Từ khi thành lập vào ngày 3/9/1975 đến nay, tên gọi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nhiều thay đổi như chính những biến động, thăng trầm không ngừng của ngành Dầu khí suốt 45 năm qua. Nhưng trong đó, chữ “Petrovietnam” là xuyên suốt như một sự khẳng định quyết tâm, bản lĩnh, ý chí của người Dầu khí là luôn nhất quán…
PV: Thưa ông, nhìn lại lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cảm xúc của ông như thế nào?
TS. Ngô Thường San: Là người Dầu khí, người của Petrovietnam, ai cũng tự hào về ngành của mình, nhất là khi nhìn lại lịch sử phát triển 45 năm. Bởi 45 năm đó, PVN trải qua biết bao thử thách, khó khăn, những cam go tưởng chừng không vượt qua được, đặc biệt là những khủng hoảng niềm tin ở các cấp độ khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau…
Nhưng cuối cùng, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng với bản lĩnh, trí tuệ và sự quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, gian khổ của người Dầu khí, chúng ta đã vượt qua được tất cả và đi đến thành công. Chúng ta đã xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí tương đối hoàn chỉnh từ con số 0.
TS. Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam |
PV: Ngoài những biến động, thăng trầm thì lịch sử phát triển 45 năm qua của PVN cũng có rất nhiều vinh quang và đầy tự hào. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những điều mà ông ấn tượng sâu sắc nhất?
TS. Ngô Thường San: Ngày 3/9/1975, tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ta đã được manh nha trước đó. Miền Bắc giai đoạn trước 1975 thiếu ăn, đói kém, tất cả nguồn lực đều dồn cho giải phóng miền Nam. Nhưng ngay trong thời kỳ đạn bom như thế, ở giữa đồng bằng Bắc Bộ, người Dầu khí vẫn hăng say làm việc, khoan tìm kiếm dầu với mục tiêu nhanh chóng tìm dầu để xây dựng, phát triển đất nước. Họ không mong đợi điều gì to lớn cho mình. Phải nói rằng, đó là sự hy sinh, cống hiến không vụ lợi. Sau này, khi vào thời hoàng kim của ngành Dầu khí thì thế hệ người Dầu khí khi đó đã là cán bộ về hưu, cuộc sống gặp không ít khó khăn.
Tháng 3/1975, chúng ta phát hiện mỏ khí đầu tiên ở miền Bắc, đó là mỏ Tiền Hải. Tuy chỉ là mỏ nhỏ, trữ lượng không lớn nhưng đó là cả một niềm vui và an ủi thời bấy giờ.
Ngày 3/9/1975, sau khi nhận định về tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam, Bộ Chính trị quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam với mong muốn ngành Dầu khí sẽ có những đóng góp, là trụ cột để xây dựng nền kinh tế đất nước. Đó là niềm tin lớn thôi thúc những người Dầu khí vươn lên tìm dầu.
Khu vực mỏ khí Tiền Hải “C” và Giếng khoan 61 là nơi khởi nguồn của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam. |
Sau 3-4 năm, kết quả tìm dầu không như mong đợi. Rồi chiến tranh biên giới xảy ra, cộng với cấm vận của Mỹ làm kiệt quệ nền kinh tế nước ta. Trong hoàn cảnh đó, các công ty dầu khí tư bản cũng rút khỏi nước ta với khẳng định tiềm năng dầu khí Việt Nam không như mong đợi. Phải nói rằng đó là một sự hụt hẫng rất lớn đối với người Dầu khí khi đó. Và một cuộc khủng hoàng niềm tin đối với ngành Dầu khí đã xảy ra ngay sau đó.
Trước tình hình đó, lòng tin của lãnh đạo Đảng đối với ngành Dầu khí và bản thân người Dầu khí tin tưởng rằng Việt Nam có dầu. Bộ Chính trị đã có một chủ trương đúng đắn lúc đó là hợp tác với Nga và thành lập Liên doanh Vietsovpetro vào năm 1981.
Năm 1986, chúng ta bắt đầu tổ chức khai thác được dầu ở thềm lục địa, đưa Việt Nam vào danh sách những nước khai thác và xuất khẩu dầu trên thế giới. Mặc dù sản lượng khi đó không lớn, nhưng đó là niềm hy vọng lớn cho đất nước với sự thành công từ bản lĩnh của người Dầu khí và thành công từ sự hợp tác với Nga.
