những bước chuẩn bị, những cuộc họp kéo dài để có thể đưa dự án khí Nam Côn Sơn vào vận hành, có lẽ là những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời mỗi thành viên tham gia ngày ấy. Chẳng có vinh quang nào đến được dễ dàng… Biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của người Dầu khí đã đổ, để hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1 và 2 ngày nay cung cấp gần 8 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện ở Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Dầu khí – nguồn tài nguyên hóa thạch rồi cũng sẽ đến lúc tận thu, nhưng tiềm năng khí đốt sẽ là mệnh đề tiếp theo, trước khi những nguồn năng lượng tái tạo hay năng lượng hydrocacbon được đưa vào khai thác. Tài nguyên khí từ cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh hay những mỏ mới được phát hiện như Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu… với tiềm năng khí dồi dào đã và đang củng cố sự vững mạnh của nền công nghiệp khí Việt Nam.

T.L t/h

(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)