24/08/2018 2:36:54

Trí tuệ & trái tim nồng nàn

Khi bạn có tình yêu tha thiết, dấn thân, đam mê với công việc của mình, khi đó kiến thức và trí tuệ sẽ được soi sáng bởi trái tim nồng nàn… Kỹ sư DCS/ESD Nguyễn Hữu Tùng (SN 1979), Xưởng Đo lường – Tự động hóa Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một người cũng có trái tim nồng nàn như thế.

Tôi gặp Tùng khi anh vừa ra Hà Nội nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần III trở về nhà máy. Giải thưởng là một vinh dự và hạnh phúc rất lớn đối với bản thân anh, bởi đây là một giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giá trị và tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao tay nghề. Đây cũng là hai mảng đam mê của anh.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng (giữa) nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần III, 2018. Ảnh: Hiền Anh

Từ năm 2013 đến 2017, anh Tùng đã có 18 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và 3 đề tài nghiên cứu khoa học. Chia trung bình mỗi năm anh cho ra đời 4 sáng kiến, những sáng kiến đã được công nhận và áp dụng thực tế, còn dạng ý tưởng thì nhiều hơn thế. Có những đề tài, sáng kiến có giá trị cao, làm lợi cho nhà máy hàng chục tỉ đồng.

Cơ duyên nào mà anh Tùng dồi dào năng lượng cho những sáng kiến đến thế?

Đầu tiên là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn công việc hằng ngày, bởi qua quá trình vận hành, nhà máy phát sinh những vấn đề cần phải sửa chữa, nâng cấp để phù hợp với điều kiện sản xuất. Nhưng quan trọng hơn hết, anh Tùng dành tình yêu trọn vẹn cho công việc, với nơi mà mình đang gắn bó – Nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo. Nên công việc dẫu đã tốt rồi, anh Tùng hằng ngày vẫn dấn thân vào nghiên cứu để nâng cấp nó tốt hơn nữa, bất kỳ một vướng mắc hay trục trặc nhỏ nào cũng đều khiến anh trăn trở, nghĩ suy…

Một phần đó là vì quan điểm làm việc của anh, ngoài sự nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc thì cần phải thường xuyên trau dồi, nâng cao kỹ năng tay nghề. Nhà máy Đạm Phú Mỹ có công nghệ hiện đại, bản thân anh Tùng làm trong môi trường liên quan đến công nghệ tự động hóa nên càng phải cập nhật thường xuyên những kiến thức mới để vận hành an toàn, hiệu quả.

“Trong thời đại công nghiệp 4.0, nếu mình không phát triển hằng ngày mà cứ ì một chỗ thì cũng giống như đứng yên giữa dòng nước ngược, sẽ càng ngày càng tụt lùi phía sau” – anh Nguyễn Hữu Tùng chia sẻ.

Hằng ngày, khi xong việc ở Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Đạm Phú Mỹ, anh Tùng quay sang công việc nghiên cứu của mình. Ở nhà máy không đủ thời gian, anh mang việc về nhà. Có những lúc, anh gần như dành trọn thời gian rảnh của mình để làm việc, ăn ngủ cùng máy tính. Vừa xong việc từ nhà máy về đến nhà, anh lại lao ngay vào phòng làm việc với chiếc máy tính đến tận đêm khuya. Làm việc nhiều như thế nhưng anh không hề thấy mệt mỏi. Thật ra cũng dễ hiểu, bởi khi được làm công việc mình đam mê thì vất vả mấy người ta cũng thấy hạnh phúc!

Thế nhưng khi đó, thời gian dành cho gia đình, vợ con sẽ không nhiều. Rất may, vợ anh cũng là người làm trong ngành Dầu khí, thấu hiểu công việc và sở thích của chồng nên không phàn nàn gì, trái lại, chị còn là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm tập trung vào nghiên cứu. Anh Tùng tâm sự, anh luôn thầm biết ơn sự đồng cảm và chia sẻ của vợ, nên nhiều khi người mà anh báo cáo thành tích đầu tiên là… vợ mình chứ không phải là lãnh đạo nhà máy.