Phát hiện dầu khí năm 1986 là niềm vui, nhưng không được trọn vẹn bởi tầng dầu mà chúng ta tổ chức khai thác không lớn như mong đợi. Sau đó tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng niềm tin là đất nước ta không có dầu. Ngành Dầu khí bị co cụm lại do điều chỉnh biên chế. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, đời sống người Dầu khí.
Thế nhưng, khủng hoảng đó không thể nào vượt lên niềm tin và quyết tâm tìm ra dầu của người Dầu khí. Chúng ta tiếp tục bắt tay vào những tìm kiếm mới.
Tháng 9/1988, chúng ta có một thành công tương đối lớn đó là phát hiện dầu trong tầng đá móng. Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nó xảy ra rất kịp thời khi đất nước cần đổi mới nền kinh tế. Và việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng đã góp phần làm khởi sắc cho nền kinh tế lúc đó, đồng thời cũng là khởi sắc cho ngành Dầu khí việt nam.
Giàn MSP-1 khai thác tấn dầu đầu tiên trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, năm 1988 |
Sau đó, chúng ta bắt đầu phát triển mạnh ngành Dầu khí. Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã xây dựng được tương đối hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu thô, đặc biệt là xây dựng cơ sở hậu cần logistic để phát triển dầu khí ngoài biển. Đó là thành công tương đối lớn trong giai đoạn này. Đến năm 1995, một thành công nữa là chúng ta phát triển được ngành công nghiệp khí, thu gom và đưa khí đồng hành mỏ Bạch Hổ vào bờ thành công.
Sau đó, chúng ta muốn phát triển hoàn chỉnh từ khâu đầu, giữa cho đến khâu lọc dầu. Có thể nói đây là khâu tương đối dai dẳng, bởi một mặt chúng ta chưa có kinh nghiệm, một mặt do hợp tác lúc đó thay đổi liên tục gây khó khăn.
Nhưng rồi đứng trước quyết tâm của Bộ Chính trị và đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó, công trình lọc hóa dầu đầu tiên được hình thành. Đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án này xuất hiện những khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến tâm tư của người Dầu khí. Đó là đánh giá của dư luận chưa đúng khi băn khoăn có nên đầu tư nhà máy lọc dầu hay không? Có hiệu quả không?…
Và kết quả là sau 10 năm hoạt động (2009-2019), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã mang lại doanh thu trên 40 tỷ USD, đóng góp ngân sách nhà nước 7 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với đầu tư ban đầu. Để đạt được những hiệu quả đó, người dầu khí phải vượt qua những khó khăn, vượt qua những đánh giá chưa chuẩn, thiếu niềm tin của một bộ phận trong xã hội. Họ thầm lặng làm việc, cải tiến để mang lại hiệu quả tốt nhất cho nhà máy.
Nói như vậy để thấy rằng, lịch sử phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau 45 năm không phải lúc nào cũng thẳng tiến mà có những bước thăng trầm, khó khăn, thách thức, có khủng hoảng niềm tin ở cấp độ khác nhau. Nhưng với niềm tin tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với sự phấn đấu, bản lĩnh và quyết tâm của người Dầu khí, luôn luôn kiên định với tương lai ngành Dầu khí nên chúng ta đã phấn đấu và đạt được những kết quả rất đáng tự hào…
NMLD Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam |
PV: Ông đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức và cả cơ hội của PVN trong thời gian tới?
