Trải qua một quá trình hình thành và phát triển, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không ngừng, những người thợ cơ khí chế tạo của ngành Dầu khí đã từng bước làm chủ công nghệ, liên tục sáng tạo không ngừng để làm nên sự phát triển vượt bậc.
Không phải người Việt Nam nào cũng từng có cơ hội được thăm hoặc làm việc tại các giàn khoan, giàn khai thác dầu khí trên biển Đông. Khoảng cách địa lý và vị thế của những ngành nghề khác nhau khiến chúng ta ít có cơ hội đặt mình vào vị trí của ngành nghề khác để thấu hiểu và sẻ chia. Ý niệm ấy đúng với chính ngành Dầu khí – ngành kinh tế chủ lực của đất nước.
Cách đây hơn 30 năm, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Đến nay, ngành Dầu khí đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm cơ khí dầu khí còn được xuất khẩu ra thế giới, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Trải qua một quá trình hình thành và phát triển, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không ngừng, ngành cơ khí chế tạo dầu khí đã từng bước làm chủ công nghệ, liên tục sáng tạo không ngừng để làm nên sự phát triển vượt bậc.
Dấu mốc đánh dấu cho sự phát triển này của ngành cơ khí chế tạo dầu khí là việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng có độ sâu trên 90m nước Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05. Các giàn khoan này từ khi được đưa vào hoạt động đều vận hành ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả rất lớn cho Vietsovpetro.
Giàn Tam Đảo 03 |
Ông Phan Tử Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện Dự án Tam Đảo 3 thì có 3 khó khăn lớn. Khó khăn đầu tiên mang tính kĩ thuật, là dự án chế tạo giàn khoan như vậy chưa từng được làm tại Việt Nam trước thời điểm đó. Khó khăn thứ hai là cái tên PV Shipyard còn rất mới, rất trẻ. Chúng tôi thành lập năm 2007 và năm 2009 nhận nhiệm vụ; trong khi chúng tôi chưa đủ nhân lực, vật lực để thực hiện một dự án lớn đến như vậy. Và khó khăn cuối cùng, cũng là khó khăn lớn nhất, đó là lòng tin. Gần như hầu hết mọi người đều không tin rằng chúng tôi có thể thực hiện dự án này…”
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư và PV Shipyard là đơn vị thành viên của Tập đoàn làm tổng thầu EPC. Giàn khoan tự nâng 90m nước, với trọng lượng lên tới gần 12 ngàn tấn, chiều dài chân là 145m; hoạt động ở độ sâu tới 90m nước và chiều sâu khoan đến 6,1 km; có thể chịu đựng được sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12 và chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Giàn Tam Đảo 03 là giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên ở Việt Nam đã được PV Shipyard hoàn thiện trước thời hạn 2 tháng, được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, và được Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đưa vào sử dụng, khai thác ổn định, hiệu quả từ tháng 6/2012 đến nay.
Tiếp nối thành công của giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, PV Shipyard tiếp tục làm tổng thầu chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 cho chủ đầu tư Vietsovpetro.
Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD, được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m. Giàn Tam Đảo 05 được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão cực hạn trên cấp 12. Giàn được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Hoa Kỳ).
Trên công trường chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 – Hình tư liệu |
Với khối thép khổng lồ nặng xấp xỉ 13.699 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, điện tự động, kiến trúc nội thất, có thể nói Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 lớn nhất từ trước đến nay (nặng gấp 1,5 lần so với giàn khoan Tam Đảo 03) đã được chế tạo thành công để bàn giao cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Dự án Tam Đảo 03 đánh dấu mốc son đầu tiên của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam khi đội ngũ người Việt đã tự lực thực hiện thành công trọn gói một dự án giàn khoan tại Việt Nam. Và Dự án Tam Đảo 5, một trong những mẫu giàn khoan tự nâng lớn nhất hiện nay trên thế giới cũng trở thành một mốc son quan trọng, đánh dấu thời kỳ đội ngũ cơ khí dầu khí Việt Nam đạt đến trình độ thi công chế tạo các công trình dầu khí ngoài khơi tiệm cận với khu vực và thế giới” – ông Phan Tử Giang nhận định.
Việc chế tạo thành công Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đã ghi tên Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia chế tạo thành công giàn khoan hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời khẳng định thương hiệu của dịch vụ cơ khí chế tạo của ngành Dầu khí khi thay thế cho việc nhập khẩu những giàn khoan nước sâu từ nước ngoài. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 35%.
