Ngày 7/3/2022, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Ban nữ công công đoàn các cấp với vấn đề chăm lo việc làm, đời sống của người lao động hiện nay”. Bà Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì.
Tọa đàm kết nối tại các điểm cầu trên địa bàn cả nước
Tọa đàm được tổ chức trực tuyến kết nối với 40 điểm cầu tại LĐLĐ tỉnh, thành phố, 10 công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Đây là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 73 năm thành lập Ban cán sự phụ nữ lao động (tiền thân là Ban Nữ công công đoàn); thực hiện chủ đề năm 2022 của Công đoàn Việt Nam đó là: “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.
Bà Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc tại điểm cầu trụ sở
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết: Trong những năm qua, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động…
Bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động áp dụng đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ. Các cấp Công đoàn đã thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới. Những quy định về lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội, và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030, chính sách dân số và phát triển.
Theo bà Thái Thu Xương, đằng sau những kết quả đạt được như trên là sự tham mưu tích cực của Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cấp Công đoàn đã cụ thể hóa các chủ trương của Tổng Liên đoàn nhằm chăm lo đời sống, việc làm góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ đó, bà Thái Thu Xương đề nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề: Vai trò của Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong tham mưu xây dựng chính sách đối với lao động nữ và con công nhân, viên chức, lao động; kết quả việc chăm lo đời sống, việc làm góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc tham gia giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo tinh thần Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non và Nghị định 145 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động; các chính sách chăm lo, hỗ trợ NLĐ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói chung, lao động nữ nói riêng. Đồng thời đề xuất, kiến nghị và các giải pháp nhằm phối hợp triển khai có hiệu quả công tác chăm lo việc làm, đời sống của lao động nữ hiện nay.
Tiếp sức cho lao động nữ vượt khó
Chia sẻ tại Tọa đàm, chị Bùi Ngọc Lan – Chủ tịch CĐCS Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel (Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) cho biết, Công ty có gần 5.500 lao động nữ, chiếm tỷ lệ trên 60% lao động toàn nhà máy nên vai trò của Ban Nữ công rất quan trọng.
Năm 2021, Thành phố Hà nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24-7. Thời điểm đó, mặc dù số CBCNV đông hàng nghìn người/ca sản xuất nhưng tại nhà máy không phát sinh ca nhiễm Covid – 19. Ban Nữ công đã tham mưu trích từ quỹ phúc lợi của công ty và công đoàn mua mỳ tôm, dầu ăn và gạo gửi đến từng đoàn viên, người lao động. Cùng với đó là tham mưu với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến xe phục vụ các nữ công nhân mang thai, cho con bú đi tiêm tại bệnh viện và các cơ sở y tế đủ điều kiện.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ TP. Hà Nội
“Lúc bình thường, gạo và mỳ tôm là những lương thực nhà nào cũng có, nhưng giữa mùa dịch giãn cách xã hội thì nhận được thùng mỳ tôm, ai cũng rưng rưng cảm động. Triển khai được những việc nhỏ nhưng mang lại nhiều niềm vui lớn đó, chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc” – chị Lan bày tỏ.
Theo chị Lan, hiện nay Ban Nữ công đã đề xuất và được công ty chấp thuận chi trả 70% lương cơ bản cho trường hợp người lao động nghỉ diện F1. Đây là một quyết định nhân văn, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động đang làm tại nhà máy khỏi rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc, vừa đảm bảo cho nhân viên nghỉ cách ly có thu nhập và an tâm quay trở lại làm việc. Đối với người lao động bị nhiễm Covid – 19, trường hợp không có điều kiện tự theo dõi, cách ly tại nhà thì được vào điều trị tại các khu thu dung Quận Long Biên và khu tập trung cách ly y tế do công ty thành lập với công suất 200 người, chi phí điều trị, ăn ở do công ty tài trợ.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Cần Thơ
Nằm trong nhóm các doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ với tổng số lao động hiện nay là 39.054 người, trong đó lao động nữ là 33.429 (chiếm trên 85%), ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Teakwang Vina (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn TaeKwang Vina đã chủ động đề xuất, thương lượng nhiều chương trình có lợi cho người lao động và triển khai thực hiện mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ, tiêu biểu như: Xây dựng phòng khám đa khoa trong khu vực nhà máy sản xuất để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe sinh sản hàng năm cho trên 4.000 lao động nữ; lắp đặt các Cabin lưu trữ sữa mẹ; xây dựng Trường Mầm non Thái Quang với chi phí xây dựng trên 50 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 60% chi phí vận hành hằng tháng giúp cho con người lao động được sử dụng các chương trình đào tạo tiêu chuẩn cao với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, Công ty còn có chính sách hỗ trợ lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ: Toàn thể lao động nữ ngoài việc được hưởng đầy đủ các chế độ theo luật định, Công đoàn còn thương lượng thêm những ưu đãi như: Lao động nữ khi mang thai được phát sữa FrisoMum hàng tháng tới khi sinh con, con nhỏ được hỗ trợ mỗi tháng 100 nghìn đồng/cháu từ khi sinh tới đủ 6 tuổi…
Bà Đỗ Hồng Vân – Phó trưởng ban phụ trách Ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam tại điểm cầu trụ sở
Là đơn vị có tới 52% lao động nữ, hầu hết tuổi đời còn trẻ nên Ban nữ công công đoàn công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh xác định cần phải đẩy mạnh việc phát động phong trào thi đua tạo điều kiện, cơ hội để lao động nữ thể hiện mình, đồng thời cung cấp kiến thức giúp họ làm tốt nhiệm vụ được phân công, làm tốt chức năng làm vợ, làm mẹ, làm con dâu trong gia đình. Ban nữ công tham mưu với Ban Chấp hành công đoàn đề xuất với Công ty thực hiện chế độ cho nữ công nhân nuôi con nhỏ trong 14 tháng được làm 7 tiếng/ngày; thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con công nhân; duy trì thực hiện có hiệu mô hình “Sức khỏe của bạn” tuyên truyền, khám sức khỏe, tư vấn cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tầm soát ung thư sớm.
Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ lao động nữ, con công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Phạm Thị Quyên – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho biết: Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Long An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, toàn tỉnh phải giãn cách xã hội trong gần 4 tháng. Thời gian này, có khoảng 96.000 nữ công nhân lao động trên địa bàn tỉnh bị tạm hoãn và bị mất việc làm, không có thu nhập ảnh hưởng nhiều đến đời sống; 65.000 lao động nữ phải làm việc 3 tại chỗ ở doanh nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và phải gửi con lại cho gia đình trông nom.
Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời triển khai các gói hỗ trợ thông qua các chương trình đậm tính nhân văn như: “Chuyến xe nghĩa tình – Phần quà kết nối yêu thương” trao 175.000 phần quà cho công nhân lao động ở các khu nhà trọ; “Chương trình “Trao sữa yêu thương – Ấm tình Công đoàn” trao 6.000 suất quà cho con công nhân lao động trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và 1.200 suất quà cho nữ công nhân lao động đang mang thai tại các nhà trọ trên địa bàn tỉnh; chương trình “Công đoàn trao gởi yêu thương – Cùng em đến trường” trao tặng 36 máy tính bảng cho học sinh có cha hoặc mẹ là công nhân lao động, đoàn viên công đoàn mất do dịch Covid-19…
Nâng cao vai trò, vị thế công tác nữ công
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Cán sự phụ nữ lao động (tiền thân của Ban Nữ công ngày nay) vào tháng 02 năm 1949. Trải qua 73 năm hình thành và phát triển, Ban nữ công đã dần khẳng định được vai trò của mình đại diện bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho lao động nữ.
Các thế hệ cán bộ nữ công công đoàn các cấp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo để làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình, tham mưu Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ; tham gia xây dựng chế độ, chính sách góp phần thực hiện mục tiêu bình đằng giới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế cho nữ công nhân viên chức người lao động.
Nữ cán bộ công đoàn Cần Thơ hưởng ứng Tuần lễ áo dài. Ảnh minh họa
Hệ thống nữ công công đoàn các cấp trong giai đoạn hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn, đó là lực lượng lao động nữ ngày một gia tăng, bộ máy tổ chức hoạt động và cán bộ được tinh gọn nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Hoạt động nữ công không chuyển biến nhanh sẽ khó hấp dẫn đoàn viên, nữ CNVCLĐ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, công tác nữ công chỉ hiệu quả khi được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chấp hành mỗi cấp công đoàn và sự chủ động của Ban nữ công trong việc thúc đẩy để hoạt động nữ công có vị thế hơn. Cán bộ nữ công phải nhiệt tình, năng động, phải biết cách chăm sóc bản thân, gia đình; phải đẹp về nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, cách ứng xử; biết hy sinh vì cái chung… “Làm cán bộ nữ công công đoàn không khó, nhưng làm cán bộ nữ công công đoàn giỏi thì rất khó, nhất là trong bối cảnh người lao động ngày càng văn minh, hiện đại” – ông Ân khẳng định.
Kết luận Tọa đàm, bà Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ban Nữ công công đoàn các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới đa dạng hóa các hình thức tập hợp nữ đoàn viên, người lao động đặc biệt trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đoàn viên, người lao động, kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những bức xúc, khó khăn về đời sống, việc làm của nữ đoàn viên, người lao động, tập trung các vấn đề liên quan đến đặc thù của lao động nữ nhất là ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ.
Theo congdoan.vn