TS. Ngô Thường San: Kể từ sau 2014 đến giờ, ngành Dầu khí đương đầu với khó khăn rất lớn. Giai đoạn 2006-2014 được xem là thời hoàng kim của ngành Dầu khí do giá dầu lên cao, kinh tế phát triển nhanh kéo theo đòi hỏi ngành Dầu khí phải đầu tư xây dựng, mở rộng thị trường, ngành nghề. Nhưng đòi hỏi của sự phát triển đó trong lúc ngành Dầu khí chưa đủ năng lực để đáp ứng nên khiến xảy ra một loạt các sự cố trong công tác quản lý. Rồi giá dầu giảm, ngành Dầu khí thu hẹp lại các hoạt động từ xây dựng, xây lắp, nhất là lĩnh vực dịch vụ dầu khí – nơi đông người lao động nhất. Điều này khiến nhiều đơn vị và người Dầu khí trở nên khó khăn…
Nhưng đó không phải là khó khăn quá lớn bởi cơ chế có thể được giải quyết trong sớm hay muộn, yếu kém quản lý chúng ta có thể sửa đổi. Quan trọng nhất đó là lòng tin. Lòng tin của lãnh đạo đối với ngành Dầu khí, lòng tin đến tương lai, về khả năng vượt khó khăn để đi lên của ngành Dầu khí…
Tôi cho rằng, ngành Dầu khí có vượt qua được những khó khăn này hay không phụ thuộc vào bản lĩnh không những của người lãnh đạo, mà là của tập thể người Dầu khí nói chung. Và quan trọng là chúng ta phải tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn. Đây là vấn đề quan trọng mà lãnh đạo các cấp ngành Dầu khí cần mổ xẻ tìm hiểu, để phục vụ và định hướng được cho sự phát triển của ngành Dầu khí những năm tới, để dầu khí luôn giữ vững thành tựu, vai trò trụ cột nền kinh tế đất nước.
Tôi luôn tin tưởng về tương lai phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam là tất yếu. Đây không phải nói suông mà có những những cơ sở rõ ràng để tin như vậy. Thứ nhất là tiềm năng dầu khí còn nhiều. Thời gian qua, mặc dù trữ lượng tại các mỏ lớn bắt đầu cạn dần sau 20-30 năm khai thác, mỏ lớn về dầu chưa phát hiện được, nhưng chúng ta tìm ra được các mỏ nhỏ. Tiềm năng khí thì vô cùng lớn, chúng ta có mỏ Lô B, Lan Tây, Lan Đỏ, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Cá Voi Xanh, và gần đây là phát hiện mỏ Kèn Bầu có trữ lượng rất lớn…
Như vậy, tiềm năng dầu khí vẫn còn và còn rất nhiều để đảm bảo không chỉ cho an ninh năng lượng mà cho công nghiệp chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải khai thác và sử dụng tài nguyên làm sao hợp lý, hiệu quả, nhất là trong giai đoạn giá dầu suy giảm như hiện nay.
Rồi chúng ta có thế hệ người Dầu khí đầy bản lĩnh, sáng tạo, đoàn kết và quyết tâm. Vấn đề làm sao khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực đó. Và bên cạnh đó rất cần có cơ chế, chính sách cùng sự quan tâm hỗ trợ lớn hơn nữa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để góp phần chăm bón nguồn lực dầu khí ấy lớn mạnh hơn.
Lễ chào cờ tại giàn khoan trên Biển Đông |
PV: Sau 45 năm, hình ảnh, văn hóa người lao động PVN mà ông ấn tượng nhất là gì, thưa ông?
TS. Ngô Thường San: Có thể nói, hình ảnh, văn hóa đặc trưng của người Dầu khí được khắc họa rõ nét sau 45 năm qua chính là kiên quyết không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn mà luôn bản lĩnh, sáng tạo để vượt qua. Lịch sử đã chứng minh rõ điều này. Như chúng ta trải qua rất nhiều khó khăn mới tìm thấy dầu, nhất là phát hiện dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ. Rồi ngay cả khi chúng ta tìm thấy có dầu, nhưng khai thác thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề rất lớn cần phải sáng tạo. Kết quả là chúng ta đã xây dựng được hệ phương pháp luận khai thác dầu trong móng sau đó.
Từ khi thành lập vào ngày 3/9/1975 đến nay, tên gọi của PVN có nhiều thay đổi như chính những biến động, thăng trầm không ngừng suốt 45 năm qua. Nhưng trong đó, chữ “Petrovietnam” là xuyên suốt như một sự khẳng định quyết tâm, bản lĩnh, ý chí của người Dầu khí là luôn nhất quán.
PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
“Hình ảnh, văn hóa đặc trưng của người Dầu khí được khắc họa rõ nét sau 45 năm qua chính là kiên quyết không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn mà luôn bản lĩnh, sáng tạo để vượt qua. Lịch sử đã chứng minh rõ điều này”.
“Tiềm năng dầu khí vẫn còn và còn rất nhiều để đảm bảo không chỉ cho an ninh năng lượng mà cho công nghiệp chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải khai thác và sử dụng tài nguyên làm sao hợp lý, hiệu quả, nhất là trong giai đoạn giá dầu suy giảm như hiện nay”.
Lê Trúc (thực hiện)