Điều kiện tự nhiên và đặc điểm nguồn tài nguyên dầu khí giữa hai nước có nhiều khác biệt. Dầu khí Romania phát triển chủ yếu trên đất liền; từ năm 1975 mới tiến ra Biển Đen và kết quả tìm kiếm thăm dò ngoài biển mới đạt mức độ khiêm tốn về nguồn khí thiên nhiên.
Từ sau năm 1989, ngành công nghiệp dầu khí của Romania gặp nhiều khó khăn, thách thức, trữ lượng tài nguyên cạn kiệt, phải nhập khẩu thêm cả dầu thô lẫn khí thiên nhiên. Dầu khí Việt Nam từ năm 1975 đến nay phát triển chủ yếu ngoài biển, trên thềm lục địa Biển Đông chiếm trên 99% sản lượng khai thác dầu thô và khí thiên nhiên của đất nước.
Hợp tác giữa Việt Nam và Romania trong lĩnh vực dầu khí đầu thế kỷ 21 mới đạt được kết quả khiêm tốn.
Đầu tiên là việc đào tạo kỹ sư dầu khí Việt Nam tại Romania được tiếp nối từ năm 2002 sau một thời gian dài gián đoạn. Tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí tốt nghiệp các khóa từ Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), trên cơ sở hợp đồng đào tạo giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG) cùng một số suất học bổng trao đổi giữa Bộ Giáo dục hai nước.
Cũng từ năm 2002, Tổng công ty Dầu khí quốc gia Việt Nam thuê các chuyên gia Romania sang hỗ trợ đào tạo lực lượng vận hành, cung cấp chuyên gia chạy thử, vận hành ban đầu và làm dịch vụ bảo dưỡng nhà máy. Tổng số chuyên gia Romania làm việc ở Việt Nam trong các hợp đồng của Petroconsult với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) từ năm 2002 tới năm 2014 là 150 người.
Tại dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Khởi đầu bằng việc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuê 2 chuyên gia Romania (Công ty Petroconsult) sang làm tư vấn đào tạo đội ngũ vận hành nhà máy vào năm 2002-2003. Chuyên gia tư vấn đào tạo Romania đã cùng chủ đầu tư và tổng thầu hoàn thiện chương trình đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy, cùng Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí ở Vũng Tàu cụ thể hóa tài liệu hướng dẫn, kiểm tra, sát hạch các học viên, tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu hệ thống chức danh vận hành nhà máy của tổng thầu và nhà cung cấp bản quyền công nghệ. Những tư vấn này hỗ trợ Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí thực hiện tốt hợp đồng đào tạo với Ban Quản lý dự án. Hợp đồng thứ hai của Petroconsult là cử 1 chuyên gia điện tham gia cùng Tổng thầu Technip Italy chạy thử và đưa vào vận hành các thiết bị điện của nhà máy trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 5/2004. Hợp đồng thứ 3 ký kết giữa Petroconsult và Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (đơn vị vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Đạm Phú Mỹ) là phối hợp với công ty Quad Consulting Inc. (Hoa Kỳ) cử một đội chuyên gia Romania sang tham gia chạy thử và hỗ trợ vận hành nhà máy năm 2004-2005. Các chuyên gia Romania cùng đội ngũ nhân lực của nhà máy tham gia công tác tiền chạy thử (precommissioning) và chạy thử (commissioning) cùng với tổng thầu, đưa vào vận hành và tiếp nhận chuyển giao nhà máy, cũng như hỗ trợ vận hành thời gian đầu cho tới tháng 6/2005. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoạt động an toàn và liên tục 100% công suất thiết kế với chất lượng tốt, hiệu suất và hiệu quả cao. Việc hợp tác thành công của Petroconsult ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ tạo được uy tín tốt của Petroconsult ở Việt Nam, có điều kiện tiếp tục hợp tác với Petrovietnam trong dự án tiếp theo.
Tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Petroconsult của Romania đã có các hợp đồng đào tạo nhân lực vận hành, tham gia chạy thử và đưa vào hoạt động nhà máy và tham gia bảo dưỡng định kỳ từ tháng 10/2006 tới tháng 2/2009. Hợp đồng đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy thực hiện từ tháng 10/2006 tới tháng 2/2009, Petroconsult hợp tác cùng Trung tâm Đào tạo nhân lực Dầu khí thực hiện cho 300 học viên theo chức danh tại cơ sở của trung tâm ở Vũng Tàu, thực tập thực tế tại Nhà máy điện Bà Rịa, Nhà máy chế biến condensate Thị Vải, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cảng LPG Thị Vải, Phòng thí nghiệm Vietsovpetro v.v… Trong năm 2007 có 60 kỹ sư chức danh vận hành và bảo dưỡng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Petroconsult tổ chức đào tạo tiếp ở Romania, tại Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), Viện thiết kế IPIP, Nhà máy Lọc dầu Petrotel Lukoil, thực tập tại xưởng xử lý dầu hỏa ở Nhà máy lọc dầu PetroBrazi của Tập đoàn Petrom OMV, xưởng bảo dưỡng các công trình dầu khí của hãng Dinafit, Kho cảng đầu mối Constanta. Trong giai đoạn từ tháng 11/2007 tới tháng 2/2009, Petroconsult trợ giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất quản lý và điều hành chương trình đào tạo nhân lực tại công trường, tại các nhà cung cấp bản quyền, các nhà cung cấp thiết bị và tham gia công việc với nhà thầu cho 900 người thuộc bộ máy vận hành nhà máy. Trong giai đoạn này các chuyên gia Romania cũng trợ giúp kỹ thuật trong việc chạy thử và đưa vào hoạt động các thiết bị và xưởng sản xuất trong nhà máy. Hợp đồng tham gia bảo dưỡng tổng thề định kỳ Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Petroconsult hợp tác cùng hãng Quat Consulting Inc. (Hoa Kỳ) thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2014.
