Một số giàn khoan Romania đã được sử dụng để thăm dò, tìm kiếm dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm 1970-1975, Việt Nam nhập khẩu một số giàn khoan Romania loại T-50, 3DH-200, 4LD-150D và F-200 để tiến hành tìm kiếm và thăm dò dầu khí ở Miền Bắc.
Giếng khoan sâu thông số tìm kiếm dầu khí đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam là giếng khoan GK-100 trên cấu tạo Tiên Hưng, đặt tại làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam ghi nhận sự kiện này như sau:
“Thi công giếng khoan GK-100 bằng máy khoan 4LD-150D do Romania sản xuất, công suất khoan được 3.200 m. Thiết bị của bộ máy khoan nặng gần 1.000 tấn. Có những thiết bị nặng 18, 20, 25 tấn, tháp khoan phân thành 3 đoạn mỗi đoạn 18 m, cần khoan, ống chống, choòng khoan và các loại vật tư tiêu hao khác có trọng lượng hơn 2.000 tấn.
Tháng 9 năm 1972 có các kỹ sư khoan tốt nghiệp Học viện Dầu khí Địa chất Bucarest, Romania (IPGG) mới về nước như Trịnh Minh Hùng, Ngô Văn Tự, Đỗ Văn Việt, Ninh Văn Nhuận, Đào Đức Nghinh, Vương Hữu Oánh,… Các kỹ sư khoan tốt nghiệp trong nước có Lương Duyên Nga, Trần Ngọc Ân, Lê Cương, Đỗ Hữu Việt,… Lực lượng kỹ thuật được bổ sung đã trưởng thành một cách nhanh chóng.
Giếng khoan thông số tìm kiếm dầu khí GK-102 đặt tại xã Giao An, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định khoan bằng máy khoan Uralmash-3D do Liên Xô chế tạo, được xây lắp đầu năm 1974 bởi Đoàn 36N do Trưởng đoàn là Anh hùng Lao động Trần Văn Giao và số thực tập sinh ở Romania mới về. Cuối năm 1974, ông Trần Văn Giao được điều động về Đoàn 36Y chuẩn bị cho giếng khoan GK-104 cùng với bộ máy khoan 3DH-250 do Romania chế tạo. Sau năm 1975, kỹ sư khoan Ninh Văn Nhuận làm Đoàn phó Đoàn 36N thi công giếng khoan GK-102.
Năm 1974-1975 giếng khoan thông số tại Chợ Gốc, huyện Kiến Xương được thực hiện bằng bộ máy khoan T-50 do Romania sản xuất, khoan đạt độ sâu 1.700 m. Ông Trịnh Minh Hùng, kỹ sư tốt nghiệp ở Romania năm 1972 làm kíp trưởng tại giếng khoan này. Sau đó, ông Hùng được điều động lên Phòng Công trình của Liên đoàn 36.
Giếng khoan thăm dò GK-104 đặt tại thôn Duy Linh, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, do Đoàn 36Y thực hiện,với bộ máy khoan 3DH-250 của Romania sản xuất, với công suất khoan sâu tới 5.000 m. Đây là bộ máy khoan sâu hiện đại nhất Việt Nam lúc đó, tháp khoan hình chữ A cao 53 m, sức nâng là 250 tấn, trang bị 5 động cơ diesel công suất 820 mã lực dùng cho hệ thống tời và bơm dung dịch khoan. Quyền trưởng đoàn 36Y là Anh hùng Lao động Trần Văn Giao, nguyên là Trưởng đoàn Thực tập sinh khoan ở Romania giai đoạn 1970-1974, Phó trưởng đoàn 36Y là ông Đỗ Văn Việt – kỹ sư khoan tốt nghiệp ở Romania năm 1972. Từ tháng 8/1975 đến tháng 7/1976, Đoàn 36Y tiến hành công tác khảo sát, thiết kế, chuẩn bị vật tư, nhân lực và các điều kiện thi công. Trong giai đoạn từ tháng 8/1976 đến tháng 12/1976 có 5 chuyên gia Romania từ Nhà máy thiết bị Mồng 1 tháng 5 ở Ploiesti sang công trường hỗ trợ lắp dựng và đồng bộ hóa máy khoan. Giếng khoan GK-104 Phù Cừ hoàn thành vào tháng 2/1979, đạt độ sâu 4.114m.