Hôm đi nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cũng vậy, anh dẫn vợ con đi cùng, trước là về thăm họ hàng ở quê, sau là để chị chứng kiến giây phút mà công sức anh bỏ ra được ghi nhận như thế nào. Anh nói vui rằng, “để sau này anh có bỏ thêm nhiều thời gian hơn nữa thì vẫn được vợ ủng hộ”. Nhưng thật ra đó là cách để anh cảm ơn vợ, vì phần thưởng đó một phần là nhờ sự động viên, ủng hộ của chị. Người ta vốn hay nói, “phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” là vậy!

Lại nói về những đề tài, sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Đức Tùng, gần đây có một đề tài mà anh tâm đắc nhất, đó chính là xây dựng hệ thống quản lý sản xuất TMIS.

Chuyện thế này, khi nhà thầu nước ngoài bàn giao hệ thống thì họ khóa bản quyền. Nhưng quá trình vận hành, nâng cấp nhà máy đòi hỏi cần thiết phải điều chỉnh lại cấu hình của hệ thống cho phù hợp, nhưng không thể thực hiện được. Khi đó, hệ thống gần như mất tác dụng, 70% không còn sử dụng được nữa.

Có hai phương án được đưa ra, một là thuê nhà thầu xây dựng lại hệ thống đó; hai là tự CBCNV nhà máy làm ra hệ thống giống như vậy. Với phương án một, rất có thể tình trạng cũ sẽ bị lặp lại. Vì thế lãnh đạo nhà máy khuyến khích áp dụng phương án hai.

Hệ thống này không nằm trong chuyên môn công việc hằng ngày của anh Tùng, nên lúc đó, anh còn khá mơ hồ về nó. Chính vì vậy, khi lãnh đạo giao anh tổ chức thực hiện đề tài này với deadline 1 năm khiến anh vô cùng áp lực. Sau khi tập hợp được nhân lực và dồn hết tâm sức để tìm hiểu về hệ thống, anh cũng dần lần mò ra đường đi. Sau gần 2 năm anh Tùng cùng các cộng sự bỏ nhiều thời gian và công sức thực hiện, hệ thống hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Theo tính toán sơ bộ, giá trị làm lợi của đề tài này khoảng 10 tỉ đồng.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng là người trầm tính, ít nói. Anh thừa nhận điều đó, chỉ có những người thân quen với anh thì mới có thể biết được là thật ra thì anh người “nhiều chuyện” hơn vẻ trầm tĩnh bên ngoài. Bản thân anh cũng khá cầu toàn nên khắt khe. Anh ít giao tiếp với bên ngoài, thay vào đó, anh dành hầu hết thời gian cho việc tìm tòi, đào sâu về mặt kỹ thuật, hay đặt ra nhiều câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời.

Như thế, người ngoài bảo Nguyễn Hữu Tùng là người khô khan cũng phải. Song, thật ra thì với những người hướng nội, đôi khi tâm hồn họ mới thật sự phong phú và bay bổng. Ít giao tiếp bên ngoài không có nghĩa là buồn tẻ, nhàm chán mà cơ bản là vì họ đã tìm thấy niềm vui, yêu đời ngay trong sự tĩnh lặng của tâm hồn mình. Họ không cần chia sẻ với ai hay nương vào sự sôi nổi, náo nhiệt bên ngoài để tạo nên niềm vui cho mình. Thường thì những người hướng nội sẽ có cái nhìn sâu sắc vào mọi vấn đề hơn.

Có lẽ, chính tâm tính đó đã làm nên một Nguyễn Hữu Tùng hôm nay ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Và chính nhờ vào tình yêu nghề, sự dấn thân, đam mê công việc ở nơi mình đang gắn bó mà những đề tài nghiên cứu, những sáng kiến giá trị của anh đã liên tục ra đời. Những sáng kiến đó sẽ còn được nối dài bởi dễ dàng nhận thấy được ngọn lửa đam mê và tình yêu nghề của kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng vẫn đang hừng hực cháy!

Từ năm 2013 đến 2017, kỹ sư Nguyễn Hữu Tùng có 18 sáng kiến, 3 đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn làm lợi trên 12,4 tỉ đồng. Liên tục từ năm 2013 đến 2017, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lê Trúc