13/08/2021 1:39:37

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa ban hành hướng dẫn số 29/HD-TLĐ ngày 4/8/2021 về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID -19 trong các cấp công đoàn và công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) trước tình hình mới.

Mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ TP. Hà Nội

Bằng nhiều phương tiện khác nhau, các cấp công đoàn phổ biến nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên 6 nội dung, trước hết là về chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh 03 mục tiêu: (1) ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường; (2) bảo đảm mục tiêu kép (phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh); (3) tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp.

Hai là, thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng thông điệp “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ.

Ba là, thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp trong đàm phán, mua và cung ứng vaccine về Việt Nam; truyền thông kêu gọi người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng công tác tiêm chủng; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, đồng hành ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Bốn là, tuyên truyền về các giá trị nhân văn tốt đẹp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; tinh thần cộng đồng, tập thể, các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình, phù hợp; những gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cán bộ công đoàn Bình Dương hỗ trợ CNLĐ khu phong tỏa

Năm là, tuyên truyền những nhận xét, đánh giá thiện chí, tích cực của các tổ chức quốc tế, dư luận, báo chí quốc tế ủng hộ quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; những bài học hay, kinh nghiệm tốt; triển vọng đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Sáu là, truyền tải thông điệp quốc tế về một Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 với phương cách phù hợp, có chính trị – xã hội ổn định, kinh tế giàu tiềm năng phát triển, xã hội đoàn kết, nhân văn, là thành viên trách nhiệm, tích cực cùng nhân loại phòng, chống đại dịch.

Mô hình “Chuyến xe nghĩa tình” của LĐLĐ TP. Thủ Đức

Tại nhóm nội dung trọng tâm, trọng điểm, các cấp công đoàn chuẩn bị tốt các phương án truyền thông đểm lan tỏa những hoạt động thiết thực, những mô hình có hiệu quả của các cấp công đoàn hỗ trợ đoàn viên, CCVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhất là ở các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp; việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp đủ điều kiện theo phương châm “3 tại chỗ”; giới thiệu, nhân rộng những câu chuyện, những hình ảnh dấn thân của cán bộ công đoàn hỗ trợ hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm lo sức khỏe cho người lao động; thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với đoàn viên công đoàn, người lao động; những cán bộ công đoàn phải cách ly y tế nhưng vẫn chăm lo cho đoàn viên; những việc làm, hành động thể hiện vai trò đồng hành của đoàn viên, CCVCLĐ với nhau, với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn, với công tác phòng chống dịch bệnh COVID – 19.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là gói hỗ trợ và các nội dung tại Công văn số 2422/TLĐ ngày 31/7/2021 về triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cấp công đoàn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuyên truyền về những nỗ lực vượt khó, hy sinh thầm lặng, làm việc không quản ngày đêm, bất cấp hiểm nguy vì sức khỏe nhân dân của đoàn viên công đoàn thuộc lực lượng tuyến đầu.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hướng dẫn các cấp công đoàn phản ứng đúng đắn, kịp thời, có kỷ luật với thông tin của đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ phản ánh về những khó khăn, trở ngại về điều kiện sống, và làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đồng thời tăng cường phản bác thông tin sai lệch, tin giả. Góp phần ổn định tâm lý, tư tưởng làm việc cho đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ.

Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương, Quyền Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết  để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả thì cán bộ công đoàn phải phát huy vai trò vừa là nguồn cung cấp thông tin chính xác, có chọn lọc, đúng thời điểm cho các kênh truyền thông trong và ngoài hệ thống công đoàn về công tác phòng chống dịch trong CCVCLĐ, chương trình hỗ trợ đoàn viên, CCVCLĐ gặp khó khăn do Covid – 19…; vừa là kênh thông tin (chủ động, tích cực viết tin bài, kể các câu chuyện, hình ảnh xúc động của bản thân, của đồng nghiệp đăng tải trên báo chí và mạng xã hội), vừa tham gia vào quá trình phân phối thông tin (chia sẻ bài viết trên báo chí và mạng xã hội). Đồng thời, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thông để thực hiện nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề khó khăn của đoàn viên, công nhân lao động.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn một số vấn đề trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trước tình hình mới. Đó là cần thực hiện nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng cũng như cung cấp thông tin để tuyên truyền.

Hai là, cần tăng cường thông tin tích cực, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, sẻ chia, đoàn kết của dân tộc; tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xứ lý có hiệu quả những thông tin sai trái, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và đầu cơ, trục lợi, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ba là, nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến, có sức lan tỏa, thuyết phục trong toàn xã hội”, đồng chí Vũ Thị Giáng Hương nhấn mạnh.

NGỌC TÚ