Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN), chia sẻ quan điểm trước 4 kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp hôm 30/8 về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Thưa ông, quan điểm của Tổng LĐLĐ VN về các nhóm kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp ra sao?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Về kiến nghị mở rộng đối tượng người lao động được hỗ trợ tiền ăn. Bên cạnh chính sách hiện có của Tổng LĐLĐ VN đã cho phép các cấp công đoàn chi hỗ trợ người lao động khó khăn, từ tháng 5/2021 khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Tổng LĐLĐ VN đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng từ F0, F1, F2, người bị ngừng việc ở các khu vực cách ly, phong tỏa, người bị tử vong do Covid-19.
Các mức hỗ trợ cụ thể, như: Từ 500.000 đến tối đa 5 triệu đồng, hỗ trợ 480.000 phần quà nhu yếu phẩm cho công nhân 6 tỉnh, thành phố bị ngừng việc, mất việc, hoàn cảnh khó khăn và nhiều chính sách khác.
Người lao động ở các doanh nghiệp ngừng sản xuất, ngoài gói hỗ trợ của công đoàn, họ được nhận hỗ trợ từ doanh nghiệp hoặc gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Cách tiếp cận của công đoàn là bất kể người lao động nào khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ (Nhà nước, công đoàn, doanh nghiệp, xã hội).
Đối với việc hỗ trợ người lao động ở các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, Tổng LĐLĐ VN đã có chủ trương hỗ trợ và giao các ban liên quan khảo sát, nghiên cứu, tham mưu.
Với đề xuất miễn đóng phí công đoàn tới hết năm 2021 với các doanh nghiệp nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ý kiến của ông ra sao?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Về các kiến nghị liên quan đến kinh phí công đoàn và đoàn phí. Xin được nói rõ hơn, từ năm 2020, Tổng LĐLĐ VN đã có văn bản cho phép lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp và đoàn phí đối với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Năm 2021, chủ trương này tiếp tục được thực hiện.
Về kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn, rất tiếc nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tổng LĐLĐ VN rất thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta phải tuân thủ pháp luật.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
Hiện nay, kinh phí công đoàn đã được dành hơn 70% để chi tại công đoàn cơ sở nhằm chăm lo, hỗ trợ người lao động. Nếu miễn toàn bộ khoản này, công đoàn cơ sở sẽ rất khó khăn trong tổ chức hoạt động, nhất là trong bối cảnh người lao động đang rất cần chăm lo như hiện nay.
Theo tôi có thể xem xét giảm một phần kinh phí công đoàn theo trình tự do Quốc hội quyết định.
Vậy còn kiến nghị sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư chi trả chi phí test nhanh và xét nghiệm, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Quỹ tài chính kết dư của hệ thống công đoàn hiện còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Thời điểm Kiểm toán Nhà nước công bố gần 29.000 tỷ đồng là 31/12/2019, trước dịp Công đoàn tổ chức Tết Sum vầy cho công nhân cả nước. Những năm gần đây nguồn thu đạt thấp và nhưng chi nhiều do Covid-19.
Chỉ riêng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động. Xét về sâu xa, chi chăm lo cho người lao động cũng chính là chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Kiến nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Bởi thẩm quyền chi tài chính kết dư tại công đoàn cơ sở do ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở quyết định. Người sử dụng lao động không có quyền can thiệp vào quỹ kết dư này và đó còn là việc tuân thủ theo tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tuy nhiên, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Tổng LĐLĐ VN đã có văn bản hướng dẫn công đoàn cơ sở sử dụng tài chính kết dư mua trang thiết bị phòng dịch, hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần kinh phí trong việc mua vắc xin.
Trong hoạt động công đoàn nói chung, bối cảnh dịch bệnh Covid -19 nói riêng, TLĐ luôn xác định quan điểm: Chăm lo, hỗ trợ cao nhất cho NLĐ, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, phối hợp tích cực với các địa phương.
Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách và các hoạt động rất cụ thể, thiết thực của các cấp công đoàn trong hơn một năm qua. Hầu hết các kiến nghị là những việc Tổng LĐLĐ VN đã và đang triển khai.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm: “Điều chúng tôi đánh giá cao việc các hiệp hội đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến người lao động. Tuy nhiên, tôi rất tiếc là một số hiệp hội chưa cập nhật thông tin đầy đủ về các chính sách và hoạt động cụ thể của tổ chức công đoàn trong chăm lo, hỗ trợ người lao động và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua. Tôi mong rằng, các hiệp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến người lao động, phân phối công bằng hơn lợi nhuận, chấp nhận không lợi nhuận trong ngắn hạn để chia sẻ với những khó khăn từ phía người lao động hiện nay…
– Xin cảm ơn ông
Theo congdoan.vn