Từ thành công của Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05, Công trình khoa học “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học – Công nghệ.
Bên cạnh đó, khi nói về lĩnh vực cơ khí chế tạo của ngành Dầu khí, chúng ta không thể không nhắc đến thành công của dự án Biển Đông 01 – kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam – như là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí nói chung và lĩnh vực cơ khí dầu khí nói riêng. Biển Đông 01 được xem là dự án phức tạp nhất của ngành Dầu khí về mọi mặt: Tiến độ, công nghệ và quy mô.
Dự án Biển Đông 01. |
Giàn xử lý trung tâm Dự án Biển Đông 01 là một trong những công trình để đời của PTSC, là mốc son trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị. PTSC khi đó với số lượng cán bộ kĩ thuật, thiết kế chưa đủ để tự mình thực hiện, nhưng với quyết tâm chinh phục dự án, chúng tôi đã khẳng định được tinh thần nội lực, phát huy và khai thác tối đa cơ sở vật chất để từng bước mở ra thị trường khu vực, thị trường nước ngoài” – ông Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV Petrovietnam, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chia sẻ.
Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới có thể thực hiện được. Việc chế tạo, lắp ráp thành công công trình giàn khai thác dầu khí cho Dự án Biển Đông 01 trước thời hạn đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngành cơ khí dầu khí Việt Nam, góp phần quan trọng vào công nghiệp khai thác chế biến dầu khí, cung cấp nguồn năng lượng cho đất nước và khẳng định, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Kể về quá trình thực hiện dự án Biển Đông 01, ông Đồng Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) khẳng định: “Có thể nói việc thi công hoàn thành dự án Biển Đông 01 là bước ngoặt của ngành chế tạo cơ khí dầu khí nói chung và PTSC M&C nói riêng. Trước đó, chúng tôi chỉ tham gia các dự án nhỏ, nhưng với dự án này, khối lượng thi công tổng thể giàn Hải Thạch 1 và Mộc Tinh 1 lên tới 50 nghìn tấn kết cấu, giá trị trên dưới 800 triệu đô. Đây là điểm nhấn để thế giới và khu vực nhìn vào và thấy rằng, đã có thêm một nhà thầu có thể triển khai dự án lớn như thế. Điều đó đã đưa PTSC M&C lên một tầm cao tương xứng các nhà thầu trong khu vực và thế giới; không những mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, giữ lại khoản ngoại tệ lớn cho đất nước”.
Niềm tự hào tiếp theo của ngành cơ khí chế tạo Dầu khí, chính là phần chân đế và khối thượng tầng giàn khai thác mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt.
Hạ thủy giàn Sao Vàng – CPP |
Công trình chế tạo giàn xử lý trung tâm Sao Vàng là một phần của Dự án Phát triển mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, do Công ty Idemitsu Kosan là chủ đầu tư, thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2.
Mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt nằm ở khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110 – 130m. Vào tháng 11/2020, PV GAS đã phối hợp tổ chức lễ đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng, thuộc Dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.
Về dự án này, ông Lê Mạnh Cường – Tổng Giám đốc PTSC, cho biết: “PTSC đã chế tạo, hạ thuỷ, vận chuyển, lắp đặt và đưa vào hoạt động thành công nhiều giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng. Giàn Sao Vàng có kích cỡ lớn hơn Dự án Biển Đông 01, trở thành giàn công nghệ trung tâm lớn nhất được chế tạo tại Việt Nam, do người Việt Nam chế tạo, lắp đặt. Việc phát triển mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, các giàn công nghệ trung tâm, đường ống, thiết kế lắp đặt ngoài biển đều do PTSC thực hiện”.
Trong phần khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển tại Nghị quyết số 36 – NQ/TW về chiến lược phát triển biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ: “Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược”.
Để cụ thể hoá chủ trương trên của Đảng và Chính phủ, trong những năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã từng bước đi ra những vùng biển sâu hơn, xa hơn để tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc.
Những công trình cơ khí chế tạo của ngành dầu khí kể trên, tin rằng đó đều là những cái tên xứng đáng để bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể tự hào và tin tưởng vào con đường mà chúng ta đang tiến bước!
L.A (t/h)
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)