Tại dự án Nhà máy sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ: Petroconsult hợp tác cùng công ty bảo trì của Petrovietnam (PVMC) thành một Nhà thầu Vận hành và Bảo dưỡng (O&M) thực hiện hợp đồng trợ giúp kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng nhà máy theo yêu cầu của chủ đầu tư 2 đợt tháng 3/2012 đến tháng 7/2012 và từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2013.
Hợp tác giữa Trường đại học Dầu Khí Việt Nam (PVU) và Trường đại học Dầu Khí Romania (UPG)
Với sự kết nối của Hội Dầu Khí Việt Nam, đầu tháng 12/2015, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã vinh dự được đón tiếp Ngài Valeriu Arteni – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Romania tại Việt Nam và ông Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Ploiesti Romania (UPG), GS.TS. Paraschiv Nicolae. Cuộc gặp gỡ này như một cơ duyên mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, là cột mốc quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên, với sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày quốc khánh Romania 01/12/2015.
Ký Biên bản hợp tác PVU-UPG tại Bà Rịa – Vũng Tàu với sự chứng kiến của Đại sứ Valeriu Arteni và ông Bỳ Văn Tứ (đại diện Hội HNVR/ Hội DKVN) |
Hội thảo tại UPG (Romania) năm 2019 |
Từ năm 2017 hai bên đã xúc tiến các nội dung trong chương trình hợp tác liên quan đến giáo trình giảng dạy, trao đổi sinh viên, tổ chức thỉnh giảng, nghiên cứu chuyên đề, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ v.v… Tháng 5/2017, đoàn công tác của trường đã sang Romania tham quan và trao đổi với Hiệu trưởng UPG chương trình hành động cụ thể về hợp tác giữa hai bên trong những năm kế tiếp.
Chi hội hữu nghị Dầu Khí Việt Nam – Romania
Tháng 9 năm 2015 các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được đào tạo từ Romania và làm việc tại ngành Dầu Khí Việt Nam tập hợp thành lập Chi Hội Dầu khí trực thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam – Romania. Các Hội viên đã bầu Ban chấp hành do ông Nguyễn Xuân Nhậm làm Chủ tịch chi hội.
Hàng năm Chi hội Hữu nghị Dầu Khí đều tổ chức gặp mặt. Đã có 7 lần Chi hội tổ chức gặp mặt tại Hà Nội (2 lần), Đảo Ngọc, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cửa Lò. Đây là dịp để các bạn đồng nghiệp, đồng môn giao lưu, cập nhật tình hình bạn bè, tình hình hợp tác hữu nghị giữa hai nước, tình hình hoạt động của Hội và trao đổi kế hoạch cho năm tới: Tổ chức gặp mặt chào mừng Quốc khánh Romania tại Việt Nam, tham gia các hoạt động của Hội HNVR, thăm hỏi hiếu hỷ các hội viên, tham gia các đoàn du lịch tham quan, giao lưu tại Romania, hỗ trợ các đối tác hai nước hợp tác làm ăn v.v… .
Mỗi lần gặp mặt, các hội viên đều vui mừng được sống lại những kỷ niệm tươi đẹp của thời thanh xuân ở Romania – Tổ quốc thứ hai của mỗi người, được chan hòa tình yêu thương đồng môn, đồng nghiệp đã vượt qua những năm tháng đầy gian lao thử thách và được chứng kiến những thành tựu của ngành Dầu Khí Việt Nam. Nhưng tâm tư mỗi người cũng lăn tăn điều nuối tiếc là Hợp tác Dầu Khí Việt Nam – Romania còn khiêm tốn, kết quả chưa được như kỳ vọng. Nhưng dù sao, trong lịch sử nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với các cuộc chiến tranh khốc liệt, tình hình quốc tế và trong nước đầy biến động mà đạt được như vậy cũng thật đáng tự hào. Dấu ấn của Tình Hữu nghị Việt Nam – Romania trong ngành Dầu Khí Việt Nam luôn sâu đậm với thời gian.
Hình ảnh một số lần gặp mặt:
Bỳ Văn Tứ