Giếng khoan khai thác số 76 tại Tiền Hải, Thái Bình sử dụng bộ máy khoan F200- 2DH của Romania sản xuất gặp sự cố khí phun, để lại một di tích khó quên trong quá trình phát triển mỏ khí Tiền Hải C. Ngày 18/5/1982, giếng khoan 76 đạt độ sâu 582 m bằng choòng khoan đường kính 269 mm thì bắt đầu bơm rửa, kéo cần khoan. Khi sắp kết thúc công đoạn kéo cần thì kíp trưởng phát hiện khí xâm nhập mạnh vào dung dịch khoan và đẩy cần nặng lên, khí phun tạo thành một hố sâu, nuốt chửng cả giàn khoan vào lòng đất.
Năm 1979 có 2 giàn khoan F200 được Tổng cục Dầu khí điều động vào Đồng bằng sông Cửu Long để khoan giếng khoan ở Cà Cối, Phụng Hiệp. Sau đó 1 giàn F200 được trang bị cho Trường Công nhân kỹ thuật Bà Rịa làm thiết bị đào tạo và thực tập cho công nhân khoan”.
Giàn khoan F-200 của Romania khoan tìm kiếm dầu khí ở Đồng bằng sông Cửu Long |
Những dự án kỳ vọng một thời
Ngay sau năm 1975, Chính phủ hai nước Việt Nam và Romania đã xúc tiến việc hợp tác một số dự án dầu khí ở Việt Nam.
Tháng 11/1976, Chính phủ Việt Nam thành lập đoàn đàm phán hợp tác kinh tế Việt Nam – Romania do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm trưởng đoàn; thành viên đoàn có Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu Khí Nguyễn Văn Biên và Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Quang Hạp chuẩn bị kế hoạch hợp tác về dầu khí giữa hai nước. Đầu tháng 11/1976, Đoàn công tác của Tổng cục Dầu khí do Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch Nguyễn Quang Hạp dẫn đầu sang Romania tham quan các nhà máy lọc dầu Ploiesti, Teleajen, trung tâm xử lý số liệu địa vật lý và làm việc với các cơ quan của Romania, chuẩn bị nội dung đàm phán giữa chính phủ hai nước. Hai bên đã trao đổi về phương án hợp tác thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn 200.000 tấn/năm ở Việt Nam.
Cuối tháng 1/1977, đoàn chuyên gia dầu khí Romania do Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Ngoại thương Grigorie Emil dẫn đầu sang Việt Nam bàn phương án hợp tác về dầu khí, đi khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long, địa điểm dự kiến cho nhà máy lọc dầu tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Tháng 8/1977, đoàn công tác của Tổng cục Dầu khí Việt Nam do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên dẫn đầu sang Romania tham quan các cơ sở khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, chế tạo thiết bị và đàm phán hợp tác thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà máy lọc dầu và sản xuất dầu nhờn.
Tháng 12/1977, Nghị định thư Khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác kinh tế và khoa học – kỹ thuật Việt Nam – Romania được ký kết tại Bucarest. Hai bên thống nhất tiến hành khoan 3 giếng thăm dò dầu khí tại Đồng bằng sông Cửu Long; còn nhà máy lọc dầu và dầu nhờn sẽ tiếp tục đàm phán về các điều kiện kinh tế, tài chính.
Sau đó, phương án hợp tác với Romania về nhà máy lọc dầu không tiến triển thêm vì Romania chỉ có thể tham gia một phần và hai bên không thống nhất được các điều kiện và giải pháp về tài chính.
Bỳ Văn Tứ