14/03/2023 2:27:30

Tờ báo phụ nữ Việt Nam đầu tiên

“Nữ giới chung” (Tiếng chuông của nữ giới) là tờ báo chuyên về phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, xuất bản thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Số 1 của tuần báo này ra mắt độc giả ngày 01/02/1918. Chủ báo là một người Pháp tên Henri Blaquière, còn người điều hành Ban Biên tập là nhà thơ nữ Sương Nguyệt Anh. Báo gồm 18 trang với 8 trang dành cho quảng cáo. Giá mỗi tờ thời bấy là 40 xu.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, mục đích của tờ Nữ giới chung” là nhằm nâng cao dân trí, khuyến khích công – nông – thương, khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với phụ nữ, bài trừ mê tín dị đoan, cổ động phụ nữ lưu ý đến “nữ quyền”. Điều này được ghi rõ trong “Lời phi lộ” ở ngay số 1: “Ngay sau khi đến Sài Gòn và trong chương trình nâng cao mức sống xã hội của Annam, ông Toàn quyền Albert Sarraud đã cho phép xuất bản một tờ báo phụ nữ đầu tiên dùng để nâng cao mức sống của phụ nữ”.

“Nữ giới chung” – Tờ báo chuyên về phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam

Cũng ngay trong số đầu tiên, nội dung của tờ Nữ giới chung” đã được nữ sĩ Sương Nguyệt Anh khẳng định là chú trọng đến việc truyền bá chữ quốc ngữ, không dính dáng đến việc chính trị. Tờ báo tập trung đăng những bài xã luận, thơ, tiểu thuyết, dạy gia chánh, học nghề, cách ngôn và các tin tức về phụ nữ.

Là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, sự xuất hiện của Nữ giới chung” được đánh giá là một sự kiện quan trọng đối với dân chúng bấy giờ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng vì lý do tài chính, rất tiếc Nữ giới chung” không tồn tại được lâu với độc giả phụ nữ Việt Nam. Sau nửa năm ra mắt, báo phải tạm đình bản vào ngày 19/07/1918 và biến thành một tờ báo khác là “Đèn Nhà Nam”. Tờ mới này cũng chỉ ra tiếp được 5 số rồi đình bản hoàn toàn cuối năm 1918.

Nguyễn Anh Hùng